Tại TP.HCM và Hà Nội, nhiều cây xanh đã được đốn hạ, di dời để phục vụ cho công tác làm đường, xây cầu…
Công tác đốn hạ, di dời một số cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM |
TP.HCM: Xử lý cây xanh trên quốc lộ 1, đường Tôn Đức Thắng
Ngày 2-11, tin từ Sở GTVT TP.HCM cho biết đơn vị này vừa trình UBND TP phương án xử lý cây xanh trên quốc lộ 1, đoạn từ ngã tư An Sương đến đường Nguyễn Văn Quá (quận 12), do bị ảnh hưởng bởi dự án cải tạo cống thoát nước trên đoạn đường này. Theo Sở GTVT TP, qua tiếp thu ý kiến phản biện của Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP về phương án xử lý cây xanh (do Trung tâm chống ngập TP và đơn vị tư vấn lập), số cây xanh bị ảnh hưởng sẽ được xử lý theo hướng bứng dời, hạn chế đốn hạ. Cụ thể, trên đoạn quốc lộ 1 bị ảnh hưởng bởi dự án nói trên có tổng cộng khoảng 56 cây xanh bị ảnh hưởng. Trong đó có 50 cây (45 cây sao đen, năm cây lát hoa) cần bứng dời, đưa về Công viên văn hóa quận Gò Vấp trồng lại. Còn lại sáu cây sao đen phải đốn hạ do không thể bứng dời.
Sở GTVT TP cho biết thêm, sau khi thực hiện dự án cải tạo cống thoát nước trên quốc lộ 1, các đơn vị liên quan sẽ trồng lại 68 cây giáng hương trên đoạn đường này. Về phương án xử lý cây xanh nói trên, ông Trịnh Kiểm, Chánh Văn phòng Hiệp hội Cây xanh – Công viên Việt Nam, nhận định: “Cây trên quốc lộ đoạn gần ngã tư An Sương không lớn lắm nên bứng dời là phù hợp, cây trồng lại sẽ sống tốt. Phương án trồng lại cây giáng hương theo tôi cũng phù hợp vì hiện nay nhiều tuyến đường trồng giáng hương ở TP, cây phát triển rất tốt”.
Ngày 10-10 vừa qua, Công ty Công viên Cây xanh cũng đã đốn hạ, di dời một số cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM.
Theo đó, đã có 14 cây được bứng dưỡng và đốn hạ. Các cây bị khiếm khuyết có khả năng sống thấp sẽ phải đốn hạ để đảm bảo an toàn cho người đi đường, giảm chi phí. Các cây thẳng, có khả năng sống và phát triển sẽ được di dời về khuôn viên Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM chăm sóc.
Theo kế hoạch, 258 cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng, đoạn từ đường Lê Duẩn đến bờ sông Sài Gòn và cây xanh nằm trên vỉa hè phía trái đường Tôn Đức Thắng phải di dời và đốn hạ để phục vụ xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn.
Trong 258 cây, có 115 cây được bứng, di dời về khuôn viên Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM và 143 cây xanh già cỗi phải đốn hạ. Toàn bộ số gỗ thu hồi để chế tạo các sản phẩm phục vụ công cộng như bàn, ghế, sản phẩm điêu khắc.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 5 Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa IX, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường khẳng định, nguyên tắc được UBND TP đưa ra là ưu tiên giải pháp di dời cây, chỉ đốn hạ những cây có chất lượng xấu hoặc có khả năng sống thấp sau khi di dời.
Dự án cầu Thủ Thiêm 2 khởi công từ tháng 2-2015 nhằm kết nối giao thông giữa trung tâm TP và khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng vốn đầu tư khoảng 3.100 tỷ đồng.
Hà Nội: Di chuyển cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng
Sáng 18-10, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.Hà Nội đã bắt đầu tiến hành chặt hạ cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng để giải phóng mặt bằng, phục vụ việc thi công dự án mở rộng đường vành đai 3, đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long.
Tổng số có 1.159 cây xanh phải di chuyển để triển khai dự án mở đường. Hiện nay, Sở Xây dựng Hà Nội đã cấp phép cho đánh chuyển, chặt hạ đợt một là 14 cây; sau đó tiếp tục tiến hành đánh chuyển, chặt hạ các đợt tiếp theo, phấn đấu đến tháng 12 thực hiện xong để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, do cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng được trồng rất dày, bên dưới lại vướng nhiều công trình ngầm, nổi, nên sẽ khó khăn trong công tác đào bầu để đánh chuyển và khó giữ được bộ rễ. Vì vậy, quá trình triển khai thực hiện, các đơn vị phải khảo sát, đánh giá để quyết định lựa chọn phương án đánh chuyển hay chặt hạ nhằm bảo đảm tính khả thi và hiệu quả. Sở Xây dựng đã thành lập Tổ công tác hiện trường để giám sát, kiểm tra và xem xét, quyết định cụ thể phương án tại hiện trường.
Dự án đầu tư mở rộng đường vành đai 3, đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long là một trong những công trình giao thông trọng điểm của thành phố. Việc sớm hoàn thành dự án và đưa vào khai thác sẽ góp phần quan trọng giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay trên tuyến đường và đem lại hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội rất cao. Hoàn thành di chuyển cây xanh, các công trình ngầm nổi còn tạo điều kiện về mặt bằng để Bộ GTVT triển khai xây dựng tuyến cầu cạn cao tốc trên cao từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long bằng vốn vay ODA của Nhật Bản.
T.S
Bình luận (0)