Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dì Bảy Huệ, người ra đi để lại biết bao tình

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

105 tuổi đời, 87 tuổi Đảng, 90 năm dấn thân vào con đường cách mạng, những đóng góp của đồng chí Ngô Thị Huệ (Bảy Huệ) đã được Đảng, Nhà nước, được nhân dân nhất là nhân dân các tỉnh Nam bộ, khắc ghi. Và trên tất cả, tấm lòng thương yêu, lòng nhiệt tình cách mạng của dì Bảy Huệ đã truyền đến những người xung quanh nguồn năng lượng trong lành và mạnh mẽ như chính con người bà. Để rồi, khi nhắm mắt ra đi, có những mái đầu bạc, mái đầu xanh tới tiễn đưa với lòng thương kính vô bờ. 

Tấm lòng nhân hậu

Lễ viếng bắt đầu từ 9 giờ sáng. Dòng người tới viếng mang theo những tình cảm thiết tha, lòng thương yêu kính trọng. Trong cuộc đời mình, người cán bộ lão thành cách mạng Bảy Huệ, phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, đã giữ nhiều trọng trách: đại biểu Quốc hội các khóa I, II, III, IV, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Long, nguyên Thường vụ Thành ủy Sài Gòn, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý cán bộ Ban Tổ chức Trung ương. Nhưng điều đọng lại trong tim mỗi người từng có dịp được làm việc, gặp gỡ cùng bà còn vượt lên trên tất cả những trọng trách ấy. 


Đoàn đại biểu TP.HCM do đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy, làm trưởng đoàn, viếng đồng chí Nguyễn Thị Ngỡi (Ngô Thị Huệ). Ảnh: VIỆT DŨNG

Rưng rưng sau khi thắp nén nhang tiễn biệt người đồng chí lão thành cách mạng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Thị Dung kể trong niềm tiếc thương: Những năm cuối đời, tuổi đã cao, lẽ ra phải được nghỉ ngơi, nhưng với tấm lòng lo cho dân cho nước, cô Bảy Huệ vẫn tích cực tham gia hoạt động của Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP.HCM, làm chủ tịch, rồi chủ tịch danh dự của hội. Nằm trên giường bệnh, cô vẫn luôn trăn trở, theo dõi thăm hỏi hoạt động của hội. Cô thực sự là một tấm gương về đức hy sinh, lòng chung thủy, cả đời luôn trăn trở đóng góp cho nước, cho dân. 

Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua chia sẻ, mỗi lần được gặp, được trò chuyện cùng dì Bảy là được tiếp sức bởi sự sắt son với cách mạng, bởi tấm lòng nhân hậu, kiên trung, với những lời nhắc nhở, dặn dò sâu sắc mà giản dị.

Bên cạnh Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP.HCM, những năm tháng về hưu của dì Bảy còn gắn liền sự hình thành, phát triển của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ với nhiều tâm huyết. Trong dòng người viếng tang từ sớm, có bà Nguyễn Thị Út Thắm, 96 tuổi. Buổi sáng, bà dậy thật sớm đi từ Cần Giuộc, tỉnh Long An lên với chị Bảy của bà một đoạn đường cuối cùng. Bà Út Thắm có 15 năm công tác ở bảo tàng, từ những ngày đầu sơ khai.

Bà kể, chị Bảy cùng các chị xây dựng bảo tàng từ chỗ không có gì, đi xin từng viên gạch, bao xi măng. Mỗi lần gạch, xi măng về tới kho, chị Bảy lại nấu xôi chè mời anh em khuân vác, tài xế với đầy sự trân trọng mến thương. Nhiều năm qua, cứ mỗi khi mùng 6 tết là cán bộ bảo tàng và hội chị em nữ tù chính trị lại họp mặt rồi qua nhà thăm chị Bảy.

“Có lẽ chị có quãng đời cách mạng đi sâu sát trong quần chúng, nên thương những người nghèo, người khó”, bà Út Thắm đúc kết.

Đã 42 năm trôi qua, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa vẫn còn khắc ghi trong tim lời dặn dò của cô Bảy, về tấm lòng đôn hậu, khiêm nhường, kiên trung bất khuất, làm kim chỉ nam cho suốt cuộc đời.

Cũng là con một người bạn của dì Bảy, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chia sẻ, mình mãi kính yêu dì như mẹ của mình. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trân trọng viết từng dòng trong sổ tang: “Một cây đại thụ, một tấm lòng cao cả. Chúng con học tập cô, yêu thương và kính trọng cô”.

