Không giấy tờ, không hộ khẩu, không tiền bạc, không đúng tuổi… trẻ nhập cư phải kiếm tìm con chữ ở những lớp học tình thương, phổ cập.
Đi học buổi xế chiều
Đúng 4h30 chiều, nhiều khuôn mặt đen nhẻm, ngăm ngăm hăm hở bước vào lớp chuẩn bị cho buổi học như mọi ngày. Những học sinh ở đây không cần đến đồng phục, quần áo đủ màu, đủ kiểu, "đầu gà đít vịt", bạc màu và nhăn nhúm…
Mỗi chiều tối, trẻ em lại tập trung ở đây để được học chữ. |
Việt Hưng, học sinh lớp 4 khoe: “Hôm nay, em đi bán bánh cam cho mẹ được nhiều lắm. Em ráng bán xong sớm để về đi học cho kịp đó”.
Cũng như Hưng, nhiều HS các lớp cũng phải trải qua một ngày không phải là áp lực học hành, mà là thời gian các em rong ruổi giúp ba mẹ kiếm tiền. Và buổi chiều là lúc các em mong đợi để đến trường gặp bạn bè và cô giáo.
Lớp học phổ cập ở Trường Tiểu học Tân Phú (Q.9) được người dân nơi đây gọi với cái tên gần gũi là lớp học tình thương. Hình thành đã được 8 năm, lớp học ngày càng tăng số lượng HS. Từ một lớp chỉ mười mấy em, giờ đây, lớp học đã lên đến gần 200 em từ lớp 1 tới lớp 5.
Ban ngày, các em đi làm thêm. Chiều tối, các em lại cặm cụi học bài. |
Mỗi chiều thứ 2 đến thứ 6, từ 4h30 đến 6h15, các em được đến trường và học hành mà không phải đóng học phí. Học trò ở đây là con em những người dân từ Sóc Trăng, Trà Vinh, Tây Ninh… lên làm ăn buôn bán nhưng không có giấy tờ và không có tiền cho con đi học ở các trường.
Chị Liên, phụ huynh có con học lớp 2 kể: “Nghèo quá, không đủ tiền cho con đi học, tìm hoài tôi mới tìm thấy ở đây có lớp tình thương, nên từ Bình Dương tôi mang con qua tận đây cho nó được học như các bạn”.
Còn chị Lan, phụ huynh có cả 2 đứa con, một học lớp 1, một học lớp 3, sống ở gần trường đã 10 năm nay nhưng vẫn chưa có giấy tờ cho con đi học lớp chính quy đành phải gởi con vào đây học.
Cô Nguyễn Thị Tâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Phú, và cũng là phụ trách lớp học phổ cập tâm sự: “Ngoài những em quá tuổi vì không được đi học, còn có những em đủ tuổi nhưng không có giấy tờ. Việc học của các em rất thất thường do ít được phụ huynh quan tâm. Cứ mùa lễ hội, nhiều em phải bán trái cây, bán nước nên không đến trường được”.
Ngày trước, lớp học được gọi là lớp xóa mù chữ, rồi lớp tình thương ở chùa, ở nhà thờ và phần lớn do các sinh viên đứng lớp. Sau này, lớp học được tập trung tại Trường Tiểu học Tân phú và do chính giáo viên của trường dạy 4 môn học chính để đảm bảo thời gian, và chương trình cho HS.
Cô Tâm cho biết: “Rõ ràng, với các em này, chúng thiệt thòi vì chỉ được học các môn chính, không được sinh hoạt, học nhạc, vẽ hay thể dục… như các học sinh khác. Tuy nhiên, Những HS nào học xong tiểu học, đủ điều kiện đều được chuyển lên phổ thông học tiếp”.
Cô Tâm ngậm ngùi kể tiếp: “Thế nhưng, cũng có nhiều trường hợp, HS đủ trình độ nhưng không có giấy tờ thì trường đành chịu”.
Lớp học cho trẻ xóm nhập cư
Sống ở khu vực dưới chân cầu Nhị Thiên Đường, Q.8, những đứa trẻ ở đây đều có hoàn cảnh khó khăn, hầu hết không có giấy khai sinh, hộ khẩu… Nếu không có lớp học tình thương mở ra tại chùa Liên Hoa, có lẽ, nhiều đứa trong số chúng không thể được đến trường.
Lớp học cho trẻ xóm nhập cư (Q.8). |
Không phải đi học buổi xế chiếu, những đứa trẻ ở đây đến lớp vào mỗi sáng 3, 5, 7 hoặc 2, 4, 6. Buổi còn lại trong ngày, chúng lại phụ giúp ba mẹ kiếm tiền sinh nhai.
Lớp học được sư Thích Thiện Quý mở ra từ năm 2006 do nhìn thấy lũ trẻ ở xóm nhập cư lang thang nhưng thất học. Đến giờ, sau quá trình vận động, lớp học đã tăng lên gần 30 em. Đứa nào cũng nghèo, cũng cực.
Và đó cũng là tình cảnh chung của nhiều trẻ nhập cư khác không có giấy tờ, hộ khẩu, hay tiền bạc… Cũng vì thế, ở các quận trên địa bàn TP.HCM, lớp phổ cập và tình thương được mở ra nhiều nơi. Tại quận 9, trong 13 phường cũng đã có đến 9 phường có lớp phổ cập và 2 lớp tình thương dành cho cấp tiểu học.
Các lớp phổ cập và tình thương này chủ yếu được tổ chức vào ban đêm, bởi ban ngày, các em phải đi làm phụ ba mẹ.
Theo ông Nguyễn Trọng Cường, Trưởng phòng Giáo dục quận Thủ Đức, ở quận Thủ Đức, việc mở các lớp phổ cập không được khuyến khích. Tuy nhiên, với tình trạng dân nhập cư tăng như hiện nay, quận buộc phải có các lớp phổ cập cấp tiểu học ở mỗi phường để những em không đủ tuổi, không đủ giấy tờ được đến trường.
Lặn hụp trong chuyện mưu sinh, tuổi thơ của trẻ em nhập cư đã quá thiệt thòi. Với mớ chữ nghĩa chắt mót được ở những lớp tình thương, phổ cập, con đường tương lai của các em thật mịt mờ…
Minh Quyên/Vietnamnet
Bình luận (0)