Càng những ngày cuối năm chợ online càng sầm uất với đủ thứ hàng hóa vàng thau lẫn lộn. Bởi vậy, nếu “thượng đế” chỉ nhìn bằng mắt rồi đặt hàng thì rất dễ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng…
Theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT – KTS) – Bộ Công thương, TMĐT Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt 18-25%/năm. Riêng năm 2024, quy mô thị trường TMĐT sớm vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Tỷ trọng về TMĐT chiếm 2/3 giá trị của nền KTS Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng của TMĐT, KTS Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 2 con số vững chắc, thuộc top 10 quốc gia có tốc độ tăng tưởng TMĐT hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển KTS và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Bên cạnh những mặt tích cực, TMĐT cũng có nhiều vấn đề đáng quan tâm, nhất là việc kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp làm ăn chân chính…
Hàng ngàn gian hàng online bị gỡ bỏ
Thông tin từ Cục TMĐT – KTS cho biết, năm 2024, cục tiếp nhận và xử lý 165 lượt phản ánh về các hành vi vi phạm như không đăng ký, thông báo website/ứng dụng, cung cấp sản phẩm không đảm bảo chất lượng, giả mạo doanh nghiệp khác nhằm lừa đảo khách hàng.
Đối với công tác rà soát, kiểm tra hoạt động TMĐT, Cục TMĐT – KTS đã phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Bộ Công an phát hiện nhiều trường hợp có dấu hiệu lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hóa nhập lậu với quy mô và số lượng lớn gồm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng, giày dép… với hàng triệu đơn hàng đã bán. Theo đó, trong năm qua, đoàn kiểm tra liên ngành đã thu giữ 125.088 sản phẩm các loại.
Cục TMĐT – KTS đã yêu cầu các đơn vị là chủ sở hữu website/ứng dụng sàn giao dịch TMĐT và website/ứng dụng TMĐT rà soát gỡ bỏ nhiều sản phẩm vi phạm (như mỹ phẩm, thuốc đông y, thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng…) theo phản ánh từ Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế và các phương tiện truyền thông.
Ngoài ra, Cục TMĐT – KTS cũng yêu cầu các sàn TMĐT gỡ bỏ các sản phẩm từ động vật hoang dã như mật gấu, ngà voi, răng nanh hổ và các thiết bị bẫy, lưới, thiết bị dẫn dụ để bắt, tận diệt các loài động vật hoang dã, đặc biệt là chim di cư; các thiết bị gây nhiễu/thiết bị phá sóng, thiết bị kích sóng điện thoại di động; sản phẩm bánh Trung thu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc và không đáp ứng điều kiện về an toàn thực phẩm… trên các website TMĐT bán hàng, các sàn giao dịch TMĐT không đúng quy định của pháp luật. Trong năm 2024, qua rà soát, cơ quan chức năng đã gỡ bỏ hơn 3,2 ngàn sản phẩm và trên 1,2 ngàn gian hàng.
Cũng theo Cục TMĐT – KTS, năm qua, cục đã phối hợp với Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an TP.HCM, Hà Nội, Điện Biên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Ninh Bình, Quảng Bình, Gia Lai… trong việc cung cấp thông tin xác minh vi phạm của hàng chục website/ứng dụng trong TMĐT như retamino68.com, cronbase2.one, tienlientaybb2.com, vluky.com và 323.com…
Cùng với đó, Cục TMĐT – KTS cũng đã rà soát và cung cấp thông tin nhiều website TMĐT có dấu hiệu vi phạm hành chính cho Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) – Bộ Công thương và các cục QLTT Hà Nội, TP.HCM, Hà Nam, Điện Biên, Quảng Trị, Bạc Liêu để xử lý theo thẩm quyền 9 website…
Hàng giả, hàng nhái tràn ngập chợ online
Hiện nay, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng công khai trên các website, đặc biệt trên các mạng xã hội (Facebook, TikTok, Zalo…) đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường kinh doanh và quyền lợi của người tiêu dùng. Trước tình hình đó, Tổng cục QLTT đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý các đối tượng có dấu hiệu vi phạm trên môi trường TMĐT.
Tại Tiền Giang, Đội QLTT số 5 thường xuyên theo dõi, nắm tình hình, thu thập thông tin đối với 3 tài khoản Facebook đăng bài bán mỹ phẩm có dấu hiệu là hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Cục TMĐT – KTS khuyến cáo, để tránh rủi ro, người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng TMĐT, nhất là các nền tảng xuyên biên giới; tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng chưa được Bộ Công thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT. |
Sau khi có cơ sở xác định tên, địa điểm, chủ hộ kinh doanh, từ ngày 19-11 đến ngày 4-12-2024, Đội QLTT số 5 đã kiểm tra tại địa điểm kinh doanh của 3 cơ sở nêu trên ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Kết quả, đoàn kiểm tra phát hiện tại những nơi này đang kinh doanh 55 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm các loại như kem dưỡng da, son môi, nước hoa… nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tại Yên Bái, trên cơ sở các thông tin được cung cấp, từ ngày 15-10 đến 15-11-2024, Cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo các đội QLTT trực thuộc tiến hành thẩm tra, xác minh các đối tượng/tên miền có dấu hiệu vi phạm sử dụng website TMĐT, sàn giao dịch TMĐT hoặc mạng xã hội để kinh doanh. Theo đó đã tiến hành kiểm tra 5 vụ/5 đối tượng/5 tên miền với 7 hành vi (4 hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, 1 hành vi kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường internet và 2 hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu). Theo đó, buộc tiêu hủy hàng hóa gồm 110 sản phẩm thời trang giả mạo nhãn hiệu CHANEL, LOUIS VUITTON, DIOR, HERMÈS, Adidas, Nike; 306 sản phẩm mỹ phẩm và 318 sản phẩm thực phẩm nhập lậu.
Tại Nam Định, sau hơn 1 tháng theo dõi livestream trên sàn TMĐT TikTok để nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh, Đội QLTT số 4 phát hiện đối tượng có kho hàng hóa kinh doanh tại xóm Sơn Hồng, xã Giao Hà, huyện Giao Thủy. Ngày 13-11-2024, Đội QLTT số 4 phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế – ma túy, Công an huyện Giao Thủy tiến hành kiểm tra kho hàng trên. Tại thời điểm kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện 200 sản phẩm áo phao không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Làm việc với đoàn kiểm tra, ông P.Q.Đ. – chủ hộ kinh doanh – cho biết, cơ sở kinh doanh của ông đang sử dụng sàn TMĐT TikTok Shop để đăng tải hình ảnh và bán sản phẩm. Số sản phẩm này được mua từ nhiều địa chỉ khác nhau trên địa bàn tỉnh Nam Định và không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa…
Anh Kim
Bình luận (0)