Tiết trời tháng 12, cánh đồng rau sạch Trà Quế (TP.Hội An) ngạt ngào hương thơm của các loại rau. Gương mặt người dân làng rau giãn ra với nụ cười tươi rói và đầy hy vọng. Vinh dự là một trong những “Làng du lịch tốt nhất 2024” do Tổ chức Du lịch của Liên hợp quốc (UN Tourism) bình chọn và công bố, ngày càng nhiều du khách tìm về làng rau Trà Quế tham quan và trải nghiệm nghề truyền thống trồng rau.
Nông dân trồng rau kiêm hướng dẫn viên
Tại cánh đồng rau Trà Quế mướt một màu xanh, từng đoàn du khách đến từ khắp nơi trên thế giới chậm rãi những bước chân dọc theo con đường bê tông, trầm trồ khi nhìn thấy những vạt rau thơm lừng. Trong căn chòi lá bên vạt rau xanh, bà Nguyễn Thị Xim (80 tuổi) vui vẻ đón khách bằng nụ cười thân thiện: “Xin chào! Chào mừng bạn đến với làng rau Trà Quế”. Lời chào của bà được hướng dẫn viên dịch lại cho du khách với đầy đủ phong thái cởi mở và hiếu khách của chủ vườn.
Bà Xim lắng nghe những câu hỏi của du khách về nghề trồng rau rồi chậm rãi miêu tả từng công đoạn bằng hành động thực tế. Trên khoảnh đất được làm thật tơi xốp, bà Xim bắt đầu rải những cây rêu trước khi san thêm một lớp đất mỏng và công đoạn trồng rau bắt đầu. Thoáng chốc, từng luống rau thẳng tăm tắp được bà trồng lên. Khoảnh bên cạnh, bà để du khách tự tay trải nghiệm.
Kết thúc buổi hướng dẫn du khách trồng rau, bà Xim tặng du khách một mớ rau xanh được hái từ ruộng để họ có thêm bữa trưa được thưởng thức món rau xanh, sạch mang thương hiệu của người nông dân Trà Quế. Bà Xim bảo, hơn 60 năm bám ruộng rau, người nông dân Trà Quế chỉ sử dụng loại phân bò ủ hoai mục và cây rêu vớt lên từ dòng sông Cổ Cò – một con sông uốn mình bao bọc vùng đất này khi chảy qua Trà Quế. “Rau Trà Quế thơm, ngon, giòn ngọt bởi địa chất, cách gieo trồng thủ công truyền thống không sử dụng phân bón hóa học và bởi tấm lòng thơm thảo của người dân”, bà Xim nói.
Lần đầu tiên về thăm Trà Quế, chị Amy – một du khách đến từ Mỹ rất phấn khởi khi được tự cầm cuốc xới đất, vun luống và trồng rau. “Tôi thấy rất thú vị, hàng ngày tôi cùng gia đình thường mua rau tươi để ăn nhưng tự tay mình trồng cây rau thì đây là lần đầu tiên. Tôi thích khung cảnh yên bình của làng rau Trà Quế, thích nụ cười hiền hậu và cởi mở, thân thiện của người nông dân trồng rau. Tôi cùng gia đình và bạn bè sẽ trở lại nơi này, nhất định thế!”.
Có thâm niên hơn 40 năm trồng rau, ông Nguyễn Lên bảo: “Mỗi đoàn khách đến trải nghiệm trồng rau là tôi thu thêm được 50 ngàn. Vào mùa du lịch hoặc dịp này, khi các du khách phương Tây nghỉ Tết để đi du lịch thì mỗi ngày có rất đông các đoàn khách tham quan. Tôi vui không chỉ vì có thêm thu nhập mà còn có dịp giới thiệu nghề trồng rau và truyền thống làng rau của mình đến với khách thập phương”, ông Lên nói.
Luôn hấp dẫn du khách
Làng rau Trà Quế hình thành từ thế kỷ XVI, cách khu phố cổ Hội An 3km. Nơi đây người dân có truyền thống trồng rau theo phương thức hữu cơ lâu đời. Hiện Trà Quế có 202 hộ dân trồng rau, diện tích 18 hécta. Tháng 4-2022, nghề trồng rau tại Trà Quế đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, thuộc loại hình tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống. Trà Quế còn có các di tích mang tính lịch sử như: giếng đá Chăm, miếu Thổ thần, miếu Ngũ hành, lễ cúng Cầu Bông cùng các phong tục, tập quán, tín ngưỡng, văn hóa ẩm thực đang được bảo tồn và phát huy hiệu quả.
Với định hướng phát triển du lịch xanh, bền vững, làng Trà Quế đã đưa vào ứng dụng mô hình làng du lịch dựa vào cộng đồng. Trong đó, gắn quá trình lao động, sản xuất của người dân với hoạt động du lịch – dịch vụ nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của khách hàng. Trà Quế hiện có 23 cơ sở lưu trú, 16 nhà hàng và nhiều loại hình dịch vụ bổ sung.
Ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết: “Thành phố đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về kinh tế, xã hội và phát triển du lịch tại làng rau Trà Quế. Các chính sách tập trung trong công tác hỗ trợ: Phát triển làng nghề, các mô hình sản xuất mới, hỗ trợ vốn, giống… tạo điều kiện cho nông dân tái sản xuất; Phát triển du lịch cộng đồng, quảng bá hình ảnh du lịch làng nghề cũng như các sản phẩm rau Trà Quế góp phần phát triển kinh tế địa phương; Phát triển về công nghệ, chuyển đổi số, mở rộng các kênh bán hàng và hình thức thanh toán trực tuyến… Ngoài ra, thành phố đặc biệt quan tâm đầu tư nhiều hạng mục hạ tầng thiết yếu như: Bãi đỗ xe, đường giao thông, nhà đón tiếp, điểm dừng chân, mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng du lịch, ngoại ngữ, kỹ năng mềm cho người dân nhằm nâng cao chất lượng phục vụ du khách”.
Phan Lệ
Bình luận (0)