Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đi làm 3 tháng có đủ tiền hoàn học phí đại học?

Tạp Chí Giáo Dục

Tính toán thu nhập của 3 đến 8 tháng sau khi đi làm có thể bằng với khoản học phí của quá trình học đại học đã bị một số đại biểu “bác” lại. Trong khi đó, vấn đề tăng học phí nói chung đã thực sự “phân đôi” các đại biểu Quốc hội.

Được xác định là “liên quan đến mọi nóc nhà”, đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục đào tạo đã thu hút tới 34 ý kiến phát biểu sôi nổi tại hội trường, ngày 9/6.
“Đề án thiếu tính thực tiễn”
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đặt vấn đề, đề án đã chín muồi chưa và tại sao đang lúc khó khăn lại đưa ra vấn đề tăng học phí? Ông Nghĩa cũng cho rằng, việc Bộ trưởng Giáo dục sau khi giao ban với 63 sở và hơn 100 trường đại học đã yêu cầu các sở, trường có công văn nêu rõ quan điểm rồi gửi các đoàn đại biểu Quốc hội đã thể hiện sự lúng túng, thiếu tự tin của Bộ về đề án.
Ông Nghĩa đề nghị, Bộ cần khẩn trương bổ sung nghiên cứu làm rõ vấn đề, nhà nước dành 20% ngân sách giáo dục, Bộ đã quản lí, chi tiêu nguồn này như thế nào. Bộ không thể nói không đánh giá được với lí do như trong đề án là Bộ chỉ quản lí 5% nguồn đó, còn lại thuộc về các bộ ngành và địa phương. Bởi lẽ, ai sẽ là người chịu trách nhiệm báo cáo với quốc dân việc dùng số còn lại, chi tiêu như thế nào?  
Đại biểu Huỳnh Nghĩa: "Bộ không thể nói, Bộ không đánh giá được hiệu quả ngân sách đầu tư cho giáo dục".
Đã có sự “lẩn tránh” trách nhiệm của Bộ khi đưa ra lí do để không đánh giá được hiệu quả đầu tư cho giáo dục là ý kiến của đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hoá). “Tình trạng lãng phí còn nhiều, động vào đâu cũng có vấn đề mà nếu quản lí tốt hơn thì giảm được đóng góp của người dân, nhưng đề án không làm rõ được vấn đề này”, ông Cuông phân tích.
Ông Cuông cũng “phê” những nội dung trong đề án. Chẳng hạn, đề án tính toán chỉ đi làm 3 đến 8 tháng có thể hoàn vốn học phí cho thời gian học đại học là chưa ổn, bởi lẽ gia đình phải nuôi con em ăn học cả quá trình với rất nhiều chi phí khác và chưa kể, nhiều em ra trường còn thất nghiệp (một số đại biểu khác sau đó cũng chia sẻ quan điểm này).
Với bậc học mầm non, đề án cho rằng, nếu miễn học phí, các em ở nhà sẽ đi học, 6 triệu trẻ sẽ ra lớp, từ đó không còn ngân sách cho các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề…  theo ông Cuông, phân tích này khiến đại biểu “phát hoảng” đồng thời cho thấy, Bộ lại một lần nữa “nói không” với mầm non. “Không biết, cơ sở của phân tích này xuất phát từ đâu, nhưng lại trái với cách thức để tiến tới ai cũng được học hành”, ông Cuông phản biện.
Ông Cuông thẳng thắn nhận xét, nội dung đề án thiếu tính thực tiễn, khách quan, khoa học và không thể gọi là đề án đổi mới cơ chế tài chính. Các nhóm giải pháp mờ nhạt và chỉ tập trung vào nhóm giải pháp tăng học phí.
Riêng cách tính học phí, đại biểu Đặng Như Lợi phân tích, tính học phí mà lại “tính từ túi người ta để ra tiền mình thu thì không phải”. Ông Lợi gọi đó là tính “giật lùi” vì lẽ ra phải bắt đầu từ nhiệm vụ để ra cơ cấu chi, ra cơ cấu cần tính học phí thế nào.
