Từ nhiều năm nay, khuyến mãi được xem là một hình thức thúc đẩy bán hàng hiệu quả nhất và cũng được sử dụng nhiều nhất. Thế nhưng, bên cạnh những hoạt động khuyến mãi uy tín, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, thì vẫn còn không ít kiểu khuyến mãi lập lờ, khuyến mãi dỏm, khuyến mãi “treo đầu dê, bán thịt chó”!
Khuyến mãi vào mùa
Có thể nói, đến bất cứ cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại nào, thậm chí là các sạp chợ, người tiêu dùng cũng gặp khuyến mãi, vì hoạt động này là cách giúp người bán tăng doanh thu. Hàng không còn hợp mốt, hàng bị lỗi: khuyến mãi; hàng gần hết hạn sử dụng: khuyến mãi; hàng ít người mua, cũng khuyến mãi…
Mua hàng khuyến mãi trong các siêu thị cho yên tâm |
Có rất nhiều lý do để người bán hàng “trưng” biển khuyến mãi và hình thức khuyến mãi cũng rất đa dạng, từ giảm giá, tặng quà cho đến rút thăm trúng thưởng… Mức giảm giá cũng như những món quà tặng kèm sản phẩm có giá trị rất vô chừng. Nhiều khi chỉ giảm giá 5%, 10%, nhưng cũng có khi lên đến 60%, 70%.
Với quà tặng ngay hay rút thăm trúng thưởng cũng thế! Có khi chỉ là chiếc bút bi, chiếc cặp học sinh, nhưng cũng có khi là xe máy, xe hơi, thậm chí là căn hộ trị giá vài tỷ đồng. Giá trị món quà tùy theo quy mô của chương trình khuyến mãi cũng như uy tín thương hiệu của đơn vị thực hiện.
Hiện nay, thực hiện các hoạt động khuyến mãi bài bản và uy tín là các siêu thị, các nhà kinh doanh bán lẻ hàng thiết yếu. Đứng đầu trong danh sách này là các thương hiệu Big C, Co.opMart, Maximark, Citimart… với các chương trình khuyến mãi hoành tráng. Và hình như hoạt động khuyến mãi không được thực hiện vào thời điểm nào nhất định mà diễn ra quanh năm.
Theo các chuyên gia, đây là cách mà các siêu thị dùng để thu hút một lượng lớn những người “sài sang nhất châu Á”. Và cách này xem ra đã mang lại thành công cho các nhà kinh doanh siêu thị. Thống kê của các hệ thống siêu thị trên cho thấy, sau mỗi đợt khuyến mãi, doanh số tăng gấp đôi so với bình thường.
Không chỉ vậy, thương hiệu của siêu thị ngày càng được người tiêu dùng yêu thích hơn. Ở góc độ khác, khách hàng cũng được lợi nhiều hơn từ những chương trình này. Mua hàng khuyến mãi họ giảm được chi tiêu và còn được tặng những phần quà có giá trị.
Thấy được lợi thế này nên nhiều năm nay, Sở Công Thương TP.HCM và các doanh nghiệp đã liên tiếp tổ chức Tháng bán hàng khuyến mãi. Không giới hạn ở ngành nghề, lĩnh vực hay doanh nghiệp nào, chương trình khuyến mãi mở rộng cho hết thẩy mọi đơn vị: từ siêu thị đến trung tâm thương mại, từ nhà hàng đến khách sạn, từ doanh nghiệp trong nước đến doanh nghiệp nước ngoài…, đơn vị nào có nhu cầu có thể đăng ký với Sở Công Thương.
Chương trình này đã thu hút khá đông các đơn vị tham gia và mỗi năm, số lượng doanh nghiệp tham gia mỗi tăng. Riêng năm nay, Sở Công Thương dự kiến có khoảng 600 đơn vị tham gia, tăng hơn 100 doanh nghiệp so với năm 2009.
“Giá ảo”, “treo đầu dê”
Bên cạnh các đơn vị làm ăn uy tín, thực hiện khuyến mãi đàng hoàng cũng có không ít doanh nghiệp “treo đầu dê, bán thịt chó”. Và thường những trường hợp này rơi vào các doanh nghiệp kinh doanh quần áo, giày dép, mỹ phẩm…
Trong thời điểm này, muốn tìm những đơn vị khuyến mãi dỏm rất dễ. Chỉ cần đến các “con đường thời trang” như Hai Bà Trưng, Cao Thắng, Nguyễn Trãi…, khách hàng sẽ thấy rất nhiều biển hiệu như “Hàng Mỹ, giảm giá 30%, 40%, 50%”… treo trước các cửa hàng.
Vào trong mới thấy, những bộ đồ “hàng Mỹ” này chủ yếu được sản xuất trong nước hoặc là hàng xuất khẩu nhưng lỗi mốt, không đủ kích cỡ nên mang ra bán rẻ cho khách. Nhiều người không am hiểu loại hàng này chắc chắn sẽ bị “hớ”.
Đó là còn chưa nói đến kiểu khuyến mãi “dương Đông, kích Tây”: rao giảm giá nhưng chỉ có vài món giảm, hoặc hàng để biển giảm giá nhưng thực chất người bán đã nâng giá lên khá cao trước khi thực hiện giảm giá. Vì thế, đâu vẫn hoàn đấy, khách hàng cứ tưởng mua được giá hời nhưng thực ra có rẻ bao nhiêu đâu, thậm chí là mua đúng giá, còn giảm giá chỉ là “giảm giá ảo”.
Không chỉ thế, hiện nay đang rộ lên hình thức bán hàng qua tivi, cũng là một kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó” khiến nhiều người lo lắng. Điển hình là trường hợp mua hộp thuốc “đánh bay tất cả các vết sẹo” hay “trị mụn, giúp da láng mịn”, nhưng “sau một thời gian dùng” – như lời quảng cáo trên tivi, mọi thứ vẫn y như cũ.
Hay như cây lau nhà đa năng chỉ sau vài lần dùng đã hư khiến không ít khách hàng phải tìm đến Hội Bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, dù có “gõ cửa” các cơ quan chức năng, nhưng đến khi được giải quyết thì họ cũng đã “tiền mất, tật mang”.
Theo các chuyên gia, thật ra, bán hàng qua tivi là một hình thức bán hàng rất phổ biến ở các nước trên thế giới. Người tiêu dùng, đặc biệt là các bà nội trợ, thường chọn hình thức này để sắm sửa vật dụng trong gia đình. Thế nhưng, khi du nhập vào Việt Nam, do chưa có luật quản lý chặt chẽ nên hình thức này bị biến tướng, bị những người làm ăn không chân chính lợi dụng để trục lợi.
Chính vì vậy mà hiện nay, nghe nói đến bán hàng qua tivi là nhiều người tỏ ra ngán ngại và họ cho biết, kiểu kinh doanh “lừa đảo” này sẽ không bao giờ “moi” được đồng nào của họ dù “hàng tốt, hàng chất lượng” được giới thiệu ra rả trên các kênh truyền hình mỗi ngày.
MINH HÀO/ DNSG
Bình luận (0)