Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đi đường vòng đến giảng đường ước mơ

Tạp Chí Giáo Dục

Mùa thi hết kỳ đã cập kề, trong khi đa phần sinh viên đang vùi đầu ôn tập thì có nhiều bạn lại đang lên kế hoạch cho những kỳ thi hoàn toàn khác! Mục tiêu là “bắc cầu” ra nước ngoài du học.

Đại học trong nước – nơi “tạm trú”

Học “chuyển tiếp” ở đây không phải là học theo kiểu liên kết đào tạo quốc tế tại Việt Nam rồi sang nước hợp tác học nốt 1 – 2 năm cuối. “Chuyển tiếp” ở đây là rời chiếc ghế đại học trong nước, và ra nước ngoài du học.
T. Hải (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đang gấp rút tìm kiếm một lớp ôn luyện IELTS cấp tốc.
Với yêu cầu tối thiểu đạt 5.5 IELTS của các trường đại học tại Thụy Điển và Phần Lan, Hải tin rằng mình hoàn toàn “có cửa” khi đăng ký. Vạch xuất phát từ trường Báo chí giờ đây đã gần mục tiêu du học hơn rất nhiều với thời điểm Hải tốt nghiệp THPT.
Hoàng Long, hiện đang du học ở Đức, cũng là một trường hợp như thế.
Ngay từ đầu, Long đã có kế hoạch đi du học ở Đức. “Nhưng điều kiện để được nhận vào học là mình phải học ở một trường đại học trong một năm với kết quả học tập tối thiểu là khá. Thế nên, mình chọn đăng ký thi trực tiếp vào Trường ĐH Thăng Long do điểm đầu vào vừa phải và lịch học tín chỉ linh hoạt. Năm đầu tiên, lịch học khá thoải mái nên mình vừa có thể đảm bảo đạt kết quả tốt, lại vừa sắp xếp được nhiều thời gian học tiếng Đức”.
Cách lựa chọn của Hải và Long hiện là kiểu du học “chuyển tiếp” phổ biến nhất cho những ai có kế hoạch du học châu âu như: Đức, Hà Lan, Phần Lan…
Điều thu hút sinh viên Việt Nam sang những nước này du học là chất lượng giáo dục cao, lại được Nhà nước miễn học phí hoặc tài trợ rất nhiều (có thể đến 70 – 80%). Tuy nhiên, để đơn xin học của bạn được chấp nhận thì nhiều trường thường yêu cầu bạn phải thi đỗ và học một năm ở một trường đại học trong nước, kết quả học tập từ khá trở lên.
Kiều Thanh (nguyên sinh viên Trường ĐHDL Phương Đông, chuyên ngành tiếng Nhật) học tại Việt Nam hai năm trước khi lên đường sang Nhật tâm sự: “Mình quen được bố mẹ lo lắng cho mọi thứ từ nhỏ nên nếu đi ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông thì mình không tự tin là sẽ thích nghi được với cuộc sống tự lập. Hơn nữa, những gì học được ở trường đại học Việt Nam, giúp mình có thể dễ dàng nắm bắt chương trình học bên này. Học hai chương trình của hai nền giáo dục rất hay vì mình tiếp thu được kiến thức theo nhiều chiều, nhiều khía cạnh hơn”.
Ngoài ra, với nhiều sinh viên, sau một thời gian học đại học trong nước, họ phát hiện ra chương trình học chưa thật sự phù hợp với mình nên chọn lựa đi du học. Khi ấy, họ sẽ xin bảo lưu kết quả để bắt đầu tập trung học tiếng, tìm học bổng… Đây là giải pháp “an toàn” vì nếu việc đi du học của bạn không như mong muốn, bạn vẫn có thể quay lại trường đại học hiện tại của mình để học tiếp.
Du học “tạm” ở nước thứ 3
Tốt nghiệp phổ thông, Hà My (19 tuổi) không thi đại học mà tập trung chuẩn bị hồ sơ và học tiếng Anh để đi du học tự túc ngành Du lịch và Khách sạn trong hai năm ở Singapore.
Thế nhưng, đây không phải là “đích đến” của My bởi nguyện vọng của cô nàng là được học ở đất nước hàng đầu trong lĩnh vực này – Thụy Sĩ. Vậy nên “sang Singapore là bước đệm và thời gian học ở đây là để mình chuẩn bị thật kỹ càng trước khi sang Thụy Sĩ” – My nói.
