Tuần qua, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận một trường hợp cháu Tr. Th. M. 4 tuổi, nam, trong tình trạng khó thở, tím tái, co gồng, được chuyển từ bệnh viện tuyến trước.
Trước đó cháu đang ăn cơm với thịt heo, do ăn vội vã để đi chơi nên cháu bị sặc thức ăn vào đường thở, gây ho sặc sụa tím tái, người nhà phát hiện đưa cháu đến bệnh viện địa phương. Tại đây cháu biểu hiện khó thở tím tái co gồng từng cơn, được sơ cứu thở oxy, chống co giật, sau đó chuyển Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Thăm khám lúc nhập viện các bác sĩ ghi nhận cháu khó thở tím tái, co gồng và đặc biệt phát hiện cháu bị gãy 2 răng cửa trong lúc co gồng mà không biết “đã đi về đâu?”. Ngay lập tức cháu được hội chẩn với bác sĩ Tai Mũi Họng, đã gắp thành công dị vật là những mảnh thịt còn nhai dở kích thước 0,3×0,3cm, nằm ở phế quản gốc và phân thùy dưới phổi phải. Kết hợp nội soi thực quản các bác sĩ đã gắp được 2 chiếc răng cửa của cháu “bị thất lạc” trong đường tiêu hóa.
Sau gắp dị vật, cháu được tiếp tục điều trị hỗ trợ hô hấp, thần kinh, dinh dưỡng và kháng sinh phổ rộng điều trị viêm phổi hít tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc. Đến nay sau hơn một tuần điều trị tình trạng cháu cải thiện dần.
Qua trường hợp này, chúng tôi muốn lưu ý đến quí phụ huynh cần nhắc nhở các trẻ khi ăn uống, không được “làm việc khác” như vừa ăn vừa la khóc do không đồng ý việc gì hay vừa ăn vừa cười giỡn, hay ăn vội vã để làm một việc gì đó,… dễ dẫn đến nguy cơ hít thức ăn vào đường thở. Ngoài ra ăn uống “tập trung” còn tạo cảm giác ngon miệng cho trẻ, vì cơ quan tiêu hóa và các giác quan “được huy động tối đa” cho việc thưởng thức món ăn. Nên khi ăn là thưởng thức, tận hưởng nguồn năng lượng thiên nhiên cho cơ thể, nên chẳng phải ông cha ta thường nói “trời đánh … tránh … bữa ăn!”
BS Minh Tiến/Theo BV Nhi đồng 1
Bình luận (0)