Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

ĐH Xây dựng “chảnh” hay thí sinh “thêm thắt”?

Tạp Chí Giáo Dục

Nguyễn Hải Đông (quê Duy Tiên, Hà Nam) mang bộ hồ sơ của mình vào phòng tuyển sinh Trường ĐH Xây dựng thì được biết phải xuất trình cả chứng minh thư nhân dân gốc. "Đã là ngày cuối rồi, nếu phải về nhà lấy thì không thể kịp được", Đông lo lắng. 

Rất đông thí sinh nộp hồ sơ tại Trường ĐH Xây dựng vào "hạn chót"

 Chiều 17/4 – ngày cuối cùng thu hồ sơ đăng ký dự thi ĐH tại trường – Nguyễn Doãn Thành (quê ở Thường Tín, Hà Nội) thở phào: “Em chưa có chứng minh thư (CMT) vì bây giờ mới đang làm. Tưởng là không nộp được hồ sơ nhưng may quá, có thể dùng thẻ học sinh thay thế”.
 Từ ngày 11/4 đến ngày 17/4, không phải thí sinh nào nộp hồ sơ tại trường này cũng gặp may mắn như Thành.
Trên bảng thông báo dán trước cửa phòng tuyển sinh ghi rõ những thứ thí sinh phải mang theo, trong đó có CMT bản gốc, nhưng không có chỗ nào chú thích là  có thể dùng các giấy tờ khác thay thế.
Chị Trần Mỹ Hạnh, chuyên viên tổ tuyển sinh và tốt nghiệp của ĐH Xây dựng phân trần: “Có những người đứng lại hỏi, chúng tôi giải thích thì họ biết là có thể đưa các giấy tờ khác như thẻ học sinh, bằng lái xe,v.v..".
Còn nếu bị mất CMT hoặc đang làm mới, có giấy hẹn của công an, thí sinh sẽ được làm giấy cam kết khi nào có sẽ mang đến.
Tuy nhiên, việc làm giấy cam kết này, theo ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Hiệu trưởng, “nếu không có ai mách thì các em cũng không biết để làm (!?)”
Về việc có thông báo bằng miệng cho các thí sinh hay không, chị Hạnh cho biết: “Chúng tôi có nói, nhưng không phải lúc nào cũng đến được với tất cả các em. Có thể lúc đông quá, không ai nghe thấy. Nhiều em đọc xong, thấy mình thiếu liền đi ra, chúng tôi cũng không biết để nhắc các em quay lại và xuất trình các giấy tờ khác nếu có”.
Hiện nay, nhà trường đã thu được tại trường hơn 900 bộ hồ sơ. Chị Hạnh cho biết: “Cái các bạn quên nhiều nhất là phong bì dán tem. Quên CMT cũng có, nhưng số lượng ít hơn”.
Thí sinh chỉ thêm thắt? 
Ong Nguyễn Minh Hùng cho hay, mục đích của việc yêu cầu xuất trình CMT gốc là để giảm hồ sơ ảo, quan trọng hơn là ngăn ngừa thi hộ.
Nhiều năm nay, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào trường chỉ gấp 3 lần so với chỉ tiêu tuyển sinh, nhưng điểm trúng tuyển bao giờ cũng ở "top trên".
Khảo sát hầu hết các trường ĐH ở Hà Nội, chúng tôi không thấy quy định này. Riêng Trường ĐH Xây dựng đã thực hiện nhiều năm.
Tuy nhiên, yêu cầu thí sinh xuất trình CMT gốc không có trong văn bản nào của nhà trường do tổ tuyển sinh đưa ra.
"Các cô trong tổ đã tự ra quy định. Từ trước đến nay đã thế rồi nên thôi, không cần thay đổi nữa”, ông Hùng nói.
Thực tế, những thí sinh nộp hồ sơ tại trường từ 11/4 đến 17/4 thường nhờ người thân nộp hộ do nhà quá xa, ở tỉnh khác, có nhiều em vẫn đang làm CMT mới, có em làm mất, v.v…Việc yêu cầu phải có CMT gốc khi nộp đã gây khó cho các em.
"Cũng có gây khó, nhưng cái khó đó không ảnh hưởng nhiều lắm, không đến mức nghiêm trọng làm thí sinh “hết cửa” dự thi vào đại học”, ông Hùng nói.
Về việc thí sinh không có CMT, lại không biết có thể dùng giấy tờ có ảnh khác để thay thế để rồi phải mang hồ sơ về, ông Hùng thông tin: “CMT là quy định cứng, về nguyên tắc, nếu không có sẽ không nhận. Nếu ai biết có giấy tờ khác thay thế thì may mắn nộp được. Nếu không biết, không nộp được thì thí sinh đó đành phải chịu”.
Tuy nhiên, số lượng những thí sinh ’đành phải chịu" theo ông Hùng là không nhiều.
Chị Hạnh nói: “Đến hạn chót mới nộp thì có khi đây là bộ hồ sơ thứ bao nhiều rồi".
Ông Hùng cho rằng,  “thực sự là các em đã có những lựa chọn trước đó. Đến thời gian này mới nộp chứng tỏ trong lựa chọn của các em, trường này cũng chỉ là “thêm thắt” thôi".
Ông chốt lại: “Về lý mà nói thì các em bị thiệt. Nhưng số đó không nhiều và qua mấy năm vừa rồi, không có ai vì điều đó mà không được dự thi để vào ĐH”.
Tuy nhiên, nếu học sinh kêu ca quá nhiều, ông Hùng cho biết sẽ cùng ban giám hiệu yêu cầu tổ tuyển sinh bỏ quy định đó vào năm sau. 

Cẩm Quyên (Vietnamnet)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)