Năm 2017, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tổ chức thí điểm thi đánh giá năng lực trên một số trường thành viên, tuy nhiên chưa áp dụng cho toàn hệ thống. Thí sinh có thể tự nguyện đăng ký tham gia.
TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) thông tin về phương án tuyển sinh dự kiến 2017 |
TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) đã thông tin điều này tại buổi họp tổng kết tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2016 và phương hướng tuyển sinh 2017 của ĐH Quốc gia TP.HCM diễn ra ngày 20-12.
Đánh giá năng lực cả tự luận lẫn trắc nghiệm
Theo TS. Nguyễn Đức Nghĩa, đánh giá năng lực sẽ được xem là một trong các cách thức tuyển sinh năm tới của ĐH này, thí sinh không bắt buộc tham gia mà có thể đăng ký xét tuyển bằng các phương thức khác. Kỳ thi đánh giá năng lực này dự kiến được tổ chức sau kỳ thi THPT quốc gia 2017 khoảng 1-2 tuần.
Bài thi đánh giá năng lực sẽ mang tính tổng hợp, bao gồm cả 2 hình thức tự luận và trắc nghiệm. Trong đó, phần câu hỏi tự luận chiếm 30 phút và 100 câu hỏi trắc nghiệm sẽ được thi trong 150 phút. Bài thi này sẽ tập trung kiểm tra năng lực sử dụng tiếng Anh và tiếng Việt của thí sinh, tư duy logic, kỹ năng giải quyết vấn đề, kiến thức liên quan đến lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học tự nhiên… Trong đề thi sẽ cung cấp các dữ liệu để thí sinh xử lý kiến thức bằng năng lực của mình.
Năm 2017, ĐH Quốc gia TP.HCM dự kiến tuyển sinh 13.000 chỉ tiêu. Trong đó, hình thức thi đánh giá năng lực sẽ chiếm tối đa 20% chỉ tiêu các ngành dự kiến thí điểm.
Bên cạnh đó, căn cứ tình hình tuyển sinh 2016 và dự thảo phương án tổ chức thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2017 của Bộ GD-ĐT đã ban hành, ĐH Quốc gia TP.HCM còn dự kiến nhiều phương thức xét tuyển khác. Cụ thể, thứ nhất, ĐH học này sẽ dành 5% tổng chỉ tiêu của ngành/nhóm ngành để xét tuyển thẳng thí sinh theo quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính quy năm 2017 của Bộ GD-ĐT. Thứ 2, dành từ 10-15% tổng chỉ tiêu của ngành/nhóm ngành để ưu tiên xét tuyển học sinh các trường THPT chuyên, năng khiếu trên toàn quốc. Thứ 3, dành 80-85% tổng chỉ tiêu của ngành/nhóm ngành để xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia 2017.
Thí sinh tham gia xét tuyển phải đáp ứng điều kiện chung là: tốt nghiệp THPT, có điểm trung bình cộng 3 năm học (lớp 10, 11, 12) từ 6,5 trở lên đối với trình độ ĐH, từ 6,0 trở lên đối với trình độ CĐ. Năm 2017, ĐH này còn 2 trường thành viên là ĐH Bách khoa và ĐH Khoa học Tự nhiên tuyển sinh bậc CĐ.
Đa số các trường thành viên sẽ xét tuyển các tổ hợp như cũ, riêng Trường ĐH Kinh tế – Luật dự kiến bổ sung thêm tổ hợp toán – ngoại ngữ – điểm trung bình của bài thi khoa học tự nhiên. Trường ĐH Công nghệ thông tin cũng bổ sung thêm tổ hợp toán – văn – tiếng Anh.
Cần giới hạn số NV đăng ký
Tại buổi họp, hầu hết ý kiến các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM đều tập trung đề xuất việc giới hạn cụ thể số nguyện vọng (NV) đăng ký xét tuyển đối với thí sinh thay vì cho phép xét tuyển không giới hạn như dự thảo mà Bộ GD-ĐT quy định. Theo các trường, thực tế, dù được đăng ký không giới hạn NV thì thí sinh cũng khó mà dùng hết, trong khi lại gây ảo lớn.
TS. Lê Chí Thông (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa) cho rằng, có thể cho thí sinh đăng ký nhiều NV hơn mọi năm nhưng cần có mốc giới hạn ở 10 hay 20 để thuận tiện.
Đồng tình, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Trần Lê Quan chỉ ra, nếu Bộ GD-ĐT không giới hạn số NV sẽ gây rối cho các trường lẫn thí sinh. Vì càng có nhiều NV càng dễ xảy ra tình trạng thí sinh chọn ngành cho đậu ĐH, sau đó “tá túc” 1 năm rồi thi lại. Khi đó các trường phải lãnh hậu quả. Ông Quan đề xuất cho phép mỗi thí sinh được đăng ký 4 NV vào tối đa 4 trường, điều này vừa thuận lợi cho các trường, vừa yêu cầu thí sinh cân nhắc kỹ lưỡng.
TS. Nguyễn Quốc Chính (Giám đốc Trung tâm khảo thí và kiểm định chất lượng ĐH Quốc gia TP.HCM) phát biểu tại buổi họp |
TS. Nguyễn Quốc Chính (Giám đốc Trung tâm Khảo thí và kiểm định chất lượng ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng đặt vấn đề, việc mở ra quá nhiều NV thì công tác hướng nghiệp tuyển sinh sẽ khó đi đúng định hướng, chỉ cần từ 4-5 NV là vừa.
TS. Phạm Tấn Hạ (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) nêu thực tế, thí sinh được đăng ký xét tuyển nhiều NV thì cũng không dùng hết. Tại trường các năm qua, tới NV3, thí sinh đã có sự lăn tăn, phân vân chọn lựa. Chưa kể, những em đậu ở các NV sau thường ít hứng thú với ngành học, hay chuyển đổi giữa chừng…
Mê Tâm
Bình luận (0)