Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Di dời các cơ sở giết mổ: Doanh nghiệp thua hàng rong

Tạp Chí Giáo Dục

Doanh nghiệp giết mổ sạch đuối sức vì không cạnh tranh nổi với sản phẩm tạm bợ, thủ công.
Ông Nguyễn Phước Trung, Phó giám đốc Sở NN-PTNT TP HCM, cho rằng, việc di dời các cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm ra khỏi thành phố được tính toán đến nhiều yếu tố có lợi cho doanh nghiệp khi đến những nơi mới. Chẳng hạn như gần nguồn nguyên liệu, hưởng mức giá thu mua nguyên liệu gốc từ tay nông dân, đội ngũ nhân công giá rẻ…
Nhưng Giám đốc công ty TNHH Phú An Sinh Phạm Văn Minh, bày tỏ: “Nếu được phép làm lại, tôi sẽ xin thành phố được giết mổ ngay tại thành phố hoặc được bán thủ công như trước đây…”. Ông Minh thừa nhận, việc doanh nghiệp quyết định đầu tư cơ sở giết mổ ở vùng nguyên liệu là đúng, vì trước đây, khi nhu cầu của thị trường lớn, Phú An Sinh đã rơi vào tình trạng quá tải. Khi di dời, ông Minh dự đoán chỉ sau 3 – 5 năm là thu hồi vốn. Bởi doanh nghiệp này tin khi nhà máy xong cũng là lúc các lò giết mổ thủ công trong thành phố sẽ ngưng họat động.

Nhiều doanh nghiệp giết mổ sạch đang đuối sức. Ảnh: Nguyễn Hữu.

Tuy nhiên, đến nay, các lò giết mổ vẫn hoạt động bình thường, trong khi mới chỉ lác đác một số doanh nghiệp đầu tư cơ sở giết mổ ở địa phương. Như nhà máy giết mổ gia cầm của Huỳnh Gia Huynh Đệ ở Đồng Tháp và cách đây chưa đầy chục ngày là Cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Vissan tại tỉnh Long An của Công ty Vissan… Nhưng theo đánh giá của một số doanh nghiệp trong ngành này thì hầu hết những cơ sở đã hoạt động ở địa phương đều… “vỡ mộng”, vì những lợi thế họ được chưa thấy đâu mà mất chi phí, khách hàng, thị trường…
Một doanh nghiệp chế biến bức xúc, quy định giết mổ và buôn bán thực phẩm an toàn có nhiều năm nay, nhưng vào bất cứ một chợ nội hay ngoại thành cũng đầy rẫy những sạp bán thịt heo hay gà, vịt… với hàng loạt cái không (không bao bì, nhãn mác…) và không ngớt người mua, trong khi những thùng lạnh giữ thịt sạch của các doanh nghiệp tỏ ra rất kén khách. Doanh nghiệp làm sai quy trình thì cơ quan thú y xử ngay lập tức, trong khi hộ giết mổ tại chợ thì chẳng ai hỏi han. “Một bộ lòng gà vịt mổ bán ngay tại chợ TP HCM được 4.000 đồng, nhưng nếu làm sạch, đóng gói… mang về thành phố doanh nghiệp chỉ bán được 2.500 – 3.000 đồng. Chúng tôi thua từ cái nhỏ nhất…”, vị này so sánh.
Thực tế này, lãnh đạo Sở NN&PTNT TP HCM cho rằng, theo quy hoạch cũ thì việc di dời các cơ sở giết mổ ra khỏi nội thành phải hoàn tất trong năm 2010. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, thành phố đã quyết định dời thời gian di dời này đến năm 2015. Phó giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Phước Trung cũng thừa nhận, những vi phạm về giết mổ gia súc, gia cầm do thói quen phổ biến, ngành thú y liên tục kiểm tra, giám sát tại các điểm trái phép nhưng không thể dẹp bỏ hoàn toàn được. Ông khẳng định, hiện nhu cầu tiêu thụ trung bình ở TP HCM mỗi ngày khoảng 100.000 gia súc, gia cầm, tuy nhiên công suất của các doanh nghiệp tại TP HCM chỉ đáp ứng khoảng 50%, còn lại phải huy động từ các doanh nghiệp các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Long An… Song, không kể doanh nghiệp trong hay ngoài thành phố, những quy định về tiêu chuẩn giết mổ và kinh doanh các sản phẩm gia súc, gia cầm theo quy hoạch vẫn giữ nguyên và bất cứ doanh nghiệp hay cơ sở nào cũng phải thực hiện.
Đăng Thư  (Đất Việt)

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)