Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đi chợ trên “phây”

Tạp Chí Giáo Dục

Không chỉ bán rau củ quả trên trang cá nhân, một thành viên của Hội quán các bà mẹ còn có cửa hàng “di động” cung cấp nguồn rau an toàn từ nhà vườn Đơn Dương, Đà Lạt

Thực phẩm trôi nổi được quảng cáo “rau củ nhà trồng, gà vịt má nuôi không phân thuốc, không hóa chất, kích thích”… kèm hình ảnh được xử lý bắt mắt khi đưa lên mạng xã hội, hẳn nhiên được bán với giá cao.

Đi chợ trên mạng xã hội

Thời buổi công nghệ, các bà nội trợ đang họp hành ở công sở, hay đi cà phê, spa, tận hưởng ngày nghỉ ở châu Âu cũng có thể đặt mua đầy đủ thực phẩm cho bữa cơm gia đình. Đi chợ trên mạng không còn là chuyện mới, thậm chí ngày càng nhiều người có xu hướng bỏ chợ truyền thống bởi nhiều lý do như: Mất thời gian, ồn ào, lo ngại thực phẩm không an toàn…

Nếu như những năm trước, đi chợ ở siêu thị được các chị em lựa chọn thì nay đến đó chỉ để mua sắm những món đồ khác, còn mua rau củ quả, thực phẩm thì cứ nhấp chuột, hoặc chỉ cần vài cái chạm tay sẽ có nhân viên giao hàng tận nhà.

Bà Nguyễn Phương Dung (giáo viên về hưu, ngụ xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM) thừa nhận đi chợ online tiện lợi: “Trong bữa cơm tối nay, con cháu muốn ăn gì vào ngày mai thì trao đổi rồi đặt hàng qua điện thoại hoặc qua facebook là có ngay, không cần phải ra chợ mất thời gian. Hơn nữa những ngày này mưa gió, cảnh tượng nhếch nhác ở chợ ai cũng ngại”.

Không chỉ bán thực phẩm chế biến các bữa ăn thông thường mà ở các tài khoản facebook còn phục vụ các món ăn chơi, là đặc sản của từng vùng miền. Từ cọng hành, củ nghệ, cân cá, kg thịt gà cho đến trái cây, bánh kẹo… xử sở nào cũng có. Thông thường, người ở miền nào chuyên bán đặc sản của miền ấy. Đó cũng là một trong những yếu tố đáng tin cậy đối với khách hàng về nguồn gốc, chất lượng nhưng thực tế không phải địa chỉ nào cũng cung cấp thực phẩm an toàn như lời rao bán. 

Như đề cập ở trên, chỉ biết món hàng là đặc sản của vùng, miền nào đó (theo quảng cáo) nên chẳng mấy ai quan tâm đến nguồn gốc, nguyên liệu, quy trình chế biến món ăn đó có hợp vệ sinh hay không? Chị Hạnh (đường số 4, cư xá Đô Thành, Q.3) kể: “Qua người bạn, tôi mua 1kg cá cơm kho sẵn về để tủ lạnh, khi nào ăn lấy ít ra hâm lại. Ăn cũng gần hết rồi mới phát hiện có con gián to đùng, lẳng lặng đem bỏ sọt rác mà không dám nói với bất kỳ ai trong nhà”. Như bao người khác, chị Hạnh không biết phải kêu ai. Như chị bảo: Bêu riếu trên trang cá nhân thì tội nghiệp bạn, thôi thì im lặng để bạn còn mua bán. Nói trực tiếp với bạn thì chưa có dịp, hơn nữa mình không khéo lắm trong việc lựa lời”.

Với dịch vụ chăm sóc khách hàng tận răng, không phải tốn bất kỳ khoản phụ thu nào khi nhặt rau, cắt gọt củ quả, thậm chí làm sạch, sơ chế thịt, cá khi khách hàng có yêu cầu. Tuy nhiên, bà nội trợ không nên mua thực phẩm qua sơ chế bởi đó là cơ hội để người bán tiêu thụ thực phẩm tồn lâu ngày, không đảm bảo vệ sinh và hơn hết là do bảo quản không đúng cách dẫn đến hao hụt chất dinh dưỡng.

