Ngày 1-10-2017, lần đầu tiên, UBND H.Nam Trà My phối hợp với các sở, ngành của tỉnh Quảng Nam tổ chức Phiên chợ sâm núi Ngọc Linh nhằm nâng tầm thương hiệu sâm Việt Nam. Và phiên chợ này diễn ra từ ngày 1-3 hằng tháng.
Quảng bá thương hiệu sâm Việt
Cây sâm Ngọc Linh phân bố chủ yếu ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam) và huyện Tu Mơ Rông, huyện Đắk Glei (Kon Tum). Sâm núi Ngọc Linh (hay còn gọi sâm VN) là một trong những cây dược liệu quý hiếm đã được Thủ tướng Chính phủ đưa thành sản phẩm dược liệu quốc gia. Theo PGS.TS Trần Công Luận – người có trên 30 năm nghiên cứu về sâm Ngọc Linh, trên thế giới có nhiều loại sâm quý như: sâm Hàn Quốc, sâm Mỹ, sâm Canada, sâm Nga, nhưng với sâm Ngọc Linh – sâm VN là trường hợp đặc biệt. Bởi, trong củ, thân và lá có chứa hàm lượng vi chất saponin rất đa dạng, có tính năng vượt trội so với các loại sâm khác. Nó không chỉ tăng cường sinh lực mà còn tham gia hiệp lực với các loại thảo dược khác, chữa được nhiều bệnh nan y. “Sâm Ngọc Linh – sâm VN bây giờ được xếp vào một trong năm họ sâm đặc hữu quý hiếm có giá trị bậc nhất của thế giới. Đến thời điểm này, đã phân lập và xác định được cấu trúc đến 52 hợp chất saponin có ở trong cây sâm phần dưới mặt đất tức là rễ, củ của sâm VN”, PGS.TS Trần Công Luận cho biết. Dù vậy, từ trước đến nay, sâm Ngọc Linh chưa một lần được “chính danh ra mắt” nên không ít người còn hồ nghi về công dụng của loại sâm quý bậc nhất thế giới này. Thậm chí còn có không ít người lợi dụng “tiếng tăm của sâm Ngọc Linh” để lừa bịp thiên hạ, trà trộn bán hàng giả, hàng dỏm làm ảnh hưởng đến “uy danh của sâm Ngọc Linh”, sâm VN. TS. Nguyễn Bá Hoạt (Viện nghiên cứu và phát triển sản phẩm thiên nhiên) cho rằng cần đẩy nhanh quá trình sản xuất dược liệu sâm hàng hóa cho nhu cầu sử dụng chăm sóc sức khỏe cộng đồng và nhấn mạnh: “Đây là tài nguyên quý tái tạo được cần chú trọng khai thác bền vững, sớm tạo nên cây kinh tế mũi nhọn của VN”. Tại hội thảo “Giải pháp phát triển sâm Ngọc Linh” do UBND tỉnh Quảng Nam và Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức (12-6) nhằm đề ra những giải pháp phát triển cây sâm Ngọc Linh – sản phẩm quốc gia mang thương hiệu sâm VN, đại diện Bộ Y tế nhìn nhận nhu cầu của cộng đồng đối với sản xuất dược liệu từ sâm Ngọc Linh là có thật và cho rằng cần sớm xây dựng cơ chế chính sách để đưa sâm Ngọc Linh và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh sử dụng trong hệ thống khám chữa bệnh của ngành y tế. Cụ thể, trong y học dự phòng (nâng cao sức khỏe và miễn dịch để phòng ngừa và kháng các loại dịch bệnh), sử dụng kết hợp với các loại thuốc trong phác đồ để nâng cao tỷ lệ khỏi bệnh và rút ngắn thời gian điều trị (đặc biệt đối với các bệnh mãn tính, tim mạch, huyết áp, mỡ máu, u bướu, ung thư…) cũng như sớm nghiên cứu tạo ra các sản phẩm đặc biệt từ sâm Ngọc Linh kết hợp với các vị thuốc khác theo công thức Y học cổ truyền để sử dụng cho các đối tượng đặc biệt như phi công, phi công vũ trụ, vận động viên thể thao.
Mở chợ phiên để phân định “thật – giả”
Hiện nay, việc phát triển vùng trồng sâm Ngọc Linh (chủ yếu tại Quảng Nam và Kon Tum) còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất giống, tiêu chuẩn chất lượng giống chưa được quan tâm. Đặc biệt, chưa tổ chức quản lý việc kinh doanh buôn bán dẫn đến thị trường sâm Ngọc Linh vẫn còn “thật – giả lẫn lộn”, giá sâm trên thị trường biến động khó lường từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng/kg khiến đa số người dân không được tiếp cận, sử dụng. Ngoài ra, dù sâm Ngọc Linh đã có chỉ dẫn địa lý, nhưng việc xây dựng thương hiệu sản phẩm còn bỏ ngõ, chưa có sự liên kết trong sản xuất, chưa có nhiều sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh nên thương hiệu quốc gia “sâm VN” vẫn còn ít người biết đến, nhất là trên thị trường quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết Quảng Nam đã ban hành cơ chế khuyến khích, bảo tồn và phát triển sâm núi Ngọc Linh (2014-2020) và tổ chức quy hoạch diện tích trồng sâm đến năm 2030 trên diện tích 15.000ha. Cùng với việc quy hoạch phát triển vùng sâm, UBND tỉnh cũng phê duyệt dự án đầu tư 9.000 tỷ đồng để bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh. Tại Kon Tum, hiện có 300ha sâm Ngọc Linh, dự kiến đến 2020 trồng 1.000ha. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN-PTNT) kiến nghị cần có cơ chế chính sách đặc thù về vốn, chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc, ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu khoa học, quảng bá thương hiệu, sản xuất thuốc… để bảo tồn, phát triển cây dược liệu nói chung và cây sâm Ngọc Linh – sâm VN nói riêng. Ông Đoàn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Công thương Quảng Nam nhấn mạnh trong thời gian tới Quảng Nam sẽ đấu tranh chống sản xuất, kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại đối với sản phẩm sâm Ngọc Linh. Đặc biệt, tập trung làm rõ nguồn gốc sâm núi Ngọc Linh được dùng tại các cơ sở chế biến; kiểm tra các đơn vị, cá nhân rao bán sâm núi Ngọc Linh trên internet và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. |
Nhìn nhận các vấn đề nêu trên là thực tế tồn tại suốt mấy chục năm qua, nên theo ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND H.Nam Trà My, việc mở các Phiên chợ sâm Ngọc Linh hằng tháng sẽ giúp bảo vệ thương hiệu, chất lượng của cây sâm Ngọc Linh – sâm VN, mở rộng giao thương, quảng bá, nâng tầm sâm VN là cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, xứng danh là một trong những loại dược liệu quý hiếm của khu vực và trên thế giới. “Tôi đảm bảo sâm củ và các sản phẩm chế biến từ sâm, khoảng trên 50 sản phẩm các loại như sâm củ, rượu sâm, viên nang sâm, trà sâm, kẹo sâm… bán buôn tại các phiên chợ do UBND H.Nam Trà My tổ chức là hàng thật 100%”, ông Hồ Quang Bửu quả quyết và khẳng định: “Tại phiên chợ sẽ không có chuyện bày bán sâm giả, sâm đểu. Đây là nơi mà người dân có nhu cầu mua sâm, sử dụng sâm sẽ yên tâm về chất lượng và giá cả. Trong tương lai đây sẽ là một phiên chợ đặc sắc không chỉ cho Quảng Nam mà cho cả VN”.
Nguyễn Hữu
Bình luận (0)