Sự phát triển nóng số lượng trường ĐH, đặc biệt là ở địa phương, mà không tính đến các điều kiện bảo đảm cho sự phát triển bền vững nên rơi vào vòng luẩn quẩn
Việc trường ĐH địa phương không tuyển sinh được cũng như tỉnh không thể chịu nổi ngân sách là câu chuyện đã nói cách đây hơn chục năm. Thế nhưng, nhiều trường ĐH tỉnh lẻ vẫn mọc lên như nấm một thời gian và giờ đây nhiều trường khốn khó trăm bề.
Tăng tốc quá nhanh
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp – Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng nhân sự và tài chính là 2 vấn đề quyết định sự thành bại của ĐH.
Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại hạn chế về lãnh đạo và quản lý giáo dục ĐH, họ hiểu đơn giản như một trường phổ thông. Tâm lý ganh đua mở trường mà không dựa vào nhu cầu thực tế về nhân lực có kỹ năng, điều kiện phát triển bền vững không đủ, duy ý chí nên bây giờ lãnh đủ.
PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, nhận định yếu tố quản trị của nhiều trường ĐH ở tỉnh hầu như không có bởi trường công lập thì sống bằng ngân sách của tỉnh, có sẵn để xài nên không cần phải suy tính. Với kiểu này, hoạt động hiệu quả mới lạ. Nhưng ở góc nhìn khác, ông Ngoạn cho rằng phong trào mở ĐH thời gian qua đã thực sự bỏ qua yếu tố cần thiết cho sự phát triển bền vững. Điều dễ nhận thấy là nếu chia đều nguồn tuyển cho các trường thì cũng không đủ, chưa kể những học sinh khá, giỏi đều tìm đến các TP lớn để học. Chất lượng đào tạo kém, năng lực tiêu thụ của nền kinh tế không nhiều nên sinh viên ra trường thất nghiệp. Vòng tròn tuyển sinh – đào tạo – cung ứng nguồn nhân lực yếu ở tất cả các khâu nên trường ĐH tỉnh rơi vào khó khăn.
Cần những giải pháp thiết thực để vực dậy trường ĐH địa phương. Trong ảnh: Giờ học của sinh viên Phân hiệu Trường ĐH Nông Lâm TP HCM tại Gia Lai
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM, nhìn nhận trước đây, mỗi địa phương có một hoặc một số trường trung học chuyên nghiệp, sau đó nhiều trường trở thành trường CĐ và gần đây các trường CĐ địa phương đã trở thành trường ĐH. Khi chuyển từ trường CĐ đơn ngành lên trường ĐH đa ngành, nhiều trường ở địa phương không thể giữ vững chất lượng ngay cả ở các ngành truyền thống của họ chứ nói gì tới các ngành mới.
"Một trong những lý do họ thiếu hụt lực lượng nghiêm trọng là do việc nâng cấp các trường CĐ và ào ạt mở các trường ĐH mới đã không thể nâng được tỉ lệ giảng viên ĐH có trình độ tiến sĩ lên 35% như mong muốn của Chính phủ" – PGS Hồng nêu thực tế.
Liên kết với trường ĐH mạnh
Theo ông Hồng, các trường chất lượng cao tập trung chủ yếu ở những TP lớn, nơi có truyền thống ĐH chứ không san bằng trên mọi vùng. Người học có xu hướng chọn các trường có chất lượng đào tạo cao là tất yếu. Khi yêu cầu tuyển dụng lao động là năng lực nghề nghiệp được đề cao thì đất sống cho các ĐH chất lượng thấp sẽ giảm.
Theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, vấn đề của ĐH tỉnh là phần lớn nâng cấp từ CĐ sư phạm hoặc ĐH sư phạm địa phương, mà mảng này đang tái cấu trúc, cho nên mất định hướng.
Liên kết, sáp nhập trường ĐH địa phương với trường ĐH lớn có uy tín là giải pháp được nhiều chuyên gia đề cập. Theo TS Lê Trường Tùng, gắn với việc làm, phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương là nền tảng cho các ĐH tỉnh phát triển nhưng chìa khóa của mọi giải pháp là liên kết với các trường ĐH mạnh trong và ngoài nước.
PGS Đặng Vũ Ngoạn cho rằng với năng lực hiện tại, các trường ĐH tại địa phương nên là trường CĐ cộng đồng, là trường vệ tinh của các trường ĐH ở những TP lớn làm nhiệm vụ đào tạo thời gian đầu. Đồng tình với quan điểm này, PGS Nguyễn Kim Hồng đề xuất giải thể là phương án không hay song có thể chuyển thành trường CĐ cộng đồng để đào tạo nhân lực ngay cho địa phương… Vì không tuyển sinh được, chỉ lo liên kết nhờ địa điểm tức làm mất sứ mệnh của mình thì nên thay đổi.
Theo các chuyên gia, cổ phần hóa trường ĐH địa phương với sự góp vốn của công và tư để thay đổi cung cách quản trị nhà trường cũng rất cần thiết bởi hầu hết trường ĐH địa phương rất yếu về quản trị.
Cần đánh giá lại sự phát triển của ĐH địa phương
TS Hoàng Ngọc Vinh đặt vấn đề tại sao có ĐH địa phương (công lập) vẫn phát triển nên trước hết, phải đánh giá, tìm nguyên nhân tại sao trường tỉnh kém hiệu quả? Phải đánh giá về mặt vị trí địa lý, ngành nghề đào tạo, "thị phần" đào tạo so với các trường xung quanh. Đặc biệt, phải đánh giá lại đội ngũ lãnh đạo và giảng viên của trường… Đây là nguyên nhân hàng đầu khiến trường ĐH yếu kém. |
Theo Huy Lân/NLĐO
Bình luận (0)