Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Di dời các trường ĐH, CĐ chậm trễ do đâu?: Bài 2: Quy hoạch… cho cỏ mọc

Tạp Chí Giáo Dục

Việc ra đời những khu quy hoạch ĐH được kỳ vọng sẽ trở thành nơi đào tạo ĐH hiện đại ngang tầm khu vực Đông Nam Á nhưng sau gần 10 năm cấp phép đa số bị bỏ hoang… cho cỏ mọc.

Ngày ngày bà Lâm Thị Mộng Loan (phường Long Phước, quận 9) lùa bò vào “Làng giáo dục ĐH” để bò có cỏ ăn, còn gia đình bà thì có cơm ăn. Ảnh: Q.Huy

Tất cả vẫn ở trên giấy

Khu đô thị (KĐT) Tây Bắc (tại hai huyện Hóc Môn và Củ Chi) có diện tích hơn 9.000ha với sức chứa 320.000 dân, không chỉ giúp TP.HCM giãn dân mà còn là một cực tăng trưởng mạnh. Trong khu này có dự án “KĐT ĐH Quốc tế Việt Nam”. Đây là dự án được UBND TP cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2008 cho Tập đoàn Berjaya với tổng vốn đầu tư lên đến 3,5 tỷ đô la. Theo thiết kế, Berjaya sẽ dành hơn 100ha tại xã Tân Thới Nhì (huyện Hóc Môn) để phát triển thành một trung tâm đào tạo ĐH hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á. Có khoảng 10 trường ĐH, CĐ được di dời và xây dựng mới tại đây gồm ĐH Y dược TP (10ha), ĐH Mở TP (20ha), ĐH Công nghiệp TP (50ha), CĐ Sư phạm Trung ương TP (6ha), CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP (10ha)… Ngoài ra KĐT sẽ có thêm 20 trường ở các bậc học mầm non, tiểu học, THCS và THPT. Tuy nhiên, sau gần 10 năm cấp phép, đến nay dự án vẫn là bãi đất hoang.

Hay như tại quận 9, bà Đặng Thị Hồng Liên – Bí thư Quận ủy cho biết, về quy hoạch quận có gần 200ha đất tại phường Long Phước để xây Làng giáo dục ĐH. Trong đó, khu số 1 rộng 50ha là Trường ĐH Kinh tế TP; khu số 2 rộng 5ha sẽ xây dựng Học viện Cán bộ TP; khu số 3 rộng 29,66ha dành cho trường ĐH Luật TP; khu số 4 rộng 13,69ha là Trường ĐH Nguyễn Tất Thành; khu số 5 rộng 19,51ha xây dựng Trường ĐH Tài chính Marketing; khu số 6 rộng 16,48ha của Trường CĐ Tài chính Hải quan. Ngoài ra, làng này còn dành hơn 17ha làm ký túc xá, nhà công vụ, trung tâm thương mại dịch vụ… Đến nay chỉ có Trường ĐH Luật TP đang lập hồ sơ triển khai dự án, còn các trường khác vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

“UBND quận 9 đã kiến nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành rà soát nhu cầu và quy mô đầu tư để có sự điều chỉnh phù hợp nhằm đảm bảo tính khả thi của dự án; đồng thời đảm bảo cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án nêu trên”, bà Đặng Thị Hồng Liên cho hay.

Người dân “lãnh” đủ

Người dân xã Tân Thới Nhì, Hóc Môn phải sống trong những căn nhà tồi tàn vì nằm trong dự án “Khu đô thị ĐH Quốc tế Việt Nam”. Ảnh: Q.Huy

Gia đình ông Nguyễn Văn Bánh (61 tuổi, ngụ ấp Nhị Tân 2, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn) là một trong những hộ dân nằm trong Dự án KĐT ĐH Quốc tế Việt Nam. Gia đình ông sở hữu hơn 5ha đất tại đây. Và số đất này là nơi gia đình ông trồng trọt, chăn nuôi. Nhưng từ năm 2008 khi Dự án đô thị ĐH Quốc tế Việt Nam được phê duyệt, gia đình ông còn không được canh tác trên mảnh đất này nữa mà đành phải bỏ hoang cho cỏ dại mọc um tùm. Việc dự án bị treo không chỉ gây khó khăn cho người dân trong sản xuất mà cơ sở hạ tầng như đường, trường, trạm nằm trong dự án cũng bị xuống cấp vì không được đầu tư.