Cũng như My, Trọng Việt (20 tuổi) đang là du học sinh tại Trung Quốc. Quyết tâm thi lấy học bổng đi du học ở Mỹ nhưng kết quả không được cao như mong đợi, Việt đã định ở nhà thi lại lần nữa. Nhưng rồi, qua một người bạn cấp 2 đang du học ở Trung Quốc, Việt được biết ở bên ấy có những trường liên kết với các trường đại học của Mỹ mà ở Việt Nam chưa có, chi phí lại không quá đắt đỏ. Thế là Việt đăng ký thi và trúng tuyển.
Việt cho biết thêm: “Ở Trung Quốc, có những trường đại học rất tốt, bằng cấp được thế giới công nhận nên học ở đây một thời gian rồi học chuyển tiếp, hay thậm chí tìm học bổng ở những nước vốn đòi hỏi khá cao như Anh, Mỹ cũng dễ hơn. Đặc biệt, nếu bạn có kế hoạch học đại học ở Trung Quốc rồi đi học cao học bên châu âu cũng rất thuận lợi!”.
Xu hướng này đang dần phổ biến ở Việt Nam bởi tính tiết kiệm và hiệu quả cao, nhất là với những bạn đi học tiếng hoặc dự bị đại học.
Duy Khánh (hiện đang là du HS tại Úc) cho biết: “Nếu mình sang thẳng Úc thì mình cũng bị mất một năm học tiếng vì tiếng Anh của mình khi đó quá tệ. Nhưng như thế, chi phí sẽ rất đắt mà lại lãng phí nữa. Học tiếng Anh ở Việt Nam thì cơ hội thực hành không nhiều. Do đó, để vừa có thể luyện tập giao tiếp tiếng Anh hằng ngày, vừa để làm quen với cuộc sống du học, mình đăng ký một khóa học tiếng Anh ở Singapore, chi phí thì chỉ bằng một nửa so với học ở Úc. Sau một năm học tiếng, mình đã sang Úc học đại học như dự định và thấy hoàn toàn tự tin để hòa nhập”.
Việc du học một thời gian ngắn ở nước thứ 3 còn giúp bạn giải quyết khá tốt vấn đề “shock văn hóa” khi đi du học. Bởi “tiêu chí” để chọn là những nước có nhiều điểm tương đồng về văn hóa và đa số người dân sử dụng tiếng Anh khá tốt trong giao tiếp hằng ngày như những nước khu vực ASEAN: Singapore, Philippines, Indonesia, Malaysia… hoặc ấn Độ. Làm quen với một nền văn hóa dù có nét tương đồng nhưng vẫn tồn tại những khác biệt sẽ giúp bạn nhanh chóng thích nghi và chủ động hơn sau này.
Con đường không trải đầy hoa hồng
Nhìn vào mặt tích cực, du học “bắc cầu” có thể giảm phần nào những khó khăn thường gặp của du học sinh. Thế nhưng nếu không có một quyết tâm cao độ và một kế hoạch hợp lý, bạn có thể lãng phí thời gian và tiền bạc cho con đường vòng dài hơi này.
Quang Việt (Trường ĐH Thương mại) dự định sẽ đi du học Pháp sau năm thứ 2. Thế nhưng, do không có kế hoạch học tiếng và chuẩn bị kỹ càng, mất rất nhiều thời gian Việt mới có thể qua kỳ thi TCF (chứng chỉ tiếng Pháp). Không những thế, việc chủ quan, thái độ thụ động đã khiến Việt phải mất một thời gian khá lâu mới thích nghi được với cuộc sống du học, trong khi bạn bè nhanh chóng hòa nhập được ngay.
Hay Anh Dũng, đang học tiếng ở Singapore để du học New Zealand nhưng sang tới năm thứ 2 mà vẫn chưa đủ trình độ tiếng Anh để đi theo học đại học bên kia. Nguyên nhân là do Dũng lười thực hành, chỉ quanh quẩn nói chuyện với nhóm bạn người Việt, thời gian rảnh thì chỉ ở trong nhà chơi game.
Hãy vẽ con đường thành công cho riêng mình!
Dù du học kiểu nào, thì bạn cũng cần phải tạo cho mình một thái độ chủ động, một quyết tâm kiên định để không bỏ cuộc giữa chừng. Việc chủ động khi thực hành tiếng, lựa chọn trường, ngành học, tìm hiểu về văn hóa nước mình sẽ đến và cả làm quen và kết bạn với người địa phương… sẽ giúp bạn có thể thích nghi với môi trường mới dễ dàng hơn.
Không phải ai du học cũng cho kết quả tốt và không phải cứ học trong nước là trình độ thấp hơn. Quan trọng là bạn phải hiểu mình cần gì, lựa chọn nào là phù hợp và tự thiết kế con đường riêng cho thành công của mình.
Chúc bạn “qua cầu” thành công!
Theo Nguyễn Trang
SVVN

Bình luận (0)