Từ những phân tích của mình, ông Lợi cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ chủ trương của Chính phủ, nhưng lại không đồng ý với đề án. “Chính phủ cần xem xét chuẩn bị lại đề án, có phản biện sâu sắc hơn, còn Quốc hội nên giao cho Uỷ ban Tài chính, ngân sách chủ trì thẩm tra thì đúng chuyên môn và phản biện sẽ sâu hơn”, ông Lợi đề nghị.
“Không tăng sẽ làm khó thêm tình hình”
Khác với những quan điểm trên, đại biểu Phạm Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, học phí 10 năm qua không thay đổi, trong khi GDP bình quân theo đầu người đã tăng 4,7 lần, lương tối thiểu tăng 1,86 lần… Ông Hùng cho biết, khi ông trả lời về học phí của sinh viên VN là 10USD/tháng/sinh viên, các bạn nước ngoài không tin. Nhưng khi biết điều đó là chính xác, họ cho rằng “mức đầu tư ấy với chất lượng có được đã là rất đáng phục”.
Cũng theo ông Hùng, chúng ta nói thu nhập giảng viên cao, chỉ đúng ở 1 bộ phận nhỏ, tức những giảng viên lâu năm. Cán bộ giảng dạy trẻ cuộc sống đang rất khó khăn, trong khi ở nhiều trường, tỷ lệ giáo viên trẻ lên tới 50%. “Lương chỉ 1,2-1,7 triệu đồng/tháng, nhiều người ở nhà trọ, ăn cơm bụi như sinh viên thì làm sao đòi hỏi chất lượng giảng dạy”, ông Hùng phân tích.
Theo ông, tăng học phí không phải để bù đắp lương cho cán bộ giáo dục mà tăng học phí là việc đương nhiên qua hàng năm của mọi nền giáo dục trên thế giới… 
Các đại biểu sẽ đưa ra "phán quyết" cuối cùng với đề án vào tuần tới
Đại biểu Lương Phan Cừ (Cà Mau) ủng hộ, đổi mới là cần thiết vì ngân sách chi cho giáo dục đã đến mức không thể chi hơn được nữa. Ông Cừ cũng dẫn lại lời của một hiệu trưởng đại học: Nếu cơ chế tài chính giáo dục mới không được vận hành chúng ta có thể làm khó thêm tình hình.
Theo ông, nếu không có thêm đóng góp của người dân, không thể mở thêm trường lớp, không mở rộng điều kiện đào tạo toàn diện.
Về phía ngành giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, đề án nhắm tới nhiều yếu tố “tăng” như: tăng hiệu quả đầu tư cho giáo dục, tăng số người đi học, tăng chất lượng, tăng tính gần gũi của giáo dục. Sự đóng góp theo đề án không gây ra quá tải với người dân.
Về áp dụng thực tế, ông Nhân lấy dẫn chứng cụ thể là tỉnh Lạng Sơn, nếu áp mức học phí mới thì ở thành phố cao hơn hiện hành 2 – 25 ngàn/tháng, trong khi khu vực nông thôn có thể thấp hơn 10 – 14 ngàn/tháng. Áp dụng vào tỉnh Thanh Hóa, thành phố, ngoại thành, thị trấn sẽ cao hơn khung hiện hành, nhưng các khu vực còn lại sẽ thấp hơn.
Đáp lại những lo ngại về bậc học mầm non, ông Nhân cho biết, tỉ lệ học mầm non của ta hiện nay đạt 70%, gấp đôi Trung Quốc và cao hơn cả Mỹ. Hiện ngành cũng đang chuẩn bị làm đề án cho bậc học này, trong đó khu vực miền núi hầu hết được giảm học phí.
Riêng bậc đại học, cao đẳng đến năm 2010 tất cả đều phải được đánh giá chất lượng, trên cơ sở đó áp mức học phí cho phù hợp.  
Cấn Cường (dan tri )

Bình luận (0)