Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào từng tiết học

Tạp Chí Giáo Dục

Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) nơi thực hiện rất tốt di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

“Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục cả nước nói chung, TP.HCM nói riêng đã đoàn kết một lòng, đem hết tinh thần và nghị lực vượt qua khó khăn, thử thách để đạt được những thành tựu trong lĩnh vực giáo dục…”, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Tiến Đạt đã phát biểu như vậy tại hội thảo “Ngành giáo dục TP thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” do sở tổ chức ngày 24-11.
Lồng ghép tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoạt động giảng dạy
Trong những năm qua, ngành GD-ĐT TP đã thực hiện tốt các cuộc vận động như “Học tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Hai không”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Thực hiện nếp sống văn minh đô thị”, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, chủ đề tư tưởng “Sống có trách nhiệm”… Các đơn vị tổ chức nhiều hình thức hoạt động phong phú triển khai thực hiện chủ đề tư tưởng năm học gắn với các cuộc vận động đã thu hút được cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh tích cực hưởng ứng.
Chẳng hạn như ở Trường THCS Đức Trí, Q.1 đã biết lồng ghép nội dung sinh hoạt hội đồng sư phạm, sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt dưới sân cờ với việc học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong giáo viên và học sinh. Trong một số tiết dạy như văn, sử, địa, giáo dục công dân, giáo viên đã gắn kết nội dung bài giảng với việc liên hệ tấm gương đạo đức của Bác. Bên cạnh đó, “nhà trường còn phát động phong trào xây dựng “Tủ sách Bác Hồ”, phong trào “Em học tập – luyện rèn theo 5 điều Bác Hồ dạy”, hội thi “Kể chuyện sách về Bác Hồ”, cuộc thi “Diễn hoạt cảnh theo những câu chuyện về Bác”… Từ đó đã giúp học sinh học tập tấm gương đạo đức qua những công việc, lời nói, cử chỉ thường ngày của Bác”, cô Nguyễn Thị Thu Hương (cán bộ Công đoàn trường) cho biết.
Còn ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, “Nhà trường rất coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, giáo viên có phẩm chất đạo đức cách mạng, hoàn thành nhiệm vụ trồng người trong giai đoạn cách mạng mới. Với học sinh, nhà trường vừa chăm lo giáo dục đạo đức, vừa trang bị kiến thức văn hóa và các kỹ năng sống thông qua những giờ học trên lớp, các phong trào văn nghệ – thể dục thể thao, các hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội…”, cô Lệ Hà – Chủ tịch Công đoàn nhà trường nói.
Học cách vượt khó từ Bác
Trong di chúc, Bác đặc biệt quan tâm đến ngành GD bởi: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”, “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Những lời dạy của Bác đã khẳng định vai trò to lớn và tính chất quyết định của GD đối với sự nghiệp phát triển của đất nước. Bác dạy rằng: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, làm cho dân tộc ta trở thành một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập”…
Theo đó, “GD muốn thực hiện tốt vai trò và trọng trách của mình thì phải kiên định đường lối, mục tiêu, phương châm, nguyên lí GD của Đảng. Muốn vậy thì toàn ngành phải đoàn kết và có quyết tâm cao. Cán bộ, đảng viên, giáo viên phải thực sự gương mẫu, là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Bởi khác với những ngành nghề khác, sản phẩm của ngành GD chính là con người”, bà Nguyễn Thị Gái – Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Q.2 cho biết.
Tại hội thảo, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn cũng khẳng định: “Từ những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, về trí tuệ và phẩm chất đạo đức của người thầy, trong công cuộc đổi mới GD, nâng cao chất lượng nền GD nước nhà, ngành GD-ĐT TP không thể không quan tâm đến vấn đề “thầy phải xứng đáng là thầy, thầy phải được lựa chọn cẩn thận vì không phải ai cũng làm thầy được” và càng quán triệt lời dạy của Người rằng: “Các thầy cô phải tìm cách dạy, dạy cái gì, dạy thế nào để trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh. Thầy dạy tốt, trò học tốt” để thiết thực góp phần đào tạo những hiền tài vốn là nguyên khí của mỗi quốc gia… Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong hơn 30 năm qua, ngành GD-ĐT TP đã vượt qua những khó khăn thách thức, luôn đi đầu trong công cuộc đổi mới phát triển giáo dục và đạt được một số kết quả. Chất lượng GD, đặc biệt là GD tiểu học đã làm hài lòng người dân. Đời sống của giáo viên dần được cải thiện, trong đó giáo viên mầm non lần đầu tiên trong cả nước được giải quyết chế độ phụ trội…”.
Tuy nhiên bên cạnh những trường làm tốt, cũng có một số ít trường chưa biết vượt khó để đổi mới chất lượng GD. Theo đó, TS. Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT TP nhấn mạnh: “Chúng ta hãy học tập Bác ý chí vượt khó. Tôi kêu gọi các đơn vị phải biết khắc phục khó khăn để đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học. Các trường hãy chủ động, không nên cứ trông chờ vào cấp trên…”.
 Hòa Triều

Bình luận (0)