Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Đi B dạy học

Tạp Chí Giáo Dục

Năm nào cũng vậy, cứ dịp cuối tháng 4 là căn nhà nhỏ của thầy giáo Nguyễn Văn Thư, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Yên Viên, Hà Nội lại trở nên náo nhiệt bởi sự hội tụ của nhiều đồng nghiệp đã cùng nhau xẻ dọc Trường Sơn, chi viện cho chiến trường miền Nam. Biết bao kỷ niệm của một thời trai trẻ lại ùa về trong ký ức người thầy giáo đã gần 70 tuổi…
Năm 1965, khi đang là giáo viên dạy văn của Trường THPT Xuân Đỉnh, Hà Nội, tôi cùng gần 200 anh em khác nhận nhiệm vụ vào Nam công tác. Mau chóng làm quen ở môi trường mới, với sự đùm bọc của đồng bào miền Nam, nhiều người chúng tôi đã nhanh chóng thích nghi với cuộc sống, chiến đấu tại địa phương. Thời buổi chiến tranh, nghề giáo được ví như con dao pha, có thể làm bất cứ việc gì khi được tổ chức phân công, như dân vận, tuyên truyền, báo chí, lại có người trở thành nhà văn, nhạc sĩ…
Kỷ niệm của tôi gắn liền với mảnh đất thép Củ Chi – nơi suốt ngày đêm vang dội tiếng bom, tiếng súng, cũng là nơi đã thử thách, rèn luyện không biết bao nhiêu nhà giáo Hà Nội trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Như anh Lê Bách, giáo viên Trung cấp Sư phạm Hà Nội, dù sống giữa vùng đất khốc liệt nhưng luôn lạc quan, yêu đời, vừa làm tốt công tác giáo dục vừa sáng tác âm nhạc. Tâm hồn nhà giáo cộng với tâm hồn nghệ sĩ đã giúp anh viết nên những tác phẩm đi vào lòng người như "Mang truyền thống Điện Biên, cả nước ta lên đường" – bài hát đã có lúc trở thành nhạc hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam; hay như anh Ngô Thế Trọng, nguyên là giáo viên môn hóa học, ít nói song rất nghiêm túc trong công việc, từng lăn lộn trên chiến trường với nhiệm vụ Phó trưởng Tiểu ban giáo dục Phân khu I Sài Gòn – Gia Định…
Tùy theo tình hình mà Tiểu ban Giáo dục chúng tôi triển khai nhiệm vụ cụ thể, khi thì tổ chức lớp học, khi thì làm công tác tuyên truyền, hoặc xây dựng nội ứng… Mỗi xã có 10 lớp học, mỗi lớp khoảng 10 HS, khi thì học chữ, khi lại dạy cho HS những câu thơ về Bác, về cách mạng, lại có lúc dạy cho các em làm hầm chông, hố đinh để sẵn sàng đánh địch khi cần thiết… Tới năm 1969, do chiến tranh ác liệt, hầu hết các lớp học phải giải tán. Tiểu ban Giáo dục lúc này chủ yếu làm nhiệm vụ "cấy" giáo viên địa phương đang dạy ở các trường tư thục của địch làm công tác cách mạng.
Năm 1970, Trường Bổ túc Công nông được thành lập, với nhiệm vụ dạy bổ túc văn hóa cho cán bộ lãnh đạo địa phương, tôi được phân công làm hiệu trưởng. Trụ sở của trường là căn cứ địa của đồng chí Mai Chí Thọ, khi ấy là Phó Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Gia Định. Lớp học khá đông, khoảng 50-60 người, song hầu hết đều chưa biết chữ, thậm chí không ít người đã nhiều năm gắn bó với cách mạng, song viết báo cáo chỉ toàn bằng ký hiệu, như xây dựng được một phong trào đấu tranh cách mạng thì đánh dấu một gạch xanh; phát triển được 2 đảng viên thì đánh dấu bằng hai chấm xanh…
Do yêu cầu nhiệm vụ, thầy và trò đều phải che mặt để giữ bí mật. Cứ thế trong suốt 5 năm liền, đội ngũ chưa đầy chục giáo viên của trường đã xóa mù chữ cho hàng trăm cán bộ lãnh đạo địa phương, giúp họ viết được những báo cáo ngắn với tổ chức về kết quả thực hiện nhiệm vụ của mình. Tới tháng 4-1975, theo lệnh của Thường vụ Thành ủy Sài Gòn – Gia Định, toàn bộ học viên trở về địa phương để tiếp tục nhận nhiệm vụ, chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công năm 1975. Tôi cùng nhiều đồng đội đã xuống đường tham gia giải phóng Sài Gòn, chứng kiến không khí tưng bừng, rạng rỡ của các em HS trong mùa tựu trường đầu tiên sau giải phóng…
Người thầy giáo ấy khi trở về miền Bắc đã dành trọn quãng thời gian công tác còn lại để gắn bó với ngành giáo dục. Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, nhưng những kỷ niệm sâu đậm một thời, cùng mảnh đạn còn nằm trong cánh tay phải của người chiến sĩ – nhà giáo Nguyễn Văn Thư vẫn luôn khiến thầy đau đáu: Khi nào được trở về thăm lại vùng đất ấy…
Thống Nhất ghi (Hà Nội mới)

Bình luận (0)