Gặp cô bé Trần Thị Nhạn (quê ở Noong Hẹt, Điện Biên) trong căn phòng trọ chật hẹp của sinh viên Trường cao đẳng Kinh tế công nghiệp Hà Nội, khó ai có thể nghĩ em đã trải qua những năm tháng đầy nước mắt…
Trong căn phòng trọ chật hẹp, Nhạn đang nuôi ước mơ lớn – Ảnh: Vĩnh Hà |
Nhạn không có cha, người mẹ tật nguyền do di chứng của não đã sinh ra em trong vô thức. Nhạn không một ngày được hưởng tình yêu thương của cha mẹ. Mẹ đã ngoài 40 tuổi nhưng vẫn lơ ngơ như trẻ nhỏ, nỗi lo thường nhật san sẻ dần cho cô bé vừa tròn 18 tuổi.
Nhạn kể từ nhỏ em đã sống với ông bà ngoại. Đồng lương bộ đội phục viên của ông chia ra nuôi mấy miệng ăn trong nhà, gom góp cho Nhạn được đến trường, rồi cũng cạn kiệt dần theo sức lực của ông cụ 80 tuổi. 10 tuổi, Nhạn theo bà đi hái rau bán. Ròng rã nhiều năm cô bé phải dậy từ 4-5g sáng, bất chấp ngày nóng hay giá rét để đi hái rau kịp mang ra chợ.
Ngày được 5.000 đồng, ngày 7.000 đồng, Nhạn bảo: “Thế cũng đủ tiền ăn trong ngày”. Các bà, các cô ở chợ đã quen với cảnh con bé có khuôn mặt buồn buồn, rụt rè gánh rau ra chợ. Việc gì làm ra tiền Nhạn cũng nhận. Mùa hè của nhiều bạn là những ngày vui chơi, còn mùa hè của Nhạn bắt đầu bằng nhiều công việc để kiếm tiền.
Nước mắt chan hòa trên khuôn mặt buồn của Nhạn, em kể câu chuyện của mình: “Mặc cảm với bạn bè khiến nhiều lúc em không muốn đến trường nữa. Nhiều khi buồn, khổ chỉ biết chạy ra đêm tối khóc một mình. Những khi đau ốm, cảm giác trống vắng tình yêu thương của cha mẹ càng lớn hơn. Những khi buồn hay vui em đều ước được có mẹ để trò chuyện, nhưng điều đó là không thể.
Nỗi lo thiếu thốn đeo bám suốt những năm tháng em học phổ thông. Ông bà ngày càng già yếu, không có công việc ổn định, đến đàn gà nhà nuôi cũng bị dịch mà chết hết. Thiếu thốn làm người lớn cáu gắt nhau, nỗi day dứt càng lớn lên trong em… Năm lớp 12, đã nhiều lần em nghĩ đến chuyện bỏ học chỉ vì không có tiền. Ngồi trước bàn học, khi nào em cũng nghĩ đến chuyện “bỏ học hay tiếp tục, tiếp tục hay bỏ”…”.
Vậy mà trong nỗi day dứt ấy, Nhạn đã thi đỗ vào Trường cao đẳng Kinh tế công nghiệp Hà Nội, niềm vui trộn lẫn nỗi buồn. Nhưng gần ngày nhập học Nhạn vẫn không biết mình có thể đi học được không. Nhạn kể em từng khóc đến ngất đi chỉ vì thất vọng. Nhưng khi tỉnh dậy nhìn ông bà già yếu, nhìn mẹ không thể lo nổi cho bản thân, Nhạn đã quyết tâm đi học. Nhạn hi vọng có thể kiếm được việc làm thêm để tiếp tục hành trình vừa kiếm sống vừa học hành. Nhạn nói: “Em không muốn từ bỏ cơ hội được học. Vì có học mới có nghề nghiệp, mới có thể kiếm tiền lo cho mẹ. Ông bà không thể lo cho hai mẹ con em được lâu nữa và sau này mẹ cần phải nương tựa vào em”.
Được đi học tiếp nhưng gánh lo âu đang dồn nặng trên vai cô gái bé nhỏ. Số tiền ông ngoại vay của ngân hàng cho Nhạn nhập học, trả tiền thuê trọ đã cạn, cô bé không có tiền mua bếp nấu ăn, hằng ngày gặm bánh mì qua cơn đói để đến trường. Một mình giữa nơi xa lạ, nhưng muốn quay về cũng không được đơn giản chỉ vì không có tiền.
Giờ Nhạn nói: “Em buộc phải mạnh mẽ và tiến lên phía trước. Đi ra ngoài mới thấy cũng có bao người khổ như mình, khổ hơn mình, điều đó khiến em nghĩ không thể cứ ngồi khóc. Em ước mong một ngày không chỉ lo được cho em, cho mẹ, mà còn có thể giúp đỡ những người khác. Ước mơ đó còn quá xa, nhưng em sẽ bắt đầu bằng hành trình học tập mới này”.
VĨNH HÀ / TTO
Bình luận (0)