Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Di dời doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường tại TP.HCM: Chây ì và không nghiêm túc

Tạp Chí Giáo Dục

HĐND TP.HCM họp về tình hình di dời một số doanh nghiệp gây ô nhiễm ngày 7-11“Đã gia hạn di dời nhiều năm, nay lại xin gia hạn tiếp là không thể chấp nhận. Việc chậm di dời là “chây ì và không nghiêm túc trong việc chấp hành các chủ trương của nhà nước”. Đây là ý kiến của các đại biểu tham dự tại buổi làm việc về tình hình di dời một số doanh nghiệp gây ô nhiễm do Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP.HCM chủ trì vào ngày 7-11 vừa qua.

4 công ty nằm trong danh sách chậm di dời là: Công ty cổ phần dệt may Gia Định -Phong Phú, Công ty dệt Sài Gòn, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn và Công ty TNHH một thành viên Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan). Đại diện các công ty này đều nêu ra những khó khăn dẫn đến việc chậm di dời: “Khó khăn về vốn, chưa tìm được mặt bằng phù hợp, do việc điều chỉnh quy hoạch, do thay đổi các quy định quản lý dự án…”. Các công ty này cũng đề nghị được tạm ứng trước nguồn vốn, vay vốn ưu đãi kích cầu … thì công tác triển khai di dời mới được nhanh chóng.

Doanh nghiệp than khó

Khó khăn lớn nhất của hai đơn vị là Công ty cổ phần dệt may Gia Định – Phong Phú và Công ty dệt Sài Gòn là nguồn vốn di dời khá lớn. Việc thay đổi các quy định của nhà nước đã làm cho cơ sở khó định hướng trong chiến lược kinh doanh: khi thì di dời trước cổ phần hóa sau, khi lại cổ phần xong rồi mới di dời. Ông Nguyễn Thanh Huy, Phó giám đốc Công ty dệt Sài Gòn TP.HCM phát biểu.

Mặc dù Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn đã khảo sát địa điểm để di dời, đã cam kết về môi trường nhưng khi tổ chức lấy ý kiến cộng đồng thì nhân dân lại không đồng tình nên việc triển khai dự án bị đình trệ. Theo đó, đơn vị đã chọn địa điểm di dời trong khu vực cao su xã Tân Thạnh Tây (Củ Chi). Ông Nguyễn Văn Trực, Phó TGĐ Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn khẳng định: “Địa điểm này khá phù hợp về không gian, quy định khoảng cách cách ly nhà máy với khu dân cư, bảo đảm vệ sinh dịch tễ, thú y cũng như tuân theo đúng quy định của Bộ NN & PTNT và Chi cục Thú y”.

Từ năm 2001, Công ty Vissan cũng đã chủ động triển khai dự án di dời nhưng việc tìm địa điểm là một vấn đề nan giải. Theo đó, một địa điểm được sự chấp thuận rất khó khăn vì hầu hết các địa phương đều dè dặt trong việc cho xây dựng lò giết mổ gia súc, cơ sở chăn nuôi mà chỉ ưu tiên cho việc quy hoạch các khu công nghiệp. Ông Bùi Duy Đức, Tổng giám đốc Công ty Vissan cho biết, việc chuyển nhượng mặt bằng tại Xí nghiệp chăn nuôi Gò Sao (trong dự án phải di dời) từ năm 2003 đến nay vẫn chưa đấu giá được. Ông Đức kiến nghị gia hạn thêm thời gian di dời sau năm 2012. Lý do mà Đức đưa ra là: Do các quy định về quản lý xây dựng, quy chế đấu thầu … nên thời gian thực hiện không thể rút ngắn và hoàn tất trong năm 2009 – 2010. Bên cạnh đó, việc tiến hành chuyển nhượng các khu đất thuộc công ty sẽ phức tạp, thậm chí có thể kéo dài đến hết năm 2010. Như vậy nếu hoàn tất việc lập phương án thì công ty vẫn chưa có vốn để xây dựng.

Không đồng tình gia hạn

Với mức độ ô nhiễm khá nghiêm trọng của Công ty Vissan mà người dân vô cùng bức xúc như: mùi phân heo, nước thải, tiếng ồn… thì việc xin gia hạn là không thể chấp nhận. Đại biểu Phạm Minh Trí phản ứng: “Dự án di dời của Công ty Vissan đã lập từ năm 2004, đã nhiều lần xin gia hạn nhưng đến nay lại kiến nghị gia hạn thêm đến sau năm 2012 là điều không thể”. Ông cho rằng liệu có công bằng không khi các doanh nghiệp khác đã khắc phục rất nhiều khó khăn để hoàn tất việc di dời. Trong khi đó, các doanh nghiệp này vì nhiều lý do đã chậm di dời là “chây ì và không nghiêm túc trong việc chấp hành các chủ trương của nhà nước”.

Không thể phủ nhận những cố gắng trong việc thực hiện chủ trương và quyết định của thành phố trong việc di dời doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Cũng đồng tình với ông Trí, đại biểu Đặng Văn Khoa đặt câu hỏi: “Các doanh nghiệp này đều là doanh nghiệp nhà nước nhưng việc di dời chậm thì liệu có công bằng với các doanh nghiệp tư nhân khác?”.

Vũ Thanh

Bình luận (0)