Sự kiện giáo dụcTin tức

ĐHQG TP.HCM đến bao giờ hết “nghèo” giáo sư?

Tạp Chí Giáo Dục

ĐHQG TP.HCM phấn đấu đến 2015 có khoảng 640 GS, PGS (đạt tỷ lệ tối thiểu 2GS, PGS/bộ môn). Tuy nhiên một số đại biểu tham dự Hội thảo “Công tác bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư ĐHQG TP.HCM” diễn ra ngày 13-10 lại cho rằng chỉ tiêu này rất khó thực hiện…
Trung bình chưa tới 1 GS, PGS/bộ môn
PGS.TS. Phan Thị Tươi (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) ước tính, năm 2009, ĐHQG TP.HCM chỉ có 152 GS, PGS/2.340 GV bố trí ở 236 bộ môn (BM) (đạt tỷ lệ 0,64 GS, PGS/BM). Thực tế, nhiều BM không có PGS, thậm chí có BM chưa có tiến sĩ. Không đầy 50% tổng số BM có GS hoặc PGS. Trong khi đó, có BM vẫn có PGS nhưng vị này không kiêm vị trí chủ nhiệm BM. Cũng có thủ trưởng BM chưa đạt trình độ tiến sĩ hoặc vừa nhận bằng tiến sĩ; mới chỉ trải qua 2-3 năm giảng dạy. Đây được coi là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng đào tạo một số chuyên ngành chưa đạt chuẩn. Trước thực trạng này, ĐHQG TP.HCM và các trường… đã tăng cường chính sách khuyến khích, đào tạo đội ngũ tiến sĩ trong và ngoài nước. Song nhiều cán bộ giáo dục sau khi tốt nghiệp đã không trở về; có người trở về công tác một thời gian lại chuyển nơi khác.
GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm (Trường ĐHKHXH-NV TP.HCM) so sánh, GS ở các nước phương Tây được tuyển vào làm việc với độ tuổi trung bình trên dưới 40. Tại Việt Nam, GS được công nhận khi đã sắp về hưu với độ tuổi trung bình lên đến 58. Riêng ĐHQG TP.HCM, độ tuổi trung bình của PGS khá cao (trên 50). Cũng chỉ khoảng 20% PGS dưới 50 tuổi và rất ít PGS tuổi dưới 40. ĐHQG TP.HCM đang đứng trước thực trạng thiếu hụt đội ngũ GS, PGS kế thừa cho lực lượng đến tuổi về hưu. ĐHQG TP.HCM phấn đấu đến năm 2015 có khoảng 640 GS, PGS (đạt tỷ lệ tối thiểu 2 GS, PGS/BM), PGS.TS. Phan Thị Tươi khẳng định, việc nâng số GS, PGS lên gấp 5 lần trong vòng 6 năm tới là bất khả thi; để đạt được ĐHQG TP.HCM cần dựa đến những giải pháp đột phá, vượt khỏi cơ chế như hiện nay.
Cần tạo thêm điều kiện cho GS, PGS
Vấn đề điều kiện làm việc được nhiều đại biểu đề cập. PGS.TS. Phan Thị Tươi dẫn chứng, các GS, PGS Trường ĐH Bách khoa TP.HCM dù rất “khao khát” nhưng vẫn chưa có chỗ làm việc riêng, thiếu trang thiết bị. Nếu các GS, PTS hiện nay vẫn nỗ lực làm việc thì có nghĩa họ làm theo ý chí, nhiệt tình chứ chế độ đãi ngộ vẫn chưa tương xứng. Chưa có ngạch lương riêng cho GS, PGS. Thay vào đó, PGS hưởng lương theo ngạch giảng viên chính, GS theo ngạch giảng viên cao cấp. Mức lương chưa tương xứng trình độ, số thâm niên làm việc, đóng góp. Thu nhập trung bình của GS nước ta từ 4-5 triệu đồng/tháng, chỉ đáp ứng được 1/4 nhu cầu bản thân và gia đình.
GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm cũng đồng tình, trong khi các GS các nước phương Tây được đáp ứng được chỗ làm việc riêng, lương cạnh tranh, hỗ trợ chỗ ở, phương tiện đi lại, con cái… thì ở nước ta các điều kiện này hầu như không được đảm bảo.
GS.TS. Phạm Phụ (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) nêu lên thực trạng chung về hệ thống lương nước ta: “Trung bình thu nhập 10 thì lương chỉ khoảng 3 mà phụ cấp, tặng thưởng lại đến 7, nếu tỷ lệ này đổi ngược lại cho nhau thì tốt hơn. Hơn nữa, vẫn chưa thấy định hướng cho đổi mới vấn đề này. Ít ra lương của GS, thầy giáo ĐH không chỉ đặt vấn đề đủ sống. Vì họ đã đầu tư nhiều, cần được bù vốn lẫn dự trữ tuổi già, cần tài trợ gia đình, con cháu”… GS.TS. Phạm Phụ đề xuất GS của ĐHQG TP.HCM nên được hưởng mức lương cơ bản trung bình khoảng 1.000 USD/tháng. Lý giải cho đề xuất này, GS.TS. Phụ đối chiếu, mức thu nhập một người lao động thị trường bên ngoài tương đương trình độ GS hiện nay có thể khoảng 2.000 USD/tháng. Một GS ở ĐHQG TP.HCM có thể có thu nhập ngoài lương hợp lý khoảng 400-500 USD/tháng, gồm cả nguồn bên trong và ngoài nhà trường thông qua dạy trội giờ, nghiên cứu khoa học, thực hiện hợp đồng tư vấn… Phần chênh lệch còn lại nên xem là để “đánh đổi” cho những “giá trị xã hội” mà họ có được từ ĐHQG (ông Phụ còn căn cứ thêm một số yếu tố khác).
Đại biểu khác kiến nghị việc hỗ trợ điều kiện cơ sở vật chất cho GS, PGS trong công tác; đề nghị GS được hỗ trợ tối đa 50% kinh phí để dự hội thảo khoa học nước ngoài (mỗi năm một lần); GS, PGS được cấp kinh phí tham dự hội thảo trong nước; GS 3 năm một lần, PGS 6 năm một lần được nghỉ 1 học kỳ giữ nguyên lương để tập trung nghiên cứu khoa học (có báo cáo kết quả cụ thể)…
M.TÂM

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)