Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Di dời nhà trên kênh, rạch: Chờ dài cổ…

Tạp Chí Giáo Dục

Những căn nhà lụp xụp, tồi tàn trên dòng kênh Tẻ (Q.7, TP.HCM) chờ di dời, giải tỏa

Với mục tiêu xây dựng TP.HCM trở thành thành phố có chất lượng sống tốt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM khóa X đưa ra 7 chương trình đột phá – tăng thêm một chương trình “Chỉnh trang và phát triển đô thị” so với 6 chương trình của nhiệm kỳ trước. Một trong 3 nội dung của chương trình “Chỉnh trang và phát triển đô thị” là di dời, tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch.

Ngày 27-10, chúng tôi có mặt tại kênh Tẻ (khu vực đường Trần Xuân Soạn, P.Tân Hưng, Q.7) và cảm nhận được cuộc sống vô cùng khốn khổ của đại đa số các hộ dân ở đây.

Cực chẳng đã mới phải ở đây!

Đó là khẳng định của anh Nguyễn Ngọc Hùng (47 tuổi) tại số nhà 23/15 Trần Xuân Soạn, P.Tân Hưng, Q.7. Anh Hùng, mẹ già cùng với vợ con và hơn 10 anh chị em, con cái của họ đang sống trong căn nhà tồi tàn đến mức không thể tồi tàn hơn được nữa ở trên kênh Tẻ.

Anh Hùng kể: “Năm 1973, sau khi ba tôi qua đời, mẹ tôi một mình phải nuôi tới 10 đứa con nên đã bán căn nhà ở P.Tân Quy, Q.7 để ra đây mua lại nhỏ hơn. Số tiền còn lại dùng để lo cái ăn, cái mặc cho đàn con. Gia đình tôi ở đây tới nay đã 42 năm, có hộ khẩu và giấy tờ đàng hoàng. Tuy nhiên theo yêu cầu của chính quyền địa phương thì chúng tôi không được xây mới, vì thế mà nhà càng ngày càng xập xệ, xuống cấp nghiêm trọng…”.

Đúng như anh Hùng nói. Căn nhà của gia đình anh được làm bằng đủ thứ vật liệu, nào là sắt, nào là gỗ, rồi cả bạt nhựa… Và tất cả đều cũ kỹ, chắp vá.

“Tôi già rồi, tay run, chân yếu, đi lại không còn vững nữa. Bởi vậy, cứ mỗi lần thấy trời chuyển mưa là mấy đứa con lại nói: “Bà ra đường tránh đi, ở đây mưa gió sập nhà chạy không kịp đâu. Thế là tôi lại lê từng bước qua bên kia đường đứng tránh mưa, tránh gió dưới mái hiên của mấy cửa hàng bán thuốc, tạp hóa” – bà Võ Thị Bỉ (77 tuổi, mẹ của anh Hùng) cho biết.

Tuy là người dân thành phố chính gốc nhưng bao nhiêu năm nay gia đình anh Hùng phải sống trong cảnh “khát” nước. Anh Hùng cho biết: “Phía bên kênh người ta không cho lắp đường ống nước, cũng không cho đào đường đặt ống từ bên kia đường qua. Vì vậy, chúng tôi phải mua nước của mấy hộ gia đình bên kia đường và dùng can, xô để chứa. Mới đây, Nhà nước nâng đường, nhờ vậy gia đình xin cho đặt ống dẫn từ bên kia đường qua nên không còn phải xách nước như trước nữa. Tuy nhiên, giá nước chúng tôi phải trả không phải là 4-5 ngàn đồng/khối như các hộ khác mà là 20 ngàn đồng…”.

“Không những vậy, cứ mỗi mùa nước nổi, nhà lại ngập trong nước – nước đen ngòm và hôi thối, đôi khi có cả phân người, xác gia súc chết. Còn muỗi thì nhiều như trấu. Bởi vậy, bệnh hoài” – bà Bỉ thở dài.

Cùng cảnh ngộ với mẹ con anh Hùng là vợ chồng anh Phạm Văn Thanh (39 tuổi). Không “giàu có” như gia đình anh Hùng, gia đình anh Thanh sống trên một chiếc ghe được neo cố định trên kênh Tẻ. Đó là một đống tạp nham nào gỗ, nào sắt, nào lưới đánh cá cũ, rồi bao bì, tóm lại nhìn rất thê thảm. Xung quanh là rác, lục bình từ khắp mọi nơi đổ về, nước dưới kênh thì đen xì. “Cứ mỗi khi có ca nô hay ghe, thuyền lớn chạy qua với tốc độ cao là mùi hôi thối dưới kênh lại bốc lên. Chúng tôi phải lấy bạt che chắn hai bên mạn ghe nhưng vẫn không ngăn được mùi hôi thối bay vào”, chị Nguyễn Thị Nương – vợ anh Thanh, cho biết.

Tất cả những con người mà chúng tôi đã gặp ở bờ kênh này đều khẳng định: Họ rất muốn được chuyển tới một nơi ở mới sạch sẽ, an toàn và giống cuộc sống của con người hơn…

Di dời 9.805 căn nhà trên kênh, rạch

Sở dĩ TP.HCM, một thành phố phát triển nhất nước, có những ngôi nhà như nhà của gia đình anh Hùng, anh Thanh, theo ông Trần Trọng Tuấn – Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM – một phần là do lịch sử để lại từ trước năm 1975; một phần là đặc điểm địa hình tự nhiên có hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt, tình trạng nhà ở lấn chiếm, hình thành các khu dân cư tự phát, nhà lụp xụp. Ngoài ra còn do bồi lắng tự nhiên khiến cho dòng kênh, rạch vốn nhỏ nay càng hẹp hơn, do công tác quản lý chưa được quan tâm trong thời gian dài trước đây.

Trong hơn 20 năm qua (kể từ năm 1993), thành phố đã di dời và tổ chức lại cuộc sống cho khoảng 36.000 hộ gia đình sinh sống trên và ven kênh rạch, góp phần chỉnh trang đô thị, cải thiện cuộc sống cho người dân, tập trung vào 5 tuyến kênh rạch chính là Tàu Hủ – Bến Nghé, kênh Đôi – Tẻ, Tân Hóa – Lò Gốm, Nhiêu Lộc – Thị Nghè và Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên. “Dọc theo các tuyến kênh này, bộ mặt đô thị đã gần như lột xác, hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư hoàn chỉnh, cải thiện ô nhiễm môi trường, giải quyết tiêu thoát nước và quan trọng hơn là tạo ra không gian sống và môi trường sống tốt hơn cho người dân thành phố, điển hình như tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tân Hóa – Lò Gốm, đến nay đã trở thành những dòng kênh đẹp, hai bên đường được xây dựng khang trang”, ông Tuấn cho biết thêm.

Cũng theo ông Tuấn, mục tiêu của TP.HCM là phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành di dời toàn bộ 19.524 căn nhà và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch. Riêng giai đoạn 2015-2020, tập trung giải tỏa di dời 9.805 căn.

Về vấn đề này, anh Hùng cho biết: “Sống như hiện nay khổ lắm, chúng tôi rất muốn thành phố đền bù thỏa đáng để đi nơi khác. Mấy năm nay chính quyền cứ tới lui đo đạc hoài và nói đền bù cho gia đình tôi hơn 500 triệu đồng nhưng đợi mãi cũng không thấy tiền đâu. Hàng xóm của tôi chờ không được trong khi nhà thì cứ sập dần nên đã bỏ đi mấy tháng nay rồi…”.

Bài, ảnh: Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)