Hội nhậpGiáo dục phát triển

ĐH Thái Nguyên: Lớn về đội ngũ, mạnh về hợp tác quốc tế

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ông Phạm Đức Khiêm, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM (thứ 2 từ trái sang) trao tặng khánh lưu niệm cho NGND.GS.TS Đặng  Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên
Năm 2014, ĐH Thái Nguyên tròn 20 năm ngày Chính phủ ban hành nghị định về ĐH Thái Nguyên (4-4-1994/ 4-4-2014) và vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng nhì. Theo NGND.GS.TS Đặng Kim Vui – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, với kết quả thực tế hiện nay, qua 20 năm không ngừng phấn đấu của thầy trò ĐH Thái Nguyên, đã cho thấy sự phát triển vượt bậc trên các mặt: Xây dựng bộ máy tổ chức, cán bộ, đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.
Về dự lễ kỷ niệm, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận và biểu dương những thành tích xuất sắc mà các thế hệ thầy và trò ĐH Thái Nguyên đạt được trong 20 năm qua. “Với vị trí của một ĐH lớn trong ngành GD-ĐT, tôi mong muốn ĐH Thái Nguyên tiếp tục phát huy và phấn đấu là một trong những đơn vị đi đầu trong việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục (GD) quốc dân, khắc phục những bất cập, yếu kém của GDĐH nói chung hiện nay”, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Đội ngũ và chất lượng GD không ngừng lớn mạnh
Hiện nay, toàn ĐH Thái Nguyên có tổng số 4.432 cán bộ viên chức, trong đó cán bộ giảng dạy là 2.884 người, 454 tiến sĩ, 8 giáo sư, 102 phó giáo sư. Năm 2014, ĐH Thái Nguyên vinh dự có 2 nhà giáo được phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân và 13 nhà giáo ưu tú. Như vậy, tính đến thời điểm này, ĐH Thái Nguyên có 6 nhà giáo nhân dân và 70 nhà giáo ưu tú.
Hiện 100% các ngành học hệ ĐH và CĐ chính quy tại ĐH Thái Nguyên đã được xây dựng và công bố chuẩn đầu ra. Công tác xây dựng ngân hàng đề thi cho các môn học, học phần được các đơn vị thực hiện tốt, đã xây dựng được gần 100% ngân hàng đề thi cho tất cả các môn học. Năm 2014, đã tổ chức đánh giá hiện trạng SV tốt nghiệp cho 950 em được lựa chọn ngẫu nhiên từ 18 chương trình đào tạo; Triển khai tự đánh giá 15 chương trình đào tạo, tổ chức tập huấn đánh giá ngoài chương trình đào tạo cho 40 chuyên gia đánh giá; cử 7 cán bộ tham gia các hoạt động của mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường ĐH Đông Nam Á (AUN); Triển khai nhiệm vụ khoa học nghiên cứu áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN 9001: 2008 trong công tác quản lý hành chính tại cơ quan ĐH Thái Nguyên. “Trong thời gian tới, ĐH Thái Nguyên sẽ tổ chức đánh giá ngoài cho 13 chương trình đào tạo của các cơ sở GDĐH thành viên. Nhờ làm tốt công tác kiểm định chất lượng GD, nên chất lượng đào tạo của ĐH được giữ vững và cải thiện từng bước”, GS. Đặng Kim Vui cho biết.
Đề án chuẩn hóa năng lực ngoại ngữ, tin học cho cán bộ, giảng viên và SV của ĐH Thái Nguyên giai đoạn 2013-2015 đã thực sự đi vào đời sống của đông đảo cán bộ, giảng viên và SV ĐH Thái Nguyên. Khắp nơi trong toàn ĐH dấy lên phong trào dạy và học ngoại ngữ, tin học không chỉ như nhiệm vụ đạt chuẩn bắt buộc, mà còn coi đây như hành trang cần thiết đối với mỗi người trong thời kỳ hội nhập. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có gần 50% cán bộ, giảng viên đạt chuẩn tin học IC3 quốc tế, 100% SV ra trường đạt chuẩn trình độ tin học.
Giữ vững thế mạnh nghiên cứu và hợp tác quốc tế

