Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đi lễ Tết

Tạp Chí Giáo Dục

 

LTS: Tiến sĩ sử học Nguyễn Mạnh Hùng (ảnh) là nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hóa Việt Nam và Nhật Bản từ những năm 1965 tại Sài Gòn. Ông đã cống hiến cho chúng ta những nguồn tư liệu quý, những bài viết có giá trị lấy ra từ trong Bộ sưu tập Việt Nam học mà ông đã góp nhặt hầu hết cuộc đời mình. Trong số những tư liệu góp nhặt ấy, ông đã phát hiện, nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về đề tài “Xã hội Việt Nam cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20 – thông qua công trình “Technique du Peuple Annamite” (kỹ thuật của người An Nam) của Henri-Oger – Hà Nội 1908-1909.
Nhân Tết Canh Dần năm nay, ông muốn giới thiệu với bạn đọc Giáo Dục TP.HCM tập quán “đi lễ Tết” trích từ công trình nghiên cứu Tết của Việt Nam vào đầu thế kỷ này – khi thực dân Pháp chưa kịp thay đổi hết những phong tục thuộc về bản sắc văn hóa của dân tộc. Nhìn chung, để thưởng thức 3 ngày Tết của dân tộc Việt Nam, chúng ta phải trải qua 3 giai đoạn: trước Tết, trong Tết và sau Tết. Sau đây là giai đoạn sau Tết, tức là phần “đi lễ Tết”.
1. Lễ bên nội, lễ bên ngoại, lễ nhà thầy
Cúng gia tiên xong, các hàng chú bác và con cháu phải đến nhà thờ đại tông và nhà thờ chi, làm lễ tổ. Hào trưởng, hương lý ra đình làm lễ tế Thần, tế Tổ làng, theo nghi thức trọng thể chiếm trọn cả buổi sáng mùng Một.

Đi lễ Tết

 
Nhiều nơi có tục tế đình xong, một số quan viên đại diện cả làng đi lễ yết các cửa họ.
Những người cùng một chi – riêng đàn ông – sau khi lễ tổ tiên các nhà chi họ mình rồi thì đến lễ tổ tiên các nhà chi trên và chi dưới, đồng thời gặp gỡ chúc Tết nhau.
Nhưng vì làng nước rộng, họ hàng đông, không thể đi đàng này bỏ đàng kia, nên lại cắt đặt cho con cháu đi thay sao cho chỉ trong ngày mùng Một phải đi lễ khắp cả. Như vậy là xong lễ bên nội. Sang ngày mùng Hai phải đi lễ bên ngoại.
“Mùng Một thì ở nhà cha
Mùng Hai nhà vợ, mùng Ba nhà thầy”.

Mang quà đi biếu

 
Tuy vậy, nhiều nơi đi lễ nhà họ ngoại lại vào mùng Một. Duy có tục cỗ đơm thì bao giờ họ nội cũng đơm ngày mùng Một; họ ngoại, ngày mùng Hai. Ngày mùng Ba là ngày hoàn toàn của gia đình, không ai đi lễ Tết ngày này cả, trừ học trò đồng môn; dù đã lớn tuổi, dù đã có chức trọng quyền cao cũng phải đến bái niên thầy và lễ gia tiên thầy. Các cửa họ và các đền miếu hóa vàng và đóng cửa sau buổi tế lễ trưa ngày mùng Ba.
2. Lễ cả nhà người khác
Người Việt Nam không chỉ thờ phụng tổ tiên nhà mình mà còn tôn trọng cả tổ tiên nhà người khác. Do dó, tục đi lễ Tết phát sinh. Lễ Tết không phải chỉ để chúc mà chính là để lễ. Con cháu phải đến lễ Tết nhà gia trưởng. Bạn bè hàng xóm, họ hàng đến lễ Tết nhà nhau. Người chịu ơn đi lễ Tết người ra ân. Con nợ đi lễ Tết chủ nợ. Con bệnh đi lễ Tết thầy lang, học trò lễ Tết thầy… và người trong Hội đồng kỹ mục đến lễ Tết nhà ông Tiên chỉ, cũng như đến lễ Tết trong từng nhà với nhau.
Các quan cấp dưới cũng phải gởi đồ Tết quan trên. Vì vậy mà các đại quan tràn ngập đồ Tết. Thường thường, các vị đó lại đem tặng bạn bè hoặc cho quân lính, kẻ hầu người hạ để mọi người được hưởng lộc. Tất cả các quan lại không buộc phải dâng Tết Vua Chúa”.
“Đồ Tết của người dưới đối với người trên hầu hết là thực phẩm: gạo, heo, gà, vịt, cau, đường, trái cây, bánh, mứt… Nếu là quân lính sẽ họp nhau cùng Tết viên quan chỉ huy trực tiếp. Họ mang đồ Tết đến nhà quan bằng một nghi thức trang trọng. Đi đầu là viên cai đội (chỉ huy từ hai đến sáu thuyền, mỗi thuyền từ 30 đến 60 lính) rồi đến lượt binh lính bưng một quả (hộp) gạo và khênh con heo mới giết đặt lên bàn để trước mặt quan. Viên quan ngồi giữa nhà thật oai nghiêm. Quân lính lạy quan sát đất, ba lần. Quan nhận đồ Tết rồi bảo người hầu đem cất đi, sau đó ban quà mừng tuổi cho lính, tương xứng với đồ Tết. Còn quà mừng tuổi của Vua Chúa cho các quan là một bộ phẩm phục, đặt trong quả (hộp), áo sơn son vẽ rồng cùng một mẫu. Vua Chúa sai người bưng quả áo đến nhà viên quan, đi theo có lính che lọng quà mừng tuổi. Việc che lọng nói trên trông có ý tránh mưa, nhưng chỉ là tỏ sự cung kính món quà Vua Chúa ban” (theo MARINI – Relation nouvelle et curieuse des Royaumes de Tonquin et de Lao, Paris, 1666, p.245, 246).
Đến mỗi nhà, người đi lễ Tết phải tỏ ra nhanh nhảu. Khi lễ trước bàn thờ bốn lạy và ba vái. Lễ Tết xong lại chúc Tết, rồi nhà chủ mới mời khách ngồi chơi ăn trầu hay uống nước nơi trường kỷ. Xong tuần trầu nước, chủ mời uống rượu ăn cỗ, ăn bánh. Khách cũng phải giữ lễ, nhấm nháp tí rượu, xơi tí rượu hay tí thuốc lào – nếu từ chối cỗ bánh – hoặc ăn vài miếng mứt, cắn tí tách vài hạt dưa lấy lệ. Ba ngày Tết ai cũng sợ mâm cao cỗ đầy.
 
Nguyễn Mạnh Hùng

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)