Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Di dời các trường ĐH, CĐ ra khỏi nội thành: Sẽ hóa giá toàn bộ cơ sở cũ

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc dù các trường ĐH, CĐ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tỏ ra không mấy mặn mà với việc di dời ra khỏi thành phố nhưng đầu năm 2012, Bộ GD – ĐT đã lên dây cót lại vấn đề này và khẳng định sẽ không có chuyện giữ đất làm cơ sở 1 hay 2 mà sẽ cụ thể hóa công việc với từng trường trong diện di dời…


Hà Nội cần giảm tải trọng sinh viên để giảm áp lực hạ tầng kỹ thuật

Nhiều trường không đạt 2m2/sinh viên
Nhắc lại về một trong những lý do phải di dời các trường ĐH ra khỏi nội thành, Bộ GD – ĐT cho biết các trường ĐH, CĐ cần đạt quy định bình quân diện tích mỗi sinh viên 2m2 đất/1 sinh viên. Tuy nhiên, theo ông Bùi Hồng Quang – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ GD – ĐT, trong số gần 40 trường trực thuộc Bộ thì chỉ có 9 trường đáp ứng tiêu chí này. Mặc dù quy định diện tích xây dựng hiện đặt ra chỉ là 2m2/1 sinh viên nhưng chỉ tính trong số các trường trực thuộc Bộ thì nhiều trường cũng không đạt yêu cầu này. Cũng theo ông Bùi Hồng Quang, các trường có diện tích bình quân/sinh viên thấp nhất tập trung tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh như ĐH Xây dựng, ĐH Ngoại thương, Viện ĐH Mở Hà Nội, ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh…
Đề án di dời các trường ĐH, CĐ thuộc nội thành Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã được thống nhất giữa Bộ Xây dựng và Bộ GD – ĐT về tiêu chí di dời, trong đó, những trường diện tích quá nhỏ, dưới 2ha sẽ bắt buộc phải di chuyển để đủ điều kiện xây dựng hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật phù hợp với yêu cầu chuẩn hóa chất lượng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Không có chuyện giữ đất
Trong khi nhiều trường cho rằng Bộ GD – ĐT và các ban ngành liên quan đã bàn quá nhiều về chuyện di dời nhưng vẫn chưa có những lộ trình cụ thể khiến các trường thuộc diện di dời hoang mang thì ông Trần Duy Tạo, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, Bộ GD – ĐT khẳng định, Bộ này đã lên kế hoạch làm việc cụ thể với những trường nằm trong phạm vi xem xét di dời để hoàn chỉnh danh sách trường di dời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Trần Duy Tạo, việc xác định trường thuộc diện di dời dựa trên bộ tiêu chí di dời, không phân biệt trường công lập, tư thục, trường thuộc các tổ chức kinh tế, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức chính trị – xã hội. Trường thuộc diện di dời thực hiện di chuyển toàn bộ trường, cơ sở đào tạo, sinh viên, cán bộ, giảng viên đến khu quy hoạch. Sau khi hoàn thành việc di dời không thực hiện thuê mướn địa điểm để đặt lớp đào tạo trong khu vực nội thành của hai thành phố.
Bộ trưởng GD – ĐT Phạm Vũ Luận cũng khẳng định đến thời điểm này không bàn lùi chuyện di dời và cũng không có chuyện các trường giữ đất, tức là không có cơ sở 1 và cơ sở 2. Các trường phải hóa giá cơ sở cũ để có kinh phí đầu tư cho cơ sở mới, chủ động phối kết hợp với các phòng chuyên môn của các địa phương nhằm hoàn tất các hồ sơ thủ tục về mặt bằng ở cả nơi đi và nơi đến.
Khoảng 550.000 sinh viên phải di dời
Theo công bố của Bộ GD – ĐT, mục tiêu di dời các cơ sở ĐH, CĐ đến các khu quy hoạch là từ năm 2012 đến năm 2025 là 200.000 sinh viên ĐH và CĐ thuộc nội thành Hà Nội với dự kiến khoảng 30 trường. Tại TP Hồ Chí Minh, dự kiến di dời khoảng 350.000 sinh viên thuộc 40 trường ĐH, CĐ.
Bên cạnh đó, các trường ĐH, CĐ không thuộc diện di dời sẽ thực hiện điều chỉnh và giám sát số lượng và cơ cấu tuyển sinh hàng năm để quy mô đào tạo phù hợp với các điều kiện thực tế về cơ sở vật chất theo đúng tiêu chuẩn và quy chuẩn quy định để đảm bảo chất lượng. Theo đó, tổng quy mô sinh viên ĐH, CĐ đến năm 2025 và tầm nhìn năm 2050 tại các cơ sở đào tạo trong nội thành Hà Nội khoảng 300.000 sinh viên và của TP Hồ Chí Minh còn khoảng 150.000 sinh viên.
Bộ GD – ĐT khẳng định việc di dời các trường từ nội thành hai thành phố đến các khu quy hoạch sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống kinh tế – chính trị – xã hội của hai thành phố và các địa phương trong vùng Thủ đô Hà Nội, vùng TP Hồ Chí Minh cũng như các vùng lân cận và đặc biệt là các trường ĐH, CĐ trong hai thành phố. Bởi vậy Bộ trưởng Bộ GD – ĐT Phạm Vũ Luận yêu cầu ngay từ bây giờ các trường cần có những bước chuẩn bị về tâm lý, điều kiện vật chất để chủ động triển khai ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án.

Theo Duy Anh
(anninhthudo)

Bình luận (0)