Từ thực tế tại các khu ĐH, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ chỉ đạo các sở, ngành rà soát lại, nếu dự án nào giao đất đã lâu nhưng chưa thực hiện thì sẽ thu hồi theo quy định. Vì dự án càng “treo” lâu thì đời sống người dân càng khó khăn cũng như ảnh hưởng đến hoạt động của các trường ĐH, CĐ.
Nếu không di dời ra ngoại thành làm sao Trường ĐH Tôn Đức Thắng có được cơ sở khang trang – hiện đại như bây giờ. Ảnh: Q.Huy |
Giá đất có thể giảm?
Ông Hà Phước Thắng – Trưởng ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Khu đô thị mới Nam TP – cho biết: Ban được TP giao quản lý và giao đất cho các trường. Theo đó trong những năm vừa qua ban đã giao đất cho 3 trường gồm: Trường ĐH Tôn Đức Thắng (giao 25ha) – hiện đã triển khai xây dựng 15ha, diện tích còn lại đang làm đồ án 1/500 để triển khai tiếp); Trường ĐH Kinh tế TP (giao 11,2ha) – đã bồi thường được 50%, phấn đấu đến cuối năm 2017 sẽ bồi thường hết phần diện tích còn lại, sau đó triển khai xây dựng giai đoạn 1 trước hai giảng đường và một khu hành chính trên diện tích 2ha); Trường ĐH Cảnh sát (giao 17ha) – khu này còn vướng 9 hộ chưa chấp thuận mức giá đền bù. Mặc dù vậy Trường ĐH Cảnh sát cũng đã xây dựng được các khu KTX. Ngoài ra, ban sẽ tiếp tục giao đất cho 4 trường khác – dự kiến bố trí khoảng 60ha vào hai khu số 12 và số 20 (như ĐH Sài Gòn là 18ha…).
Liên quan tới dự án của Trường CĐKT Cao Thắng (Tại bài 3 của loạt bài này (đăng số 1.906 ra ngày 14-4-2017), chúng tôi đã phản ánh việc nhà trường “chới với” vì mức giá 70 tỷ đồng/1 ha đất. Với mức giá đắt đỏ này nhà trường không có đủ tiền để mua đất chứ đừng nói đến việc xây dựng cơ sở vật chất khang trang, hiện đại – PV), ông Thắng giải thích: Mức giá có độ “vênh” là do vì tổng diện tích của khu quy hoạch này trên 100ha nằm biệt lập và chỉ có một con đường chạy vào (đường Tạ Quang Bửu, quận 8). Do đó, muốn khai thác khu này thì phải làm 4 cây cầu và đoạn đường kết nối với đường Huỳnh Tiên – Tạ Quang Bửu – Nguyễn Văn Linh. Theo tính toán, công tác bồi thường và làm hạ tầng hết khoảng 4.000 tỷ đồng. Ban không thể giao mặt bằng không cho các trường tự xoay trở được. Khi Công ty Đông Mê Công trúng thầu làm đường Huỳnh Tiên, họ đề nghị làm thêm một con đường mới kết nối với đường Huỳnh Tiên vì vậy giá hạ tầng đã tăng lên. Trước đề xuất của các trường, ban sẽ làm việc với Sở GTVT TP để thống nhất có cần phải làm con đường kết nối với đường Huỳnh Tiên hay không, nếu không làm đường này thì giá đất mà các trường phải trả sẽ giảm xuống.
Sẽ điều chỉnh lại quy hoạch
Xung quanh những bất cập của các dự án Làng giáo dục ĐH quận 9, ông Nguyễn Thanh Nhã – Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP – cho biết: Nguyên nhân khiến các trường ĐH, CĐ chậm di dời là do khi di dời bắt buộc các trường phải có nguồn lực. Nhưng trên thực tế đa số các trường đang gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa cũng chưa được TP triển khai hết…
“Theo đó, UBND TP đã giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc và UBND quận 9 tổng rà soát cũng như đưa ra phương án khả thi hơn từ nhu cầu đến quy mô, diện tích đất mà các trường ĐH, CĐ cần sử dụng. Nếu có bất cập, sẽ điều chỉnh lại quy hoạch cho khả thi. Dự kiến trong quý 2 này chúng tôi sẽ có kết quả báo cáo UBND TP quyết định”, ông Nhã nói.
