Từ những năm 1990, TP.HCM đã thực hiện việc di dời các hộ dân sống trên và ven kênh rạch. Trong giai đoạn 1993-2020, TP di dời được 38.185 căn trên các tuyến kênh rạch Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tân Hóa – Lò Gốm, Nước Đen… Giờ đây, những con kênh được xem là ô nhiễm nhất TP.HCM ngày ấy đã khoác lên “bộ áo mới”, đời sống người dân đôi bờ cũng như trong khu vực được cải thiện rõ rệt; đặc biệt giảm tình trạng ngập nước mỗi khi trời đổ mưa hay triều cường.
Dự án vệ sinh môi trường TP.HCM (lưu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè) giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư gần 8.600 tỷ đồng. Trong đó, vốn ODA của Ngân hàng Thế giới là 293,94 triệu USD (tương đương 5.252 tỷ đồng) và vốn đối ứng ngân sách là 3.348 tỷ đồng (hơn 1.600 tỷ đồng chi phí bồi thường giải tỏa). Sau gần 10 năm triển khai, dự án xây dựng và cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (giai đoạn 1) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 8-2012.
Kênh Tân Hóa – Lò Gốm dài hơn 7km, đi qua các quận 6, 11 và Tân Phú. Tháng 12-2011, dự án khởi công và khánh thành vào tháng 4-2015. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng (gồm 1.700 tỷ đồng chi phí bồi thường, giải tỏa, tái định cư). Sau khi hoàn thành, kênh Tân Hóa – Lò Gốm đã “lột xác” hoàn toàn với diện mạo khang trang, sạch đẹp, góp phần giảm ngập và mùi hôi thối, giảm thiểu ùn tắc giao thông.
Dự án nâng cấp, cải tạo đường và kênh Nước Đen (đoạn từ cống hộp hiện hữu đến kênh Tham Lương) được khởi công quý I-2020, với tổng vốn đầu tư 629 tỷ đồng. Dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng khoảng 2 năm nay. Dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ – Bến Nghé – kênh Đôi – kênh Tẻ giai đoạn 2 (dự án cải thiện môi trường nước TP giai đoạn 2) có tổng mức đầu tư gần 11.300 tỷ đồng. Ngoài ra, dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên với tổng vốn hơn 8.200 tỷ đồng đang được thi công.
Trần Hướng
Bình luận (0)