Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Đi chợ mạng mua đồ ăn: Coi chừng rước bệnh vào người

Tạp Chí Giáo Dục

Từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, nhất là giai đoạn giãn cách xã hội, chợ online bán đồ ăn càng tấp nập hơn bao giờ hết. Những lời rao có cánh như bị khách bom hàng nên bán đại hạ giá; do dịch bệnh, nhà hàng, khách sạn không lấy hàng nên bán rẻ… đã đánh trúng tâm lý muốn mua hàng ngon nhưng giá rẻ của không ít người tiêu dùng. Vốn dĩ chỉ có người mua nhầm chứ người bán không lầm nên nhiều người tiêu dùng phải ngậm đáng nuốt cay khi phát hiện mình bị lừa…


Lực lượng chức năng Cần Thơ thu giữ các sản phẩm thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ

Tiền thật mua… thịt thối

Hôm qua chị Thúy Hằng (Q.4, TP.HCM) nhận được tin nhắn của một tài khoản Facebook chuyên bán thịt bò nhập khẩu với nội dung: “Chương trình tri ân khách hàng cũ, bên em khuyến mãi cực sốc: Mua 5kg bất kỳ sẽ được tặng 1kg tùy theo sự lựa chọn của khách. Lõi vai bò 170k/kg; thăn ngoại bò 175k/kg; nạm bò 140k/kg; dẻ sườn bò 145k/kg; bò tái 170k/kg; đuôi bò 190k/kg; bắp bò 155k/kg; bò lúc lắc 180k/kg…”; thế là “cục tức” trong chị lại nổi lên.

Cách đây 7 tháng, sau khi TP mở cửa trở lại, chị vào tài khoản Facebook này đặt mua 4kg thịt bò (1kg bắp bò giá 170.000 ngàn đồng, 1kg ba rọi bò – 190.000 đồng, 1kg sẻ sườn bò – 150.000 đồng và 1kg lõi vai bò – giá 175.000 đồng).

“So với giá bò trong nước thì rẻ hơn ít nhất 100.000 đồng/kg. Tuy nhiên lúc đó tôi nghĩ do ở nước ngoài nuôi công nghiệp nên giá rẻ hơn hàng trong nước là đương nhiên. Với lại hàng đông lạnh bao giờ cũng rẻ hơn hàng tươi nóng. Mặt khác tôi tìm hiểu ở những tài khoản Facebook khác thì thấy giá cũng chỉ hơn kém nhau 10.000 – 20.000 đồng/kg. Rồi chủ tài khoản còn cam kết với tôi là hàng đảm bảo chất lượng, có thể bảo quản ngăn đá ít nhất 2 tháng. Sở dĩ bán giá rẻ là do trước đó hàng nhập về quá nhiều, dịch bệnh nên không phân phối cho các nhà hàng, khách sạn được dẫn đến tồn kho, giờ bán lấy vốn. Nghe thấy hợp lý nên tôi mua. Lúc nhận hàng thì thấy cũng không đến nỗi nào nhưng khi mở bao sơ chế mới phát hiện thịt có mùi hôi khủng khiếp. Tôi phải rửa nước sôi, ngâm nước muối, ngâm cả dấm, rượu trắng mà vẫn không hết mùi hôi tanh nên đành phải bỏ thùng rác… Sau đó tôi liên hệ với chủ tài khoản nhưng không thấy trả lời. Từ đó tôi thề không bao giờ mua thực phẩm tươi sống trên mạng nữa. Đã mất tiền mà còn phải ôm “cục tức” trong người…”, chị Thúy Hằng bức xúc.

Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, ngoài các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, Tháng hành động còn là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn.

