Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Di chúc và tình thâm!

Tạp Chí Giáo Dục

Vì tài sản của cha mẹ để lại mà anh em có thể đánh mất tình thâm (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: I.T

“Tôi khẳng định trước tòa tờ di chúc này được bà cụ viết trong tình trạng không minh mẫn. Vì vậy, về pháp lý nó không hợp lệ!”. Vừa nói, ông Võ Văn S. (quận 8, TP.HCM) vừa xuất trình tập hồ sơ bệnh án, giấy nhập – xuất viện của mẹ ông trong khoảng thời gian được xem là trùng với thời gian bà cụ lập di chúc. Nhưng lý lẽ của ông S. không được HĐXX chấp thuận.
Treo… di chúc!
Trong số 9 anh chị em, chỉ có ông S. biết rõ mẹ ông – bà Chín đã lập di chúc trao lại quyền thừa kế tài sản cho con cháu và tờ di chúc này, ông S. đã giữ nó trong suốt… mười mấy năm trời kể từ ngày bà Chín mất.
Sở dĩ ông S. không công bố tờ di chúc là bởi phần thừa kế tài sản – ngôi nhà đóng tại phường 5, quận 8 – do bố mẹ để lại (giá trị hàng tỷ đồng) chỉ thuộc về chị Võ Thị Kim L. – người con gái út. Không đồng tình và luôn cho rằng có sự khuất tất nào đó trong bản di chúc, hơn 10 năm qua, ông S. vẫn giữ thái độ hằn học và không quên tính toán, tìm mọi cách để chiếm đoạt ngôi nhà nói trên. Mới đây, ông S. bàn với những anh em còn lại về quyết định bán ngôi nhà để… chia đều thì sự việc vỡ lở, tờ di chúc mới lộ diện.
Trải qua nhiều phiên kiện tụng, cả ông S. và những thành viên còn lại trong gia đình đều khẳng định tờ di chúc không có hiệu lực pháp lý bởi nó do một người mẹ đã 67 tuổi, nhiều bệnh tật lập nên. Nghe tin, chị L. tuy không quá ngạc nhiên bởi chị biết, bà Chín tin rằng chỉ có chị mới giữ được ngôi nhà dùng để thờ cúng tổ tiên này. Đây cũng là ý nguyện của người mẹ quá cố đối với ngôi nhà nhiều kỷ niệm.
Không đòi được nhà, quay ra… kể công
Ngày 7-9, TAND TP.HCM đã mở phiên phúc thẩm xử vụ tranh chấp tài sản thừa kế giữa ông S., chị L. và những người có liên quan. Tại phiên tòa này, luật sư của ông S. cho rằng: “Việc một người lập di chúc trao quyền thừa kế cho con cháu trong tình trạng tuổi cao, bệnh tật thì chuyện giám định sự tỉnh táo, minh mẫn là cần thiết”. Thế nhưng, HĐXX nhanh chóng bác bỏ lập luận của luật sư vì “cũng không có biên bản nào chứng minh bà Chín lập di chúc trong tình trạng không minh mẫn”.
Như nhận ra sự vô cớ và không chắc phần thắng thuộc về mình, ông S. quay sang… kể công: “Là con trai trong nhà, tôi đã nhiều lần dành dụm, vay mượn để sửa chữa ngôi nhà từ hồi bố mẹ còn sống”. Ông S. cho hay, để có được sự khang trang như hiện nay, không thể không nhắc đến công lao to lớn của ông trong việc tu bổ lại ngôi nhà. Thậm chí chiếc Vespa quý giá, năm… 1987 ông cũng mang bán đi để lo chỗ ở cho bố mẹ được đàng hoàng. Lắng nghe lời ông S., những người còn lại cũng… tranh thủ nhớ lại các khoản đóng góp của mình. Người thì nhắc việc thay cánh cửa, sửa sang trần nhà, kẻ lại… ngỡ ngàng không tin vào sự thật khi chính mình đã túc trực, chăm sóc mẹ già trong suốt thời gian bà Chín bệnh tật phải nằm viện. Phiên tòa như một buổi báo cáo công trạng của con cái đối với gia đình. Khi được HĐXX hỏi có đồng ý “bồi thường” cho những khoản đóng góp của các anh chị từ lúc ngôi nhà còn là một chốn dừng chân xập xệ, chị L. ngán ngẩm thở dài. Bản thân chị L. không hề biết và cũng không tính toán được những con số mà các anh chị mình đưa ra để sửa chữa ngôi nhà là có thật và chính xác hay không? Bản thân chị L. từ nhỏ không đóng góp gì nhiều cho gia đình bởi cuộc sống của chị còn quá khó khăn. Chị chỉ có thể làm một người con hiếu thảo quan tâm, chăm lo đến từng miếng ăn, giấc ngủ của bố mẹ. Con số hàng trăm triệu đồng “bồi thường” cho các anh chị, chị L. không biết xoay xở đâu ra. Nhưng để giữ được ngôi nhà làm tài sản chung của họ tộc như ý nguyện của người mẹ quá cố, chị L. cho biết sẽ cố gắng làm lụng, dành dụm để trả cho xong những món nợ… trên trời. Mặc dù vậy, chị vẫn tỏ rõ sự thất vọng khi tình cảm của 9 anh chị em gắn bó suốt mấy mươi năm, chỉ trong sớm chiều đã được mang ra quy đổi thành vật chất!
Phiên tòa kết thúc, họ chia thành… hai phe để ra về. Tôi không biết giữa họ, rồi đây hai chữ “tình thâm” có còn ở lại?
Tuyết Dân

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)