Cách đây hơn 20 năm, TP.HCM đã có kế hoạch di dời nhà ven và trên kênh rạch. Tuy nhiên đến nay việc triển khai vẫn ì ạch, đời sống người dân trong khu vực giải tỏa gặp nhiều khó khăn…
Chen chúc sống trên kênh rạch
Men theo các tuyến đường Phạm Thế Hiển, Nguyễn Duy, Hoài Thanh… (quận 8) không khó để bắt gặp những dãy nhà lụp xụp, cũ kỹ nhô ra mặt nước dọc kênh Đôi. Theo người dân sinh sống dọc kênh Đôi, hầu hết nhà ở đây không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).
Còn đối với những hộ dân mua lại từ người khác, ngoài mảnh giấy viết tay ra thì không có một loại giấy tờ pháp lý nào chứng nhận quyền sử dụng nhà đất. Nhiều năm qua, người dân ở khu vực này muốn sửa sang nhà cửa hay xây dựng gì cũng không dễ, vì vừa thiếu pháp lý, vừa vướng dự án di dời nhà ven và trên kênh rạch.
Chị Nguyễn Thị Bích Phượng (45 tuổi, trú phường 14, quận 8) cho biết, vào năm 1990, bố mẹ của chị mua lại căn nhà này từ một người khác để làm nơi trú ngụ, mưu sinh. Khi đó, việc mua bán chỉ viết bằng giấy tay giữa hai bên rồi chuyển vào ở, không mấy ai bận tâm đến sổ đỏ. Năm 1999, chính quyền địa phương có đến nhà, nói triển khai dự án di dời nhà ven và trên kênh rạch. Tuy nhiên, từ đó đến nay đã mấy chục năm trôi qua, chỉ thấy đo đạc nhà cửa và mời họp ký giấy tờ chứ không triển khai.
Theo chị Phượng, sau khi ba mẹ mất để lại căn nhà cho 4 anh em sinh sống. Đến nay chị Phượng đã lập gia đình, có con cái nhưng vì cuộc sống quá khó khăn nên hơn chục người đành chen chúc trong căn nhà khoảng 70m2 mấp mé bờ kênh này.
“Điều kiện không có, nhà chật người đông nên cơi nới ra bờ kênh để có chỗ sinh hoạt. Giờ nhà đã hư hỏng nhưng không dám sửa sang gì nhiều. Dù vất vả, chật chội một chút nhưng sống bao năm nay cũng quen rồi. Hơn nữa ở đây còn kiếm được đồng ra đồng vào chứ ít bữa giải tỏa đi nơi khác không biết như thế nào”, chị Phượng bộc bạch.
Cũng theo chị Phượng, vấn đề đền bù tùy theo mỗi người dân, có hộ muốn lấy tiền mặt rồi chuyển đến nơi khác sống, nhưng cũng có hộ dân muốn được tái định cư.
“Còn gia đình tôi là nhà bố mẹ để lại cho 4 anh chị em nên muốn được nhận tiền, chứ tái định cư được một căn thì 4 anh chị em thêm con cái làm sao ở đủ. Nhận tiền để 4 anh chị em chia nhau rồi tách ra ở riêng. Ai đủ tiền thì mua nhà, còn không đủ tiền thì thuê”, chị Phượng nói.
Không chỉ riêng gì gia đình chị Phượng mà hàng trăm hộ dân khác sống ven kênh Đôi cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Bà Trương Thị Ngộ (63 tuổi, quận 8) cho biết, năm 1988, gia đình bà chuyển đến xây nhà ven kênh Đôi. Đầu thập kỷ 90, chính quyền địa phương thông báo triển khai dự án di dời nhà ven kênh rạch. Song từ đó đến nay đã qua nhiều lần đo đạc, họp lấy ý kiến vẫn chưa triển khai thực hiện khiến người dân gặp nhiều khó khăn.
Theo bà Ngộ, lần gần đây nhất là trước 30-4-2024, chính quyền đến đo đạc lại. Nhà bà Ngộ có diện tích khoảng 60m2, không có sổ đỏ. Trong đó phần đất thực là 30m2, còn lại sàn nhô ra kênh và gác. Tuy nhiên, vẫn chưa thấy chính quyền địa phương nói gì về việc đền bù, hỗ trợ tái định cư và cũng không biết khi nào mới giải tỏa.