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trao tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân cho GS.TS Đặng Kim Vui (đứng giữa)
Năm 2014, ĐH Thái Nguyên đã thực hiện 10 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, với tổng kinh phí trên 4,1 tỷ đồng, 51 đề tài cấp bộ, 148 đề tài cấp ĐH, gần 1.000 đề tài cấp cơ sở; thực hiện 79 đề tài hợp tác và chuyển giao khoa học, công nghệ, trong đó có 19 đề tài hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ; công bố khoa học 1.081 đề tài, công trình nghiên cứu, ứng dụng, trong đó có 177 bài báo khoa học cấp quốc tế, trên 900 bài báo khoa học cấp quốc gia.Đặc biệt, năm 2014 ĐH Thái Nguyên đã thực hiện và hoàn thành một số  đề tài nghiên cứu theo đơn đặt hàng cấp Nhà nước với Ban Kinh tế Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ và Ban chỉ đạo Tây Bắc. Trong năm đã có gần 500 đề tài nghiên cứu khoa học của SV, thu hút hàng ngàn SV tham gia. Với kết quả đó, toàn ĐH Thái Nguyên đã có 19 giải thưởng khoa học các cấp, trong đó có 1 giải nhất, 3 giải nhì về Tài năng khoa học trẻ giáo viên; 2 giải nhì, 9 giải cấp ĐH cho SV Tài năng khoa học trẻ.
Xác định công tác hợp tác quốc tế là công cụ để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, giảng viên và SV của ĐH cũng như mở rộng cơ hội hợp tác với các đối tác nước ngoài, trong năm vừa qua, phát huy thế mạnh về hợp tác quốc tế ĐH Thái Nguyên đã không ngừng tìm kiếm và hợp tác được với trên 20 quốc gia và các tổ chức quốc tế trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Đã có 130 đoàn khách quốc tế với 450 lượt người tới thăm và làm việc, đón 102 SV đến học tập và 6 chuyên gia nước ngoài tới làm việc tại các cơ sở GDĐH thành viên, ĐH Thái Nguyên đã ký kết 7 biên bản ghi nhớ hợp tác với một số trường ĐH như: ĐH Bang Oklahoma (Mỹ); ĐH Leyte Normal (Philippines); ĐH Hamburg (Đức); ĐH Sriwijaya (Indonesia)… Triển khai 9 dự án thiết thực, gắn kết với cuộc sống như: GDĐH Việt Nam – Hà Lan, Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sóng điện cao tần diệt trừ mọt gạo tại Việt Nam, Người dân tộc thiểu số ứng phó với biến đổi khí hậu tại Bắc Kạn, Nghiên cứu phát triển cao lương ngọt cho vùng trung du miền núi phía Bắc làm nguyên liệu sản xuất xăng sinh học… Tổng kinh phí của các dự án lên đến gần 1 triệu USD. Tổ chức gần 10 hội thảo quốc tế như: “Phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi”; Hội thảo Việt – Đức “Các tiêu chuẩn bảo vệ đất đai”; đặc biệt là hội thảo “Các vấn đề về gia nhập hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và viễn cảnh của Hàn Quốc về khối mậu dịch châu Á Thái Bình Dương”… qua đó các giáo sư chia sẻ những vấn đề liên quan đến kinh tế Việt Nam, và các suất học bổng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại Hàn Quốc mà các thầy, cô nhà trường đang quan tâm.
Thanh Loan
Trở thành đối tác chiến lược
Vừa qua, tại Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM đã diễn ra buổi trao đổi và mong muốn trở thành “đối tác – tích cực – chiến lược” của nhau, giữa trường và ĐH Thái Nguyên.
Chúc mừng GS.TS Đặng Kim Vui vừa vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý nhà giáo nhân dân (năm 2014), ông Phạm Đức Khiêm – Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM nhấn mạnh: “Chiến lược phát triển của trường đến năm 2018 và tầm nhìn đến năm 2020 là trường trọng điểm của TP.HCM. Vì vậy, để đạt được những kế hoạch mục đích nêu trên, con người là yếu tố quyết định, việc trường liên kết với ĐH Thái Nguyên trong đào tạo hệ CĐ và bồi dưỡng, nâng cao trình độ, chuyên môn cho đội ngũ giảng viên, HSSV trong ba năm qua đạt rất nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, việc giảng viên của ĐH Thái Nguyên coi CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP như “ngôi nhà thứ hai” của mình, giúp cho chất lượng đào tạo luôn năm sau tốt hơn năm trước”.  NGND.GS.TS Đặng Kim Vui – Giám đốc ĐH Thái Nguyên khẳng định: “Liên kết cùng CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP là vinh dự, bởi tại một TP năng động bậc nhất của cả nước, CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP có thể lựa chọn cho mình những “đối tác”, đơn vị rất mạnh nhưng không liên kết mà trường lại liên kết với ĐH Thái Nguyên. Vậy, điều gì giúp cho hai bên tìm tới nhau? Đó chính là con người! Có thể khẳng định ĐH Thái Nguyên có nội lực và năng lực thật sự để CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP tin tưởng, trao gửi”.
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)