Hội nhậpGiáo dục phát triển

ĐH Tây Đô – 10 năm phát triển và hội nhập

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trường ĐH Tây Đô

Thành lập ngày 9-3-2006, ĐH Tây Đô là trường tư thục đầu tiên của đồng bằng sông Cửu Long. Qua gần 10 năm hoạt động, trường đã góp phần quan trọng vào việc từng bước đưa khu vực ra khỏi vị trí “vùng trũng” giáo dục…

Say mê nghiên cứu khoa học

Tháng 11 này, giữa những hoạt động sôi nổi của toàn trường nhằm chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, PGS.TS Trần Công Luận, Hiệu trưởng, Trưởng khoa Dược – Điều dưỡng của Trường ĐH Tây Đô, báo tin vui: Trường vừa được UBND tỉnh An Giang chọn thực hiện công trình nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu – đánh giá thành phần hóa học, sinh học làm nguyên liệu kết hợp sản xuất thuốc từ cây đinh lăng lá nhỏ, tại huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang”. Có những trường ĐH diện “cây đa cây đề” trong nước đăng ký tham gia công trình này nhưng đề án của Trường ĐH Tây Đô được duyệt. Là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu nổi tiếng, như: Sâm Việt Nam và một số cây thuốc họ sâm; Từ điển bách khoa dược học, Dược điển Việt Nam…, PGS.TS Trần Công Luận khiêm tốn: “Tôi cho rằng, thời gian qua có lẽ do thầy – trò chúng tôi làm những đề tài nghiên cứu, đa số sát với đồng bằng sông Cửu Long nên đề án của trường phù hợp yêu cầu của Hội đồng Khoa học xét duyệt tỉnh An Giang”.

Rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học của trường đã được ứng dụng trong đời sống. Theo số liệu chưa đầy đủ, đối với giảng viên có 29 đề tài nghiên cứu cấp trường, ngoài trường có 31 đề tài, 336 bài báo khoa học đăng tạp chí chuyên ngành; 19 giáo trình, 10 loại sách đã xuất bản. Với sinh viên, chỉ tính Khoa Ngữ văn đã có 215 đề tài nghiên cứu, nhiều đề tài đạt giải cấp khu vực và toàn quốc. Tại hội thảo Nghiên cứu khoa học quốc tế năm 2015 tổ chức tại Khánh Hòa, công trình nghiên cứu “Sử dụng dịch chiết bạch hoa xà để ương ấu trùng tôm càng xanh” của sinh viên Lâm Sơn Minh (lớp nuôi trồng thủy sản K.6) vinh dự đạt giải II. Bên cạnh đó, một số cán bộ của trường được mời tham gia chương trình hợp tác nghiên cứu về vi sinh vật giữa Việt Nam – Lào – Thái Lan – Nhật (Asian Core Program)…

Nâng cao chất lượng đào tạo

Đảm bảo chất lượng đào tạo được lãnh đạo trường xem là yếu tố quyết định cho hoạt động. Do đó, trường đã dành hàng ngàn tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường trang thiết bị, tạo mọi điều kiện đáp ứng công tác đào tạo, học tập, nghiên cứu khoa học và rèn luyện thể lực cho sinh viên.

Đến nay trên diện tích gần 13ha tại phường Lê Bình và phường Hưng Thạnh (Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ), trường đã xây dựng dãy nhà học F có kết cấu 1 trệt 5 lầu, nhà học chữ U có kết cấu 1 trệt 3 lầu và 3 dãy phòng học với tổng diện tích sử dụng hơn 59.000m2; trong đó có 2 hội trường lớn có sức chứa 400 sinh viên và 800 sinh viên, đáp ứng việc giảng dạy cho hơn 10.000 sinh viên. Thư viện có hơn 24.000 đầu sách và trên 50 máy vi tính được kết nối ADSL phục vụ truy cập sách và dữ liệu; 10 phòng máy vi tính với 800 máy kết nối internet; 100 máy chiếu… Các phòng thí nghiệm, phòng thực hành; trại thực nghiệm thủy sản… đảm bảo đầy đủ cho công tác đào tạo các chuyên ngành.

Tấm lòng của người thầy

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý phát biểu tại một hội thảo do trường tổ chức

Đội ngũ giảng viên luôn áp dụng phương pháp giảng dạy tiên tiến, giúp người học nắm vững phương pháp tự học. Các khoa đều hợp tác với doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu và sản xuất để cử sinh viên đến thực tập, rèn luyện kỹ năng, tay nghề… PGS.TS Nguyễn Văn Bá, Trưởng khoa Sinh học ứng dụng – Giám đốc Trung tâm Khảo thí & đảm bảo chất lượng giáo dục, chia sẻ một trong những “át chủ bài” làm nên thương hiệu của khoa: “Nhiều giảng viên của trường mở cơ sở sản xuất – nuôi trồng thủy sản. Qua đó các thầy kêu sinh viên tới làm việc. Các em vừa thực tập vừa có thu nhập; kết hợp giữa lý thuyết với thực hành. Sinh viên rất thích phương pháp “cầm tay chỉ việc” này, nhiều em sau giờ học trên lớp là đến ngay cơ sở để làm việc. Tất cả sinh viên của khoa phải làm khóa luận tốt nghiệp với những công trình nghiên cứu hoặc sản xuất cụ thể, bảo vệ thành công trước hội đồng và phải đạt yêu cầu về Anh văn và tin học mới được xét tốt nghiệp”.