Cũng như những người dân ở đây, ông Bánh chỉ mong dự án nhanh chóng khởi động lại, rồi tiến hành đền bù cho dân chuyển đi chỗ khác sinh sống, làm ăn. “TP cần nhanh chóng vào cuộc, nếu dự án vẫn tiếp tục triển khai bà con chúng tôi sẵn sàng di dời, còn không thì đầu tư lại hạ tầng và cho dân trồng cấy… Còn như bây giờ khổ lắm, tội nhất là bọn trẻ – chỗ ăn, chỗ học không đâu vào đâu hết”, ông Bánh bức xúc.

Bà Lâm Thị Mộng Loan (63 tuổi, khu phố Phước Hậu, phường Long Phước, quận 9) cũng cho biết, từ khi có quy hoạch Làng giáo dục ĐH, các cấp chính quyền đã 3 lần đối thoại với các hộ dân nằm trong diện phải di dời, giải tỏa nhưng đều không thống nhất được giá đền bù. Do mức đền bù trên đất thổ cư là 4,5 triệu đồng/m2, còn đất nông nghiệp trồng cây lâu năm là 1,2 triệu đồng/m2. Bất cập ở chỗ, bà con có sổ hồng hết nhưng không được đền bù một mức giá mà lại chia ra làm 3 mức giá khác nhau, rẻ nhất là 2,5 triệu đồng/m2. Trong khi đó giá của khu tái định cư (thuộc phường Long Bửu và bên Khu Công nghệ cao, quận 9) có giá 6,5 triệu đồng/m2. “Giá đền bù và giá tái định cư chênh lệch như vậy làm sao chúng tôi di dời được”, bà Loan nói.

Bà Loan cho biết thêm: “Từ khi có khu quy hoạch, bà con chúng tôi ai cũng mừng rồi đây sẽ thoát khỏi cảnh sống tạm bợ, có cơ hội đổi đời. Dân bất động sản tìm tới hỏi mua lại đất với mức từ 10-15 triệu đồng/m2 đất thổ cư và 5-7 triệu đồng/m2 đất nông nghiệp. Nhiều người bán ngay và cũng được chính quyền hoàn tất thủ tục. Còn tôi và một số hộ dân khác do gia đình đông con, diện tích đất thổ cư dao động từ 50m2 đến 200m2, còn lại là đất nông nghiệp nếu bán chia cho mỗi đứa con một chút cũng hết mà lại sợ không thể mua được chỗ khác nên ráng đợi Nhà nước bồi thường. Nhưng chúng tôi đã đợi từ năm này qua năm khác mà vẫn không thấy gì…”.

Lùa mấy con bò tiến sâu vào khu đất quy hoạch xây Trường ĐH Luật TP, bà Loan than thở: “Phía ngoài là đất của các dân, còn phía trong này là đất của trường giáo huấn, hiện đã di dời về Bố Lá (Bình Dương). Trước còn có nhân viên trông coi, nay họ trả lại cho quận và TP nên khu này gần như bỏ hoang, đất ngoài kia không được sản xuất, trồng cây. May mà còn khu này để chúng tôi thả trâu, bò, chứ không chẳng biết sống bằng cái gì…”.

Theo nhiều hộ dân ở đây thì cách đây khoảng 3 tháng, Ban quản lý dự án đã cử người đàm phán với dân và cho biết mức hỗ trợ tăng lên 6 triệu đồng/m2. Theo đó bà con đã đồng ý ngay. Tuy nhiên, khi bà con hỏi đất khu tái định cư bây giờ bao nhiêu thì được biết đã đội lên khoảng 8 triệu đồng/m2. “Tôi cũng như các hộ dân khác chỉ mong sao tiền đền bù bằng giá tái định cư. Cứ giằng co hai bên thế này, bà con không thể ổn định để sinh sống nữa”, bà Loan nói.

Lê Quang Huy

Bình luận (0)