Bài 1: Sang Tây… dạy học!
Ngày nay, các thầy giáo xứ ta sang Tây “gõ đầu trẻ” không còn là chuyện hiếm. Không chỉ dạy bằng tiếng “ta”, họ còn dạy bằng tiếng Tây. Với họ, được dạy ở xứ người là một niềm vui, sự khám phá về môi trường giáo dục ở tận trời Tây.
Ta sang Tây, tuy xa mà gần!
Nhiều trường đại học ở Pháp xa xôi hóa ra lại gần gũi, thân quen với nhiều giáo viên (GV) chúng ta. Tại Trường ĐH Paris 7, Việt Nam học là một ban trong Khoa Phương Đông của trường. Việt Nam là nước duy nhất trong khu vực Đông Nam Á và là một trong bốn nước cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc được giảng dạy tại trường ĐH này. Ban chủ nhiệm (BCN) Ban Việt Nam học là những người gốc Việt hoặc người Pháp nhưng rất hiểu về Việt Nam và nói tiếng Việt như người Việt. SV của ban này cũng vậy, có cả SV người Thái Lan, người gốc Việt nhưng chủ yếu là người Pháp. Điểm chung là họ rất quan tâm đến đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. Trong chương trình đào tạo, BCN Ban Việt Nam học lần lượt mời các GV Việt Nam từ nhiều vùng, miền, nhiều trường khác nhau sang dạy cho sinh viên (SV) của họ với mục đích tạo điều kiện cho SV của họ tiếp xúc trực tiếp với nhiều nguồn văn hóa, ngôn ngữ địa phương Việt Nam. Thầy Đào Ngọc Chương – Khoa Văn học và Ngôn ngữ ĐHKHXH-NV TP.HCM, người sang giảng dạy tại ĐH Paris 7 vào năm 2005 cho biết “Trước tôi, có rất nhiều đồng nghiệp sang dạy ở Pháp. Tôi sang dạy tiếng Việt, văn chương Việt Nam hiện đại cho SV”. Thầy Tào Văn Ân – Khoa Ngoại ngữ ĐH Mở TP.HCM nhận được lời mời từ Trường ĐH Paris 7 thông qua sự giới thiệu của những đồng nghiệp từng giảng dạy tại đây. Những GV Việt Nam, dù là đang công tác ở miền Bắc, miền Trung hay miền Nam nhưng khi sang giảng dạy tại ĐH Paris 7 luôn tìm thấy sự gần gũi, thân thiện. Vì vậy, khi sang trường bạn giảng dạy, nhiều GV xứ ta phải “tự lực cánh sinh”, từ việc thuê nhà, đi lại, ăn uống… nhưng họ không gặp nhiều khó khăn, thậm chí là nhiều thuận lợi. Bởi, hầu hết những GV này đều thành thạo tiếng Pháp, đồng nghiệp phía trường bạn rất giỏi tiếng Việt. Ngoài ra, khi giao tiếp với SV cũng bằng tiếng Việt. Đặc biệt, đây là khu vực có nhiều người gốc Việt sống nên các GV xứ ta không… cô đơn, lẻ loi! Ngoài giờ dạy, họ có thể đi thăm viếng người thân quen đang định cư ở đây hoặc được SV đưa đi tham quan nhiều nơi. Không chỉ các GV dạy các môn liên quan đến tiếng Việt, văn hóa Việt, sử dụng tiếng Việt, ngay cả GV người Việt sang dạy những môn về kinh tế, kỹ thuật… sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Pháp, làm việc với đồng nghiệp, SV không chỉ là người Pháp nhưng cũng không gặp khó khăn gì. GS.TS Hồ Đức Hùng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển – Trường ĐH Kinh tế TP.HCM – người đã và đang dạy tại ĐH Toulouse 1 (Pháp) từ năm 2004 đến nay cho biết: “Trường tôi dạy là trường quốc tế nên SV đến từ khắp nơi, đồng nghiệp cũng vậy. Ngôn ngữ chung là tiếng Pháp. Tôi dạy môn marketing. Đối với môn học này mình phải cập nhật và nghiên cứu thông tin có liên quan đến nhiều nước trên thế giới. Thông qua những tài liệu đã có mình có thể lấy ví dụ minh họa ở bất cứ quốc gia nào. Ngoài ra, việc ăn ở của tôi thì trường lo hết rồi, tôi chỉ việc giảng dạy thôi”.