Tại Khoa Ngữ văn (bao gồm các chuyên ngành: Ngôn ngữ Anh, Việt Nam học – chuyên ngành du lịch, ngành văn học và ngành lịch sử), các giảng viên tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, cho sinh viên thảo luận và làm bài tập nhóm, thuyết trình, đóng vai trong nhiều tiểu phẩm trích từ các tác phẩm văn học trong và ngoài nước; giải quyết các tình huống sư phạm hoặc nghiệp vụ du lịch. Riêng ngành du lịch, sinh viên được học nhiều kỹ năng như thiết kế và điều hành tour, quay phim, chụp ảnh; kỹ năng viết tin, bài, để giới thiệu đất nước và con người vùng sông nước… ThS. Tăng Tấn Lộc, Phó trưởng khoa Ngữ văn, cho biết: “Khoa thường tổ chức cho sinh viên tham quan những danh thắng, công trình như Thành nội Huế, phố cổ Hội An, mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử ở Quy Nhơn… Quá trình đi, các em vừa mở rộng tầm nhìn vừa thực tập nghiệp vụ du lịch dưới sự hướng dẫn của giảng viên và chuyên viên của các công ty du lịch. Khoa luôn tham khảo sự góp ý của các công ty, đơn vị liên quan để cập nhật, thiết kế lại giáo trình”.

…Và những trái ngọt

Qua gần 10 năm hoạt động, tổng số sinh viên của trường gần 27.898; trong đó đã tốt nghiệp 17.249, gồm thạc sĩ, cử nhân, kỹ sư… Theo thống kê sơ bộ, trên 70% sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm. Nhiều bạn trẻ tiếp tục học sau ĐH. Không ít sinh viên trở thành cán bộ quản lý các công ty, xí nghiệp, nhà hàng như Nguyễn Văn Nhân (lớp tài chính – ngân hàng K.1), hiện là Phó trưởng phòng Kế hoạch của Ngân hàng Quân đội. Nhiều bạn trẻ thành công trên con đường tự thân lập nghiệp, trong đó có Châu Hốt Sen (sinh viên lớp ĐH Nuôi trồng Thủy sản K.1), hiện là một trong số doanh nghiệp thủy sản hàng đầu của tỉnh Cà Mau…

Năm học 2015-2016, trường tuyển 2.158 sinh viên, nâng tổng số sinh viên đang học lên hơn 8.000. Trường có 2 ngành đào tạo thạc sĩ; 18 chuyên ngành ĐH, 8 chuyên ngành CĐ. Hệ TCCN có 2 ngành là dược sĩ và điều dưỡng. Đầu tháng 10-2015, trường khởi công xây dựng dãy đơn nguyên B với diện tích sàn xây dựng trên 3.200m2 dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 6-2016. Đây là một phần của khối phòng học, phòng thí nghiệm, làm việc của khối nhà cao tầng có kết cấu 1 trệt 5 lầu với tổng diện tích sàn quy hoạch hơn 17.000m2. Ngoài ra còn đầu tư san lấp hơn 24.756m2 để xây dựng các công trình tiện ích phục vụ đào tạo. Những công trình này sẽ đưa cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu học tập cho hơn 15.000 sinh viên, và là một trong những điểm nhấn chào mừng kỷ niệm 10 năm thành lập trường.

Trong hướng phát triển, luật sư TS. Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị nhà trường, nhấn mạnh: “Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo với các trường ĐH nước ngoài; hợp tác với các doanh nghiệp trong đào tạo. Tăng cường, nâng cao trình độ tiếng Anh cho sinh viên, từng bước đưa vào sử dụng một số giáo trình tiên tiến của các trường ĐH có uy tín trên thế giới. Phấn đấu đến năm 2020, giảng viên và sinh viên của trường sẽ cùng giảng dạy và học tập bằng tiếng Anh”.

Đan Phượng

Trường ĐH Tây Đô đã nhận nhiều bằng khen và danh hiệu các cấp, trong đó có cờ thi đua Đơn vị dẫn đầu của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ GD-ĐT (2010). Thủ tướng Chính phủ đã tặng bằng khen cho luật sư TS. Nguyễn Tiến Dũng (Chủ tịch Hội đồng quản trị nhà trường) và TS. Nguyễn Phước Quý Quang (Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị nhà trường)… Đây cũng là ngôi trường mà hoa hậu Việt Nam năm 2012 Đặng Thu Thảo từng học.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)