Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Đi bơi coi chừng vướng bệnh

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ em đang “giải nhiệt” ở hồ bơi
Bơi lội là môn thể thao được nhiều người yêu thích trong mùa nắng nóng. Nhưng việc đi bơi thường xuyên ở những hồ bơi không đảm bảo có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật.
Có khả năng rước bệnh
Dạo quanh một lượt các hồ bơi trên địa bàn thành phố vào những ngày nắng nóng thì ở đây đều trong tình trạng đông khách vào những buổi chiều tối hoặc sáng sớm. Nhiều vị khách tỏ ra khá thích thú, hài lòng với việc đi bơi thường xuyên. Anh Nguyễn Đăng Phú (40 tuổi, quận Gò Vấp)  chia sẻ: “Đi bơi là sở thích của gia đình tôi, tuy không đi bơi thường xuyên hàng ngày nhưng vào những ngày cuối tuần thường chở con cái đến đây để tắm. Bọn trẻ cũng cảm thấy rất thích thú, bản thân tôi cũng thấy đi bơi rất tốt cho sức khỏe”. Đa số những người yêu thích môn bơi đều cho rằng việc đi bơi thì lợi có chứ hại không thấy đâu. ThS.BS Ngô Minh Vinh (giảng viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) cho biết: “Bơi quả thực rất tốt cho sức khỏe nhưng phải bơi như thế nào để đảm bảo cho bản thân và người khác mới là vấn đề đặt ra. Bản thân mỗi người đều mang vi khuẩn, có loại vi khuẩn là vô hại nhưng có loại có hại, nếu mang các loại vi khuẩn có hại mà tiếp xúc với nước ở các hồ bơi công cộng thì vô hình trung chúng ta đã làm lây lan sang người khác. Thêm vào đó, không phải ai khi xuống hồ bơi cũng đều tuân thủ các quy định của hồ bơi mà có khi xuống hồ mới xả xuống”. Tại các hồ bơi thì số người đến giải nhiệt rất đông, là khu giải trí tập thể có tính cộng đồng nên việc giữ gìn vệ sinh còn rất nhiều hạn chế. Mặc dù đã sử dụng chế độ lọc nước, khử trùng nhưng môi trường nước vẫn ô nhiễm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật. Hầu hết các bể bơi trong thành phố đều khử trùng bằng chất clo, nhưng việc làm sạch nước này vẫn chưa theo một quy chuẩn nào. Theo BS. Ngô Minh Vinh: “Mặc dù clo là một chất sát khuẩn nhưng nếu thiếu nồng độ clo thì các loại vi khuẩn gây nấm, siêu vi trùng hay các virus gây u mề đay ở trẻ em không bị tiêu diệt nhưng nếu sử dụng dư quá mức cho phép thì hồ bơi sẽ nồng nặc mùi clo, khi bơi xong mắt có hiện tượng đỏ”. Cũng theo BS. Vinh thì khi clo tác dụng với chất amoniac có trong nước tiểu sẽ tạo ra chất độc gây tổn thương cho đường hô hấp, gây kích ứng giác mạc, viêm đỏ… Ngoài những bệnh về da thì BS. Trương Thành Lợi (Trưởng khoa Tai đầu mặt cổ, Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM) lo lắng: “Việc trẻ em được người thân dẫn đi tắm ở hồ bơi sẽ khiến cho trẻ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mang các bệnh về tai mũi họng, đặc biệt là tai. Bởi không phải hồ bơi nào cũng đảm bảo sạch, an toàn. Việc đi bơi sẽ khiến cho nước vào tai gây viêm tai, đau nhức, chảy mủ… Nếu như không vệ sinh sạch sẽ khiến cho bệnh trở nặng thì lâu dần sẽ bị giảm thị lực”.
Chọn hồ bơi đảm bảo
BS. Lợi khuyến cáo: “Một điều lưu ý là khi đi bơi nên trang bị đầy đủ dụng cụ bơi cho trẻ, nhất là nút lỗ tai để bảo vệ tai tránh cho nước vào bên trong, cha mẹ phải là người giám sát chặt chẽ trẻ để tránh những tai nạn tại hồ bơi. Theo nhiều người, đi bơi tốt cho sức khỏe nhưng chúng ta cũng cần lưu tâm chọn hồ bơi đảm bảo để tránh nguy cơ mang bệnh…”. 
Một hồ bơi đảm bảo về mặt chất lượng thì hồ bơi đó phải thay nước 1 lần/ngày, nhưng nếu làm vậy thì sẽ tốn rất nhiều tiền và kinh doanh không có lãi. Vì vậy, nên nhiều hồ chọn hệ thống lọc tuần hoàn để tiết kiệm nước, áp dụng biện pháp khử trùng nên nước luôn đảm bảo về độ trong. BS. Vinh cho biết thêm: “Một hồ bơi không đảm bảo sẽ là nguyên nhân gây nên các ổ dịch về tay, chân, miệng, tai mũi họng mà chủ yếu là do các vi sinh vật gây hại có trong nước hồ bơi”.
Bơi lội là môn thể thao phù hợp với mọi lứa tuổi để rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai và sức bền của các cơ. Tuy nhiên, bơi như thế nào cho đúng cách và đảm bảo về sức khỏe là vấn đề cần đặt ra. Theo BS. Vinh chúng ta nên chọn hồ bơi đảm bảo về chất lượng là hồ bơi có nước trong, không có tảo và mật độ người bơi ít. Bên cạnh đó cần tắm bằng nước sạch trước khi xuống hồ và sau khi lên bờ, nếu cơ thể đang mắc các bệnh lý về tả hay đường hô hấp, mang các virus có nấm thì không nên xuống hồ để tránh lây lan cho người khác. Chúng ta cũng không nên tắm trong hồ bơi quá lâu, bởi vì nước là dung dịch nhược trương cơ thể người là đẳng trương do đó làm cho lỗ chân lông nở ra, lớp photpholipit bảo vệ da mất đi dần dần là nguyên nhân làm cho các loại vi trùng gây bệnh phát triển.
Bài, ảnh: Nghiêm Quế
Không nên chủ quan
Nắng nóng, chị Lan Anh (quận 3 – TP.HCM) thường xuyên chở con trai 8 tuổi đến hồ bơi tắm. Hôm nào bơi xong, chị cũng chuẩn bị sẵn tăm bông vệ sinh tai cho con thật khô. Nhưng được hơn một tuần, con chị bắt đầu kêu đau bên trong tai, cứ nghĩ do có con gì đó chui vào cắn nên chị soi đèn xem thì thấy tai chảy nước màu vàng, có mùi hôi. Chị vội vàng đưa con đi khám BS mới  biết con trai bị viêm tai giữa do vi khuẩn trong nước xâm nhập. Tương tự, thấy đứa con gái 6 tuổi của mình bị hắt hơi, sổ mũi liên tục sau khi tắm ở bể bơi về, anh Bảo Nam (quận Bình Tân – TP.HCM) liền đi mua thuốc cho con uống nhưng không khỏi. Hôm sau, anh khi đưa con đến Bệnh viện Tai mũi họng khám mới tá hỏa vì con đã mắc bệnh viêm mũi dị ứng. BS. Nguyễn Văn Tiến (Chuyên khoa Tai mũi họng – Bệnh viện 175) cho biết: “Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ khi tham gia bơi lội thì phụ huynh nên cho trẻ đi khám BS để quyết định trẻ có thể tham gia hoạt động bơi lội được không. Tuổi cho trẻ học bơi tốt nhất là khi trẻ tròn 6 tuổi”.
M.H
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)