Làm ngân hàng nên chị Quỳnh Mai (Q.Tân Phú) không có nhiều thời gian đi siêu thị, do đó chị thường mua thực phẩm trên chợ online. Nhưng không ít lần chị trả tiền thật để nhận hàng giả. “Có lần tôi đặt mua 2 con gà sống, giá 90.000 đồng/kg và kêu người ta làm mang tới nhà. Nhìn gà trên tài khoản Facebook của họ thì ngon lắm, ai dè mình mua về nấu ăn thì phát hiện thịt bở như gà công nghiệp bán trong siêu thị. Lần khác mua tôm hùm. Chủ tài khoản Facebook rao 350.000 đồng/kg bao ăn, loại 8-10 con. Tôi nghĩ giá này cũng hợp lý, có rẻ cũng chỉ vài chục ngàn đồng nên mua chắc không hớ. Nào ngờ mua về ăn mới hay mình bị lừa đẹp… Sau vài lần mua hàng không đảm bảo, tôi quyết định không đi chợ online nữa. Mua đồ ăn thì tốt nhất là mắt nhìn, tay sờ, mũi ngửi mới an tâm được”, chị Quỳnh Mai nói.

Hàng không có nguồn gốc ngập chợ online

Ngày 18-4 vừa qua, Tổ công tác Thương mại điện tử (Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1 (tỉnh Đắk Lắk) kiểm tra cơ sở kinh doanh của bà Võ Thị Lâm Anh (chủ tài khoản Facebook bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ) tại P.Thành Nhất, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Qua kiểm tra, đoàn phát hiện hộ bà Lâm Anh đang bày bán gần 100kg thực phẩm là hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ (gồm 26kg mực nang đông lạnh, 10kg cá nục đông lạnh, 10kg nem nướng đông lạnh, 50kg khoai lang đông lạnh). Tại thời điểm kiểm tra, bà Lâm Anh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hay bất kỳ giấy tờ nào chứng minh tính hợp pháp và nguồn gốc, xuất xứ của số hàng hóa nói trên.

Cũng trong ngày 18-4, Đội Quản lý thị trường số 3 (Cục Quản lý thị trường TP.Cần Thơ) phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường (Công An Cần Thơ) tiến hành kiểm tra điểm kinh doanh thực phẩm đông lạnh do bà Võ Thị Ngọc Diệu (địa chỉ số 116 đường Đồng Văn Cống, P.An Thới, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) làm chủ. Qua đó, đoàn kiểm tra phát hiện hàng hóa gồm 250kg mực đông lạnh; 95 con gà ủ muối đông lạnh hoàn toàn không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp và trên bao bì nhãn hàng hóa không có thông tin về nguồn gốc xuất xứ, nơi sản xuất.

Bà Ngọc Diệu khai nhận đã mua hàng hóa này trôi nổi qua mạng xã hội, không rõ địa chỉ nơi bán cụ thể, không có tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa, chỉ giao dịch qua điện thoại.

Tăng cường kiểm tra, xử phạt

Để mâm cơm của người dân luôn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ngoài ý thức nâng cao cảnh giác của người tiêu dùng, Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM vừa phát động “Tháng hành động vì ATTP năm 2022” với chủ đề “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới”. Theo đó, tháng hành động diễn ra từ ngày 15-4 đến hết ngày 15-5-2022.

Đại diện Ban Quản lý ATTP TP cho biết, với mục tiêu tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP, thông qua hoạt động kiểm tra, hậu kiểm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, công tác thanh kiểm tra trong tháng hành động hướng đến các đối tượng: doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm trên địa bàn TP.HCM; trong đó tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản theo chủ đề của Tháng hành động vì ATTP; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, bị phản ánh từ các cá nhân, tổ chức, báo đài. Trong quá trình kiểm tra tập trung xem xét: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; Giấy cam kết sản xuất thực phẩm an toàn; Giấy chứng nhận sức khỏe, xác nhận kiến thức ATTP của chủ cơ sở và người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Việc thực hiện các quy định về tự công bố sản phẩm, phiếu kết quả kiểm nghiệm; nhãn sản phẩm thực phẩm đối với những sản phẩm thuộc diện phải ghi nhãn; điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, thực phẩm; điều kiện về trang thiết bị, dụng cụ, con người theo quy định; truy xuất nguồn gốc thực phẩm; lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP…

N.Hà – K.Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)