GS.TS Mai Trọng Nhuận, giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, căn cứ vào quyết định mức khung học phí của Chính phủ, trường sẽ tăng mức học phí kịch trần một số ngành đào tạo hấp dẫn, một số ngành đào tạo cơ bản vẫn giữ nguyên.
Thấp thỏm chờ trường tăng học phí
GS Mai Trọng Nhuận cho biết, mức tăng học phí mà Chính phủ vừa phê duyệt không phải là cao so với hiện nay. Khi tăng học phí, ĐH QGHN có 2 chủ trương: Đối với sinh viên giỏi sẽ được miễn học phí và tặng học bổng; Nghĩa vụ của các trường là phải tìm được mọi nguồn lực khác nhau để thu hút người tài đến học.
Những ngành hấp dẫn như Tài chính ngân hàng, Công nghệ thông tin, Tài chính kế toán… sẽ thu mức cao nhất mà Chính phủ cho phép là 240.000đ/tháng/SV để bù lại cho những ngành ít người theo học như khối Xã hội, Kinh tế chính trị, Triết học, khoa học cơ bản… những ngành này dự kiến sẽ giữ như các năm trước. Tuy nhiên, mức học phí ĐH Quốc gia không quyết định cụ thể mà để Hiệu trưởng các trường quyết định – ông Nhuận cho biết.
Theo PGS. Phùng Xuân Nhạ, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế – ĐH QGHN cho biết, mức học phí mới đã cải thiện hơn. Tuy nhiên, nếu xét cụ thể, 1 số đơn vị, 1 số ngành đầu tư về chất lượng tốt thì đương nhiên phải có mức thu cao hơn nhưng phải có điều kiện đảm bảo như chất lượng, được người học thừa nhận, đồng thuận, minh bạch, công khai để học phí xứng đáng với “đồng tiền bát gạo” mà người học phải đóng. Đặc biệt, không được nhập nhèm giữa kinh phí với chất lượng. Với các ngành mà trường thu học phí ở mức cao là Kinh tế đối ngoại, Quản trị kinh doanh, dạy theo tiêu chuẩn quốc tế nên thu 46đô/tháng.
Theo chủ trương của lãnh đạo ĐHQG, sinh viên giỏi sẽ được miễn học phí và được trao học bổng. Để thực hiện chủ trương này, ĐH Kinh tế sẽ liên kết với các doanh nghiệp để xin học bổng, ra trường các sinh viên này nếu có nguyện vọng chắc chắn các doanh nghiệp tặng học bổng sẽ nhận vào làm việc. Cho nên học phí không phải là mục tiêu cao nhất, vì có rất nhiều cách để thu hút sinh viên giỏi mà không nhất thiết thu học phí cao – ông Nhạ cho hay.
Được biết, hiện nay, Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN và Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN đang triển khai 4 chương trình liên kết đào tạo là Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Kinh tế đối ngoại, tiếng Anh phiên dịch. Dự kiến học phí các ngành này sẽ tăng ở mức kịch trần.
Theo đó, trường đã ban hành mức thu học phí của sinh viên học chương trình liên thông từ năm học 2009-2010 là 225.000 đồng/tín chỉ, 450.000 đồng/tín chỉ đối với môn chuyên ngành học bằng tiếng Anh.
Hồng Hạnh (TTO)
Bình luận (0)