Trên giấy tờ thì trường nào cũng có diện tích đất hàng chục hécta để xây dựng cơ sở vật chất. Tuy nhiên, muốn đặt viên gạch đầu tiên xuống, các trường phải tự thỏa thuận giá đền bù với người dân; cũng có trường hợp thành phố giao cho một đối tác khác, sau đó các trường và đối tác này thỏa thuận với nhau… Tuy nhiên với cơ chế 2 giá đất như hiện nay (giá Nhà nước quy định và giá thị trường) việc đền bù không hề dễ. Đó cũng là lý do gần 10 năm rồi mà chưa có một trường ĐH, CĐ nào di dời ra ngoại thành như quy hoạch…
10 hộ dân trong dự án xây Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) không chịu di dời nên dự án đành nằm trên giấy. Ảnh: Q.Huy |
Tiền đâu mua đất xây trường?
Đây là câu hỏi mà rất nhiều đời hiệu trưởng của không ít trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố đặt ra với ban giám hiệu nhà trường.
Đơn cử như Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng – 7 năm theo đuổi dự án xin đất xây trường, tích lũy từ các nguồn được khoảng 200 tỷ đồng, thầy và trò đang hi vọng sẽ có một ngôi trường khang trang, hiện đại. Nhưng hi vọng bao nhiêu thì thất vọng bấy nhiêu, vì nguồn tiền này dùng để mua đất còn không đủ nói chi đến xây trường.
TS. Lê Xuân Lâm – Phó Hiệu trưởng nhà trường – cho biết, năm 2011, trường xây dựng đề án và xin được cấp đất tại khu quy hoạch Tây Bắc. Lúc đầu có tín hiệu phản hồi tích cực nhưng sau đó thì đi vào quên lãng. Do vậy đến tháng 6-2014, nhà trường tiếp tục xin TP bố trí đất tại khu ĐH tập trung (xã Long Thới, huyện Nhà Bè – quy mô khoảng 100ha/cho 10 trường ĐH và CĐ). May mắn là TP đồng ý và bố trí cho trường 10ha đất tại đây. Sau đó, TP giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất làm chủ đầu tư nhưng trung tâm này lại tiếp tục giao cho một đơn vị khác để đầu tư cơ sở hạ tầng, rồi sau đó mới chuyển giao cho trường. Tuy nhiên, sau một thời gian đợi chờ… gần như tất cả 10 trường đều rút lui. Trung tâm lại tiếp tục bàn giao cho Ban quản lý Khu Nam, lúc này Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng xin rút xuống còn 5ha và có 5 trường khác cũng liên hệ lại. Đến đầu tháng 1-2017, Ban quản lý Khu Nam mời trường tới họp và cho biết Công ty Đông Mê Kông được TP giao cho đầu tư hạ tầng khu này với mức giá 70 tỷ đồng/1ha đất.
“Nhà trường “chới với” với mức giá này, nguồn tiền tích lũy được không đủ mua 5ha đất nói gì đến xây trường”, TS. Lâm tâm tư.
Còn Trường ĐH Tài chính Marketing, năm 2013, lúc đó Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân ký Thông báo số 675/TB-VP đồng ý cho phép trường được dời về khu đất 40ha (xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) thuộc dự án của Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng làm chủ đầu tư. Sau một thời gian dài đàm phán với công ty này, trường đành chào thua vì không thống nhất được giá đất.
TS. Hoàng Đức Long – Hiệu trưởng nhà trường – khẳng định: “Trường ĐH Tài chính Marketing là một trong số ít các trường tự chủ tài chính của cả nước. Sinh viên đông, học phí tăng nhưng nếu chỉ trông ở nguồn thu học phí thì 100 năm tới cũng không đủ kinh phí để mua đất xây trường”.
TS. Trần Quang Nam – Hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ và Tin học TP – cũng cho biết, việc “phân biệt” giữa trường công lập và trường dân lập vẫn còn nên việc các trường dân lập đợi chờ để được TP cấp đất còn dài dài. TP cần xem xét lại thuế thu nhập cho các trường dân lập vì những trường này đều ít nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Các trường dân lập rất cần vốn tích lũy. Có nguồn vốn này cùng với các nguồn huy động khác thì may ra các trường mới có cơ hội thuê hoặc mua đất để xây trường. Điều này giúp tránh được những dự án không được triển khai làm ảnh hưởng tới chính quyền và người dân.
Không nên để các trường “tự bơi”
Đầu tháng 3 vừa qua, đoàn công tác của Thành ủy TP.HCM do Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng dẫn đầu đã có buổi làm việc với Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Tại đây, PGS.TS Ngô Minh Xuân – Hiệu trưởng nhà trường – tâm tư: “Cụm dự án trường – viện của ngành y tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh có tổng diện tích trên 71ha đất. Riêng dự án xây cơ sở 2 (của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) có diện tích khoảng 21ha đã được TP duyệt và công khai cho các hộ dân nằm trong diện phải di dời. Tuy nhiên, sau nhiều năm đến nay vẫn còn một số hộ dân không chấp nhận mức đền bù nên nhất quyết không chịu di dời. Cứ thế này thì chúng tôi sợ rằng không thể triển khai xây dựng trường được vì trượt giá”.
Bất ngờ trước việc này, Bí thư Thành ủy đã chất vấn ông Trần Phú Lữ (Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh). Theo đó, ông Lữ khẳng định với Bí thư Thành ủy là: “Cuối tháng 3, huyện sẽ giải tỏa xong 10 hộ dân không chịu di dời để bàn giao mặt bằng cho trường”.
Ngày 7-4, chúng tôi đã đến huyện Bình Chánh để xem thực hư “lời hứa chắc như đinh đóng cột” của ông Chủ tịch UBND huyện này. Lúc này ông Trần Phú Lữ vừa kết thúc cuộc họp với lãnh đạo xã Tân Kiên, ông Lữ nói: “Sau cuộc họp với đồng chí Bí thư Thành ủy, lãnh đạo huyện đã cố gắng thuyết phục, vận động 10 hộ dân tại đây chấp thuận nhận đền bù để bàn giao 10/21ha đất còn lại cho dự án. Nhưng họ nhất quyết không chấp thuận và tiếp tục khiếu kiện lên thanh tra và tòa án. Chúng tôi xác định làm việc này phải thận trọng, tiếp tục có văn bản kiến nghị UBND TP có kết luận cuối cùng, sau đó mới cưỡng chế 10 hộ dân này”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP – cho rằng: “Dự án đã được duyệt, triển khai, công khai cho các hộ dân cũng như giải quyết cho dân và ban hành quyết định cưỡng chế. Vậy không lý do gì mà không thu hồi được đất của 10 hộ dân này”.
PGS.TS Nguyễn Văn Phúc – Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP cho rằng: “Nhằm giúp các trường thuận lợi trong di dời ra ngoại thành, theo tôi phải cởi được “nút thắt” khó khăn nhất hiện nay là thủ tục đăng ký rườm rà, phức tạp. Không chỉ có vậy, đưa ra chủ trương cấp đất cho trường rồi để trường tự lo là không thể được. Các thầy giáo không thể là những nhà “thương thuyết” chuyên nghiệp để thực hiện đền bù giải tỏa cho dân mà phải có một cơ quan chuyên trách cùng phối hợp để làm chuyện này. Các sở ngành, quận huyện phải hỗ trợ về hồ sơ, thủ tục… Còn cứ để các trường “tự bơi” thì sẽ không bao giờ có thể làm được”.
Lê Quang Huy
Bình luận (0)