Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Di dời các trường ĐH ra ngoại thành – kinh phí từ đâu?

Tạp Chí Giáo Dục

Đã đến thời hạn các trường ĐH, CĐ nằm trong diện di dời phải đăng ký kế hoạch, nhưng đến thời điểm này, theo Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, vẫn chưa có trường nào đăng ký.

Di dời là cần thiết
Hà Nội hiện có 96 trường ĐH, CĐ, chiếm 30% số trường và 40% tổng số SV cả nước theo học (khoảng 66.000 SV). Trong nội thành hiện có 26 cơ sở giáo dục ĐH, CĐ, Bộ Xây dựng đã đề xuất 23 cơ sở cần cải tạo và di dời. Theo đó, 12 cơ sở giáo dục phải di dời là ĐH Công đoàn, ĐH Kinh tế kỹ thuật công nghiệp, ĐH Luật Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Răng Hàm Mặt, ĐH Văn hóa Hà Nội, ĐH Xây dựng, ĐH Y Hà Nội, ĐH Y tế công cộng, Viện ĐH Mở, CĐ Công nghệ cao Hà Nội, CĐ Y tế Hà Nội.
ĐH Bách Khoa, một trong những trường nằm trong danh sách phải di dời
11 cơ sở giáo dục phải cải tạo là ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Dược Hà Nội, ĐH Giao thông vận tải, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, ĐH Thủy lợi, Học viện Âm nhạc quốc gia, Học viện Hành chính Quốc gia, Học viện Ngân hàng, Học viện Ngoại giao, CĐ Nghệ thuật Hà Nội.
Theo phương án của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, các trường ĐH, CĐ phải di dời sẽ được bố trí ở các khu đô thị vệ tinh như Gia Lâm (khoảng 250ha, đào tạo khối Nông nghiệp, Kỹ thuật và Công nghệ), Sóc Sơn (khoảng 600ha, đào tạo khối Kỹ thuật, Công nghệ thông tin), Sơn Tây (khoảng 300ha, đào tạo ngành Văn hóa xã hội, Sư phạm, Du lịch, kết hợp với hệ thống trường quân đội hiện có), Hòa Lạc (khoảng 1.200ha, chủ yếu dành cho ĐHQG Hà Nội, đào tạo ngành Khoa học cơ bản, Công nghệ, Kỹ thuật, Y dược và các nghiên cứu chuyên sâu)…
Theo Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, đối với các cơ sở giáo dục, sẽ có 5 tiêu chí xét di dời: Vị trí, môi trường, quy mô đất đai, lịch sử phát triển và ngành nghề đào tạo. Theo đó, các trường nằm ở vị trí có các tuyến giao thông quan trọng, khu vực sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm… không phù hợp với môi trường giáo dục; các trường nằm trong khu vực định hướng phát triển chiến lược đô thị; các trường có diện tích dưới 2ha… cần phải chuyển đi.
Lãnh đạo Bộ GDĐT cho biết, việc di dời toàn bộ hoặc một phần các trường có diện tích dưới 2ha là việc làm tất yếu bởi với diện tích chật hẹp như hiện nay, hầu như các trường không còn quỹ đất dành cho giảng dạy, thực hành để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH. Báo cáo của Cục Cơ sở Vật chất và Thiết bị trường học cho thấy, bình quân mỗi sinh viên chỉ có khoảng 35,7m2, thậm chí tại nhiều trường, tỉ lệ này còn thấp hơn 5m2/sinh viên như Trường ĐH Xây dựng: 0,84m2; ĐH Luật Hà Nội: 0,67m2; ĐH Lao động xã hội: 0,65m2; ĐH Thương mại và ĐH Ngoại thương: 1,08m2; ĐH Kinh tế quốc dân: 2,97m2; ĐH Bách khoa Hà Nội: 4,9m2…
Phải bắt đầu từ đâu?
Bộ GDĐT yêu cầu các trường đăng ký kế hoạch di dời nhưng đến thời điểm này, các trường hầu như vẫn “án binh bất động” vì “chưa có gì để đăng ký”.
Ông Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho biết, trường sẽ giữ nguyên địa điểm truyền thống 100 năm của mình trên phố Tôn Thất Tùng (Hà Nội) và có thêm một cơ sở 2 tại Quốc Oai (Hà Nội) với một bệnh viện đẳng cấp quốc tế. Tuy nhiên, ông Hinh phân tích, không thể để các trường tự lo đất, tự xây trường vì thực tế, các trường không thể làm nổi như dự án ĐHQG tại Láng – Hòa Lạc 10 năm qua nhưng vẫn chưa triển khai được; ĐH Y tế cộng đồng sau 5 năm không giải tỏa được đất khiến nguồn viện trợ cho dự án bị hủy; ĐH Răng hàm mặt đã lập dự án xây dựng nhưng 5-6 năm nay vẫn chưa triển khai xong.
Ông Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương Hà Nội cho biết, trường sẽ xây cơ sở 2 ở Khu Đại học Phố Hiến (Hưng Yên), nhưng giống như bao trường khác, vấn đề tiền đầu tư sẽ lấy từ đâu? Địa phương hay doanh nghiệp nào có đủ sức để chi tiền làm hàng chục trường ĐH trong vòng vài năm (mỗi trường cần hàng nghìn tỷ đồng). Theo ông Châu, thời gian để di dời các trường ĐH phải tính bằng 10 năm hoặc lâu hơn nữa.
Ông Cao Kiên Cường – Học viện Hành chính quốc gia đề xuất, Chính phủ, Bộ cần có chủ trương xã hội hóa đối với những trường có quyết định di dời. Có thể giao cho các trường tự lên đề án xã hội hóa như huy động vốn, liên kết, hợp tác, được phép chuyển đổi công năng quỹ đất đang có để có kinh phí… Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Thành, Hiệu trưởng ĐH Xây dựng, vấn đề này cũng cần phải được xem xét một cách thấu đáo. Bởi nếu các trường được phép đổi đất lấy mặt bằng, nếu đất trường học được đổi để xây dựng nhà ở (thu được nhiều kinh phí nhất) thì rất dễ gây nên các tệ nạn xã hội, hỗn tạp về giao thông… Chính phủ cần phải có đề án xã hội hóa một cách cụ thể bằng nhiều hình thức để giải quyết vấn đề này.
Nguyên Minh / Lao Động

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)