“Giờ gia đình tôi chỉ chờ ngày chuyển đi, mong chính quyền địa phương triển khai sớm, chứ nhà tôi làm quá lâu năm rồi, tường xung quanh nứt rất ghê, mỗi lần trời mưa gió tôi sợ lắm. Nhưng có điều bà con ở đây ai cũng muốn được đền bù thỏa đáng để có tiền chuyển đi nơi khác sống. Chứ nếu đền bù không thỏa đáng thì người dân không đủ tiền để đi nơi khác. Hai vợ chồng tôi cũng già rồi, muốn được nhận tiền đền bù và chuyển về quê sống cho yên tĩnh. Chỉ mong được vậy thôi, chứ giờ chuyển đến nơi khác biết có mua được đất hay nhà để ở hay không. Còn chính quyền giải tỏa thì mình đi chứ biết sao giờ”, bà Ngộ cho hay.
Không chỉ riêng quận 8, trên địa bàn TP.HCM vẫn còn hàng ngàn căn nhà lụp xụp ven và trên các kênh rạch. Đáng chú ý, những căn nhà này được xây dựng từ hàng chục năm trước đến nay đã xuống cấp, vừa khiến cảnh quan trở nên nhếch nhác vừa tiềm ẩn nhiều rủi ro, mất an toàn.
Tỷ lệ di dời còn thấp
Từ những năm 1990, TP.HCM đã thực hiện việc di dời các hộ dân sống trên và ven kênh rạch. Vào giai đoạn đầu, chương trình thực hiện đạt kết quả đáng khích lệ nhưng càng về sau tốc độ di dời càng chậm.
Theo báo cáo, giai đoạn 1993-2020, TP di dời được 38.185 căn trên tổng số hơn 65.000 căn dự kiến cần di dời; trung bình mỗi năm di dời được hơn 1.400 căn. Tại Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020), việc di dời nằm trong các nội dung quan trọng của chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị – một trong 7 chương trình đột phá trong nhiệm kỳ này.
Đến Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI (nhiệm kỳ 2021-2025), TP tiếp tục xác định di dời nhà ven và trên kênh rạch là một trong những chương trình hành động và nhiệm vụ quan trọng nhất của TP.HCM. Tuy nhiên tốc độ di dời rất chậm.
Cụ thể, TP.HCM đặt ra chỉ tiêu di dời 6.500 căn nhà trong giai đoạn 2021-2025. Kết quả đến hết quý 2-2024, mới di dời được 983 căn. Dự kiến đến hết năm 2025, TP cũng chỉ di dời được 4.928 căn (đạt 76% chỉ tiêu), trọng tâm là hai dự án rạch Xuyên Tâm với 2.134 căn và bờ bắc kênh Đôi – 1.580 căn.
Một trong 3 đề án thí điểm chỉnh trang đô thị, di dời nhà trên và ven kênh rạch đã được Quận ủy quận 7 đưa vào nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 là dự án ao Song Tân, rạch Bần Đôn và sông Ông Lớn. Đến nay gần hết nhiệm kỳ, kết quả vẫn còn rất mờ nhạt…
Quận 8 có gần 10.000 căn nhà trên và ven kênh rạch, tập trung nhiều ở khu vực kênh Đôi. Hiện chính quyền đang tập trung di dời 1.500 căn nhà tại bờ bắc kênh Đôi. Dự án đã được HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 12-2023 với mức đầu tư 4.930 tỷ đồng, khởi công năm 2025 và hoàn thành năm 2028. Tuy nhiên, lãnh đạo TP.HCM quyết tâm đẩy nhanh tiến độ nên đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thành các thủ tục để khởi công dự án vào tháng 12-2024.
Theo đó, đối với bờ nam kênh Đôi, UBND TP đã lập tổ công tác để khảo sát, lập đề án di dời nhà ven kênh, cải tạo môi trường khu vực, dự kiến hơn 5.000 căn nhà sẽ được di dời.
Trần Hướng
Bình luận (0)