Y tế - Văn hóaThư giãn

Đi bác sĩ, cũng… “hên xui”!

Tạp Chí Giáo Dục

– Than ôi! “Bỏ thì thương, vương thì tội”, “liệng thì uổng mà uống thì run”…

– Nè, mần chi mặt nhăn mày nhó, ngồi lẩm bẩm đầy “tâm trạng” vậy ông bạn?

– Chẳng là, tui đương… tiếc hũ rượu ngâm. Số là tháng rồi, tui có mua một mớ rễ cây mật nhân của một người chở xe đạp bán dạo bên đường. Nghe đồn đây là “cây bách bệnh” bởi nó trị được rất nhiều chứng bệnh, trong đó có tiểu đường, cao huyết áp… vốn là “bệnh gốc” của tui. Tui đem về vạt mỏng, phơi khô, ngâm rượu…

– À, ra ông tính trị bệnh bằng “dược tửu”, nhưng rồi ngâm xong lại… không dám uống, chớ gì!

– Ủa, sao ông biết trong tim đen tui vậy?

– Dễ ợt! Có phải mới rồi ông đọc báo, báo đăng cái vụ vừa xảy ra ở tỉnh nọ: ông A cho ông B rễ cây “mật nhân bá bệnh gì đó” về ngâm rượu. Ông B ngâm xong uống vô thì bị tê môi tê lưỡi, tím tái co giật phải đi cấp cứu. Ông A nghe vậy tức mình, không tin rễ cây mình biếu bạn là có độc tính bèn tìm tới uống “chứng minh” ba chun vô một chỗ, ai dè tử vong không cứu kịp.

– Phải phải. Đọc tin, tui đâm hoang mang quá cỡ, hổng biết cái hũ rượu “mật nhân” mình cất công ngâm nó có… độc gì hông. Cũng muốn thử mà không dám thử, rủi “có gì” chắc… chết!

– He he… Đâu chỉ mình ông. Thời buổi này hãy còn khối người tin vô những “huyền thoại”, “truyền thuyết” về các loại thuốc thần kỳ chế biến từ đủ thứ cây, con lắm á. Như rễ mật nhân, trong đông y vẫn ghi nhận là có một số tác dụng trị bệnh, nhưng không phải là bệnh gì cũng “tiêu trừ” như lời đồn đại. Đó là chưa kể xài nhầm mật nhân giả, hoặc nguy hiểm hơn là lẫn lộn giữa cây thuốc nam với cây thuốc… độc.

– Chậc, xài “thảo dược” trôi nổi kiểu này coi như… “hên xui”: Ai “xui” uống nhầm là “hết bệnh” như chơi. Bởi… hết thở rồi, đâu thèm bệnh nữa!

– Thôi thì cố mà chấp hành khuyến cáo: Tuyệt đối không nên tự ý hoặc nghe những lời “giới thiệu có cánh” mà sử dụng các loại rễ cây hay “thảo dược” không có nguồn gốc rõ ràng. Có bệnh tật gì thì phải đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán, chỉ định điều trị hợp lý, kịp thời, tránh tình trạng tiền mất tật mang.

– Vâng… “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”! Nhưng thực ra, nghe khuyến cáo vậy, chớ có bệnh phải đi bác sĩ, thiệt tình là tui đây cũng còn… run lắm, hồi hộp lắm, bởi chả biết “hên xui” thế nào…

– Ủa, đi bác sĩ, có gì mà “hên xui”!?

– Ông thử nghĩ, đi bác sĩ, “hên” gặp người học hành đàng hoàng, có năng lực thực sự khám trị bệnh cho mình kể như “có phước”, còn “xui rủi” trúng mấy vị “điểm chuẩn thấp lè tè cũng học ra bác sĩ đa khoa” thì có mà khốn khổ dài dài…

– Ừa hé!!!

Trương Ngc

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)