Một đời trọn nghĩa

Có dịp gặp gỡ, gắn bó dì Bảy Huệ từ những ngày Tổ sử Phụ nữ Nam bộ, nhà văn Trầm Hương thương quý đúc kết về cuộc đời hơn trăm năm của dì Bảy: …Cuộc đời hơn trăm năm ấy đã nếm trải đủ vinh quang và cay đắng, có những lúc nuốt lại nỗi đau riêng, đi qua những khúc quanh thăng trầm của lịch sử, dì Bảy Huệ vẫn là bông hoa huệ trong trắng, thơm ngát và tỏa sáng tấm lòng trung kiên, nhân hậu của người phụ nữ Nam bộ. Dì Bảy Huệ đi về thế giới bên kia còn để lại bao tình!

Ngay sau khi kết thúc phiên họp Quốc hội buổi sáng, đồng chí Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM khóa XV, đã đến viếng, chia buồn cùng gia quyến đồng chí Ngô Thị Huệ. 


Thanh thiếu niên TP.HCM viếng đồng chí Ngô Thị Huệ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Vì lý do công tác không thể trực tiếp vào viếng, các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã gửi vòng hoa đến viếng và chia buồn cùng gia đình.

Dẫn đầu Đoàn Ban Bí thư Trung ương Đảng vào viếng, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, thương tiếc tỏ bày: “Ban Bí thư vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Thị Ngỡi (Ngô Thị Huệ), bà Bảy Huệ, bác Bảy Huệ, cô Bảy Huệ kính mến, người con ưu tú của quê hương Sóc Trăng, cán bộ lão thành cách mạng, người cộng sản kiên trung, bất khuất, suốt đời phấn đấu vì lý tưởng cách mạng, vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân…

Với hơn 100 năm tuổi đời, gần 90 năm tuổi Đảng, từ khi hoạt động bí mật ở Rạch Giá, Trà Vinh, Cần Thơ, Vĩnh Long, Sài Gòn đến khi công tác ở TP.HCM và Trung ương, dù ở cương vị nào, đồng chí luôn son sắt, thủy chung, tận tâm, tận lực, tận hiếu, hết lòng vì sự nghiệp và hình ảnh, nét đẹp ngoan cường, chung thủy, sắt son, khí phách người phụ nữ Nam bộ nói riêng, tô thắm đức tính phụ nữ Việt Nam, gắn bó máu thịt với nhân dân, với công cuộc xây dựng và phát triển TP.HCM. Đồng chí Ngô Thị Huệ là một biểu tượng cao đẹp của người phụ nữ Nam bộ, người phụ nữ Việt Nam, là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo”.

Dẫn đầu Đoàn Thành ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM vào viếng, người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM chia sẻ thêm: “Với 105 tuổi đời, 87 tuổi Đảng, được giao nhiều trọng trách khác nhau, cương vị nào đồng chí cũng mang hết tâm sức phục vụ cách mạng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, không hề so tính… Với tình cảm, lòng tiếc thương vô hạn, chúng con nguyện học tập noi theo tấm gương sáng của cô Bảy, sống xứng đáng với sự hy sinh vô bờ bến của bao thế hệ tiền nhân”.

Trong ngày, các đoàn từ quê hương thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng), từ quê ngoại Trà Vinh, từ Tây Ninh, đã đến viếng. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, gia đình nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải, gia đình nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân,… đã đến viếng. Đoàn Đại biểu Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương làm trưởng đoàn, đến viếng, chia buồn cùng gia quyến. 
Hôm nay 8-6, lễ viếng tiếp tục diễn ra tại Nhà tang lễ Quốc gia phía Nam. 

Dòng người tới viếng cứ dài mãi, dù trẻ hay già, dù đã công thành danh toại hay mới bước vào đời, đều cảm nhận được tình cảm của người đồng chí, người dì, người bà, người mẹ… Tất cả là bởi lòng thương yêu con người như “tiếng sóng bủa ghềnh” trong suốt cuộc đời bà.

Tiếng sóng của tình thương yêu đã đưa cô thôn nữ “có căn tu”, ăn chay trường, ngày đêm niệm Phật cầu cho mẹ và những người cùng khổ bớt khổ, vụt trở thành người cộng sản xông pha lửa đạn, thành chỗ dựa tinh thần cho biết bao người trải dài suốt một thế kỷ.

VĂN MINH – MAI HOA (sggp.org.vn)

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)