Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Đi khám ngay khi nước tiểu ít

Tạp Chí Giáo Dục

Do chủ quan với bệnh lý của mình, ông T.V.B., 68 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TP.HCM, suýt bị suy thận cấp. Trước khi nhập viện một ngày, ông bị đau vùng hông lưng.
Cơn đau âm ỉ, lâu lâu quặn lên từng cơn nhưng ông vẫn chịu đựng vì cứ tưởng đây là cơn đau do sỏi thận bên phải gây ra như mọi lần. Do ông đã có kinh nghiệm đi khám sỏi thận, đã nhiều lần tự dùng thuốc thấy đỡ đau nên quyết định ở nhà. Chỉ có điều ông không để ý là lần này việc đi tiểu có bất thường, số lượng nước tiểu chưa tới 200ml trong 24 giờ. Đến khi ông cảm thấy khó thở, tim đập nhanh, huyết áp tăng vọt mới chịu vào bệnh viện.
Các bác sĩ đã cho ông B. làm hàng loạt xét nghiệm, siêu âm bụng, chụp X-quang bụng, chụp đường niệu có thuốc cản quang (UIV). Kết quả ông bị sỏi kẹt niệu quản phải, ở đoạn 1/3 trên. Chính vì sỏi kẹt làm nước tiểu không xuống bàng quang được, tạo áp lực trong hệ thống đường niệu, làm giảm chức năng lọc của thận. Nếu áp lực này lên cao nữa thì chức năng lọc của thận ngừng hẳn (không có nước tiểu), ông B. có thể bị suy thận, gây ra nhiều rối loạn nguy hiểm đến tính mạng.
Qua trường hợp ông B., người bệnh có tiền căn sỏi thận hay sỏi niệu quản cần lưu ý đo số lượng nước tiểu sau khi có cơn đau quặn thận. Nếu lượng nước tiểu giảm dưới 500 ml/24 giờ, cần đi khám ngay. Để đo chính xác, người bệnh nên hứng nước tiểu vào lọ thủy tinh có vạch ngấn hay vỏ chai nước suối.
Vô niệu do tắc nghẽn là hội chứng thận ngừng bài xuất làm bàng quang không có hoặc có rất ít (dưới 200 ml) nước tiểu. Khác với bí tiểu là thận vẫn bài xuất nước tiểu, nhưng bệnh nhân không đi tiểu được vì nguyên nhân nào đó (như u tuyến tiền liệt…). Nguyên nhân gây vô niệu thường gặp nhất là sỏi niệu quản. Đây là một cấp cứu nội ngoại khoa cần được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm.
BS MẠNH HÀ (TTO)

Bình luận (0)