Nhiều trường cấm vì cho rằng học sinh có thể mang đi chơi, không thống nhất, khó quản lý.
Trong nhiều năm gần đây, một số trường trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) tại TP.HCM đưa ra quy định cấm học sinh (HS) mang ba lô khi đến trường. Điều này đã gây nhiều ý kiến trái chiều từ phụ huynh và học sinh.
Tuân thủ nhưng không biết lý do
Việc cấm mang ba lô được quy định ở một số trường học trong TP như THCS Lữ Gia (quận 11), THCS-THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, THPT Trưng Vương (quận 1), THPT Mạc Đĩnh Chi, THPT Bình Phú (quận 6)… Đa số HS ở các trường này đều sử dụng cặp xách tay chữ nhật dạng công sở, chủ yếu là màu đen, một số trường còn quy định không được sử dụng quai đeo. Nhiều HS than thở rằng việc mang cặp xách tay khiến các em thấy nặng và đau vai. Tuy nhiên, khi được hỏi nguyên nhân vì sao trường quy định như vậy thì đa phần cả HS lẫn phụ huynh đều không biết. “Quy định này đã có từ nhiều năm, được xem như truyền thống của trường. Tôi cũng không biết vì sao trường lại cấm như vậy” – chị NTP, phụ huynh HS Trường THPT Trưng Vương, cho biết.
Em VA, HS lớp 10 THPT Trần Đại Nghĩa, nói: “Em chỉ được biết quy định của trường là cấm mang ba lô vào ngày học chính thức, ngày lễ thì vẫn được đeo bình thường”. Còn em Thảo Nguyên (cựu HS Trường THCS Ngô Sĩ Liên và THPT Phú Nhuận) cho biết: “Việc phải đeo cặp xách tay gây nhiều bất tiện lắm, chẳng hạn trong những ngày học ít môn, chỉ cần mang ba lô sẽ gọn và tiện hơn thì lại phải mang cặp xách tay vừa nặng lại không đẹp”.
Việc mang ba lô đi học có nhiều ý kiến trái chiều từ phụ huynh và học sinh. Ảnh: HTD
Cấm để dễ quản lý?!
Nguyên nhân chính được các trường đưa ra là do ba lô có nhiều kiểu dáng, màu sắc quá đa dạng tạo cảm giác không đồng bộ, khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Việc cấm mang ba lô sẽ tạo được sự thống nhất và giúp các trường tạo nên tính kỷ luật cho trường mình. Hơn nữa, việc HS mang ba lô sẽ tạo cảm giác giống như đi chơi, không phù hợp với môi trường học đường. Theo thầy Nguyễn Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Mạc Đỉnh Chi, nhiều năm trở lại đây, trường có quy định cấm HS mang ba lô vì muốn tạo hình ảnh HS chỉn chu trong môi trường học đường. Ba lô thường thuận lợi cho HS mang đi chơi lại khiến nhà trường khó quản lý”.
Trả lời câu hỏi nếu cấm HS mang ba lô thì trường có quy định phải mang cặp sách như thế nào không, thầy Minh cho biết: “Trường không quy định nghiêm ngặt phải mang cặp như thế nào, miễn là cặp xách tay và không có quai đeo như ba lô là được. Quy định này tạo được tính kỷ luật trong trường học và kỷ luật tốt thì HS mới học tốt được”.
Đồng quan điểm, cô Thu Hà, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lữ Gia, cho biết nguyên nhân khiến trường quy định cấm mang ba lô là do: “Khi mang ba lô, HS sẽ có tâm lý của người đi chơi, không có tác phong của người đi học. Hơn nữa, đó cũng là nội quy của nhà trường nhằm đảm bảo sự đồng loạt, thống nhất”.
Không cấm, chỉ tư vấn cho HS
Thầy Nguyễn Hào Hiệp, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Tân Phú), cho biết: HS phổ thông mang cặp, túi xách gọn gàng, đặc biệt là HS nữ sẽ tôn vẻ đẹp, hình ảnh đẹp của người HS. Tuy nhiên, trong môi trường học đường, nhà trường không thể để cho HS muốn mang loại cặp, túi xách, ba lô nào cũng được. Lứa tuổi mới lớn hay có những phút nổi loạn muốn làm cho người khác chú ý bằng cách mang những loại cặp, ba lô “không đụng hàng”, mang lại những hình ảnh không đẹp mắt cho mọi người và nhà trường dễ bị đánh giá là dễ dãi. Đầu mỗi năm học, ngoài việc HS chọn cặp sách trang nhã, gọn gàng nhà trường cũng đáp ứng nhu cầu học hai buổi/ngày của HS cần mang theo những đồ dùng cá nhân. Vì vậy, nhà trường có họp và hội ý với phụ huynh về mẫu mã, thiết kế ba lô và cả giá cả để phụ huynh đặt hàng cho con em mình.
Thầy Lê Xuân Giang, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4), có góc nhìn thoáng hơn, cho rằng học trò mang cặp xách hay ba lô đều được. Tuy nhiên, những loại này không nên quá nhiều dây, nhếch nhác, ˝hầm hố˝. ˝Giáo viên, gia đình cần tư vấn cho học trò, con em mình chọn ba lô nhã nhặn, gọn gàng. Tôi nghĩ không nhất thiết phải có quy định cứng nhắc cấm hay không cấm˝.
Q.VIỆT ghi
|
NHÃ UYÊN (PL)
Bình luận (0)