PGS.TS Vũ Hải Quân (Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) đã kiến nghị Chính phủ ủng hộ, phê duyệt chủ trương thành lập hai trường thành viên mới là Trường ĐH Khoa học sức khỏe và Trường ĐH Công nghệ Môi trường.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc với ĐH Quốc gia TP.HCM
Chiều 22-4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có buổi làm việc với ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Bộ Khoa học – Công nghệ cùng nhiều đại diện khác đã tham dự.
Tiến tới cấp bằng chung, thi năng lực chung
Bên cạnh kiến nghị thành lập hai trường ĐH mới, PGS.TS Vũ Hải Quân còn kiến nghị nhiều nội dung khác. Cụ thể, kiến nghị Chính phủ ủng hộ và sớm ban hành nghị định về ĐH Quốc gia, quy chế tổ chức và hoạt động của ĐH Quốc gia và các cơ sở giáo dục ĐH thành viên; ủng hộ ĐH Quốc gia xây dựng cơ chế thử nghiệm (regulatory sandbox) để thực thi tự chủ ĐH trong bối cảnh còn nhiều các quy định pháp lý khác cản trở tiến trình tự chủ ĐH. Đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt, giao bổ sung thêm kinh phí cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; giao nhiệm vụ, đặt hàng ĐH Quốc gia TP.HCM thực hiện các chương trình, đề án, dự án chiến lược quốc gia để phát triển kinh tế xã hội, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh đó, ủng hộ chủ trương có phiên họp thường niên giữa Bộ Khoa học – Công nghệ, Bộ GD-ĐT và hai ĐH Quốc gia do Chính phủ chủ trì để bàn về các kế hoạch chiến lược phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ.
Đối với Bộ GD-ĐT, ông Quân kiến nghị ủng hộ ĐH Quốc gia TP.HCM cùng tham gia, xây dựng và triển khai các đề án do Bộ GD-ĐT chủ trì như: Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030; Đề án nâng cao chất lượng giáo dục ĐH giai đoạn 2019-2025.
Đối với Bộ Khoa học – Công nghệ, kiến nghị ủng hộ hai ĐH Quốc gia xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ chung, phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Giao ĐH Quốc gia TP.HCM xây dựng cơ chế thử nghiệm (regulatory sandbox) để thí điểm triển khai một số nội dung về khoa học công nghệ như: Khai thác và thương mại hóa kết quả nghiên cứu; khoán đến sản phẩm cuối cùng đối với các nhiệm vụ khoa học – công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước trên nguyên tắc tôn trọng đặc thù của hoạt động nghiên cứu, cho phép thử sai, chấp nhận rủi ro và độ trễ trong khoa học; xây dựng thị trường khoa học công nghệ đồng bằng sông Cửu Long. Tiếp tục ủng hộ ĐH Quốc gia TP.HCM chủ trì/đồng chủ trì chương trình khoa học – công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ giai đoạn tiếp theo.
Ngoài ra, hai ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đề nghị tăng cường phối hợp, thống nhất đăng ký với Chính phủ, Bộ GD-ĐT, Bộ Khoa học – Công nghệ cùng thực hiện các nhiệm vụ chiến lược quốc gia, các chương trình nghiên cứu trọng điểm và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Cụ thể là: Xây dựng và triển khai ít nhất một chương trình nghiên cứu chung; thí điểm thực hiện chương trình trao đổi sinh viên, nhất là sinh viên các ngành liên quan đến khoa học quản lý, kinh tế và xã hội, tiến tới cùng cấp bằng chung; phối hợp thực hiện kỳ thi đánh giá năng lực, xây dựng ngân hàng câu hỏi, chuẩn hóa quy trình ra đề và tổ chức thi, từng bước tiến tới tổ chức chung một kỳ thi; chia sẻ thông tin, thống nhất nội dung, quy trình thực hiện dự án phát triển các ĐH Quốc gia.
Trọng trách lớn
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, hai ĐH Quốc gia được thành lập với nhiều mục tiêu, trong đó có 3 mục tiêu chính. Thứ nhất, xây dựng hai trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu khoa học hàng đầu của đất nước, vươn tới tầm khu vực và quốc tế. Thứ hai, việc thành lập hai ĐH Quốc gia, một mô hình đặc biệt để từ đây hình thành một mô hình quản trị ĐH mới, tiên tiến trên thế giới nhằm phát huy hết trí tuệ của mọi cá nhân, đơn vị từ thầy cô giáo đến sinh viên; để huy động tất cả mọi nguồn lực, sử dụng một cách hiệu quả nhất và để tăng cường hợp tác, không chỉ quy mô trong nước mà quy mô quốc tế. Thứ ba, xây dựng ĐH mang tên quốc gia là nơi làm việc, học tập, sinh hoạt thực sự mô phạm, văn hóa… từ đó lan tỏa những điều tốt đẹp nhất trong toàn xã hội.
Ba nhiệm vụ trọng tâm của ĐH Quốc gia TP.HCM giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn 2030 bao gồm: Tiên phong thực hiện tự chủ ĐH, từng bước hoàn thiện mô hình tự chủ, mô hình quản trị, phấn đấu 100% các đơn vị thành viên sẽ thực hiện tự chủ ĐH trước 2025; đến năm 2025 bắt kịp các trường ĐH nghiên cứu hàng đầu khu vực Đông Nam Á ở một số lĩnh vực đào tạo – nghiên cứu như: Trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học – y sinh, công nghệ vật liệu tiên tiến… và đến năm 2030 nằm trong nhóm 100 trường ĐH hàng đầu của châu Á; đến năm 2025, xây dựng khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM xanh, thân thiện hướng đến phát triển bền vững; đến năm 2030 trở thành khu đô thị xanh, thông minh và thân thiện, là một hạt nhân của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP.HCM. |
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, giờ đây nhìn lại, có thể thấy đó chính là sứ mệnh vinh quang nhưng cũng rất nặng nề của hai ĐH Quốc gia; mỗi ĐH Quốc gia có thuận lợi và khó khăn riêng. Qua quá trình 26 năm, ĐH Quốc gia đang dần vươn tới mục tiêu, đã đạt được ở mức độ nhất định, nhưng chặng đường trước mắt còn rất dài.
“Sau buổi này, tôi cùng Bộ GD-ĐT, Bộ Khoa học – Công nghệ sẽ bàn về hai ĐH Quốc gia, làm sao để các bộ và hai ĐH Quốc gia cùng từng bước tiến lên, không chỉ để đạt mục tiêu của riêng hai ĐH Quốc gia mà sẽ là hạt nhân, là đầu tàu kéo cả đội ngũ các trường ĐH đi lên” – Phó Thủ tướng nói.
Mê Tâm
Bình luận (0)