Thực phẩm trôi nổi lên mạng

Chỉ là con gián trong thức ăn chế biến sẵn thì cũng chẳng có gì ghê gớm. Cả nhà anh Nguyễn Trọng Huấn (đường Hồ Bá Kiện, P.13, Q.10) với 5 thành viên phải nhập viện hồi tháng 8-2015 sau khi ăn mứt dừa mà theo anh Huấn là “mua giùm đứa em cùng cơ quan bán hàng qua mạng”. Anh Huấn nhớ lại: Sau bữa cơm, mang mứt dừa ra ăn tráng miệng, uống trà chừng 15 phút sau thấy người choáng, buồn nôn. Nghĩ sức khỏe mình có vấn đề nên nằm nghỉ ngơi nhưng càng thấy khó chịu hơn. Trong khi đó vợ và các con ở nhà bếp cũng có biểu hiện tương tự. Sau khi vào viện, cơ quan chức năng đến nhà tiến hành lấy mẫu kiểm tra và có kết luận: “Mứt dừa nhiễm vi khuẩn gây ngộ độc”.

Chị Nguyễn Thị Thành (P.Bình Trưng Tây, Q.2) bỏ chợ truyền thống gần năm rồi. Bữa cơm cho gia đình chị Thành đều chế biến từ thực phẩm mua qua trang cá nhân mà bạn bè giới thiệu. Mới đây chị đùng đùng nổi giận, tuyên bố không mua hàng ở chỗ lâu nay chính chị cũng cho là an toàn vì tình cờ phát hiện nguồn hàng mà địa chỉ này nhập về không phải nhà trồng ở Đà Lạt như quảng cáo mà là từ chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức. Để minh chứng, chị Thành cho biết thêm: “Cảm giác mình bị lừa, tôi cố tìm hiểu thực hư nên ngày nào cũng “theo dõi” và đúng như vậy. Ăn rau củ quả ngoài chợ lo ngại thuốc trừ sâu, kích thích, thịt cá bên ngoài thì không tránh khỏi hóa chất, kháng sinh nên thà bỏ thêm ít tiền để mua thực phẩm sạch, ai ngờ…”, chị Thành ra vẻ thất vọng.

Bà Huỳnh Thị Sen (P. Tân Quy, Q.7), chủ tài khoản của một trang mạng xã hội đang có hàng trăm lượt khách hàng không ngần ngại chia sẻ: Thực tế rau củ quả được lấy từ nhà vườn Đà Lạt chứ không phải người nhà trồng. Nông dân cam kết miệng với mình là rau sạch, không phun thuốc trừ sâu, không xịt thuốc kích thích nhưng mình đâu có thể ở đó mà quản lý họ. Riêng nguồn thực phẩm gà, vịt giết mỗ sẵn có được kiểm dịch hay không, bà Sen thông tin: “Mình tin tưởng bà con nông dân, có đơn hàng thì báo họ giết mổ sẵn rồi chuyển lên, kiểm dịch hay không thì mình không biết”.

Tuy nhiên không phải trang cá nhân nào cũng “treo đầu dê bán thịt chó”, thực tế có nhiều địa chỉ cung cấp nguồn thực phẩm được người tiêu dùng tin tưởng, qua đó người bán mong muốn được chia sẻ nguồn thực phẩm an toàn đến với mọi người hơn là mục đích kinh doanh.

Bài, ảnh: Trần Anh

Trước thực trạng thực phẩm trôi nổi mà một số người bán trên mạng xã hội “nổ tung trời” là “nhà nuôi, nhà trồng”, các bà nội trợ cần tỉnh táo hơn khi lựa chọn địa chỉ cung cấp thực phẩm để bảo vệ sức khỏe gia đình.

 

Bình luận (0)