Thầy Hồ Đức Hùng đang giảng dạy tại ĐH Toulouse 1 (ảnh do nhân vật cung cấp) |
Học… như chơi!
Nhận xét về môi trường giáo dục, hầu hết các GV đã từng giảng dạy tại Pháp đều cho rằng thái độ, tinh thần, phương pháp học tập của SV chủ động, sáng tạo hơn ở ta. Thầy Chương cho biết “Tôi thấy họ học rất tự do, thoải mái, chủ động. Hơn nữa, nhà trường luôn khuyến khích SV đi tìm hiểu thực tế. Một SV đang học có thể sang Việt Nam vài tháng về học tiếp”. Nói đến SV “Tây”, GV chúng ta phải thừa nhận tính phản biện, tranh luận của họ. Họ tôn trọng GV của mình nhưng họ luôn nghi ngờ những gì GV của mình đã dạy. Khi có gì khúc mắc, họ tranh luận rất thẳng thắn với GV của họ. Thầy Hùng cho biết “SV Pháp không bao giờ tin 100% những gì GV dạy cho họ. Khi chưa hiểu, họ tranh luận rất thẳng thắn với người dạy. Họ học tập rất chủ động, thái độ tự tin, sáng tạo hơn SV Việt Nam mình nhiều. Họ học nhẹ nhàng lắm, cứ như vừa học vừa chơi”. Thầy Ân cũng nhận thấy ở SV Pháp những tố chất thú vị “SV Pháp luôn có nhu cầu muốn khám phá, muốn hiểu biết, muốn làm rõ. Khi có gì chưa hiểu, chưa đồng ý, họ sẵn sàng tranh luận và đưa ra kiến giải với GV”. Tính nghiêm túc trong học hành, thi cử cũng là điều mà các GV nước ta từng giảng dạy ở Pháp thừa nhận. Thầy Ân cho biết “Họ học hành, ăn mặc trông rất thoải mái. GV vào lớp họ không đứng lên chào như ở mình, đó là văn hóa của họ. Tuy nhiên, họ học hành, thi cử nghiêm túc lắm”. Tùy theo văn hóa mà mỗi quốc gia, dân tộc, mỗi châu lục có quan niệm và cách thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo khác nhau. Thầy Hùng cho hay “SV Pháp coi người thầy không quá lớn lao, mẫu mực. Họ coi người thầy như người anh, người bạn. Họ tôn trọng người thầy nhưng không tôn sùng người thầy như ở nước mình. Các GV Pháp sang Việt Nam giảng dạy rất ngạc nhiên và xúc động bởi tinh thần tôn sư trọng đạo của SV Việt Nam”. Ngoài sự tự tin, thái độ nghiêm túc, chăm chỉ trong học tập, SV Pháp rất trung thực, tự trọng. Thầy Hùng nói “SV Pháp trung thực, tự trọng vô cùng. Họ rất tôn trọng danh dự, phẩm giá của họ. Vào phòng thi, không làm bài được họ ngồi cắn bút chứ không quay cóp, không hỏi ai. Tôi đã từng chứng kiến trường hợp SV người Việt mình ngỏ ý giúp đỡ khi họ không làm bài được, lập tức bị họ phản đối. Vì như vậy họ cảm thấy bị xúc phạm. Phòng thi ở Pháp không có GV gác thi. Hết giờ SV tự nộp bài và ký tên. Tôi ước gì SV chúng ta cũng có thái độ học tập như vậy”.
Công Việt
Bình luận (0)