Các trường đừng cố “bám trụ” trung tâm “TP đề nghị các trường sử dụng hình thức BT (đầu tư – chuyển giao) để các nhà đầu tư góp vốn xây dựng trường mới và chuyển đổi mục đích sử dụng đất cơ sở đào tạo cũ; tuy nhiên các trường vẫn viện nhiều lý do không chịu di dời. Tựu trung là vì trường nào cũng muốn có cơ sở chính tại trung tâm nhằm tạo “thương hiệu” và thuận lợi hơn trong công tác tuyển sinh, còn nếu di dời về các khu quy hoạch thì sẽ khó tuyển sinh. Việc các trường vừa muốn giữ đất ở trung tâm vừa muốn có cơ sở mới khang trang sẽ không bao giờ làm được. Tôi kêu gọi các trường đừng cố gắng “bám trụ” lại trung tâm, về lâu dài sẽ không có hiệu quả. TP đã chuẩn bị quỹ đất, trường nào không ra nhanh (trong khi quỹ đất ở nội thành không có, chỉ giữ ở mức như hiện hữu) đến lúc muốn ra thì hết đất. Lúc đó các trường đó sẽ tụt hậu về cơ sở vật chất, diện tích… Mà tụt hậu thì chắc chắn sẽ rất khó tuyển sinh được. Tôi lấy ví dụ Trường ĐH Tôn Đức Thắng ban đầu được Liên đoàn Lao động TP đầu tư 500 triệu đồng, sau đó được Tổng Liên đoàn Lao động VN cho vay không lãi 40 tỷ đồng, nay đã trả xong. Quá trình phát triển, trường vay nguồn vốn kích cầu của TP và sử dụng nguồn vốn tự tích lũy… Đến nay đây là trường có CSVC hiện đại, đạt chuẩn. Các trường khác cần mạnh dạn làm theo mô hình này”, ông Võ Văn Hoan – Chánh văn phòng UBND TP.HCM nói. |
Bà Nguyễn Thị Thu – Phó Chủ tịch UBND TP – khẳng định, chủ trương của TP là di dời các trường từ trung tâm ra ngoại thành và vùng ven. Vì vậy, TP đã sớm công khai các quy hoạch đất, dự án cho các trường ĐH, CĐ; đồng thời khẩn trương giải phóng mặt bằng để giao cho các trường. Bên cạnh đó, TP đã có nguồn vốn kích cầu dành cho các trường, kể cả các trường không trực thuộc TP. Trường nào có nhu cầu thì làm hồ sơ gửi lên hội đồng thẩm định, nếu đáp ứng được yêu cầu, TP sẽ hỗ trợ cho vay không trả lãi với thời hạn 5 năm hay 10 năm tùy hợp đồng.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP, trong các khu quy hoạch ĐH, có khu quy hoạch ĐH Long Thới (huyện Nhà Bè – trên 150ha), khu này không chỉ quy hoạch trường mà còn có quy hoạch công viên, KTX, thư viện tổng hợp… TP đang đẩy nhanh tiến độ hoàn chỉnh hạ tầng cho các trường, mong các trường đồng thuận vì rõ ràng tìm được đơn vị đầu tư hạ tầng là rất thuận lợi.
Có thể nói, không chỉ hỗ trợ về đất, TP.HCM còn hỗ trợ vốn với hy vọng các trường ĐH, CĐ sẽ nhanh chóng di dời ra ngoại thành. Việc di dời này không chỉ đơn giản là để giảm tải cho nội thành mà trên hết ra ngoại thành với diện tích rộng lớn các trường ĐH, CĐ vừa xây dựng được phòng học vừa xây dựng được thư viện, phòng thực hành, nhà thi đấu đa năng, KTX để sinh viên được học đi đôi với hành, được rèn luyện thể dục thể thao cũng như có chỗ ăn ở sinh hoạt đạt chuẩn…
Lê Quang Huy
Bình luận (0)