Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đi lên từ trường nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Anh Nguyễn Phùng Tấn đang hướng dẫn học viên hệ trung cấp nhà trường đọc bản vẽ sơ đồ của máy tiện. Ảnh: V.M

Quan niệm “Đại học là con đường duy nhất” nay không còn phù hợp. Bởi, hiện nay có nhiều người chỉ học trung cấp sau đó phấn đấu trở thành giảng viên hay nhà quản lý giáo dục và có không ít người đã trở thành doanh nhân thành đạt.
Thành công từ trường nghề
Năm 1982, sau khi tốt nghiệp THPT, anh Nguyễn Phùng Tấn, hiện là Phó trưởng khoa Cơ khí, Trường Kỹ thuật Cao Thắng TP.HCM đã chọn con đường học nghề với mong muốn “ra trường có một nghề để đi làm kiếm tiền lo cho cuộc sống gia đình”. Chàng trai Nguyễn Phùng Tấn bước vào trường nghề mà chưa biết được nghề cơ khí là gì, chỉ biết rằng “có nghề trong tay, sẽ đổi thay được cuộc sống”. Vậy là sau những giờ lên lớp, rồi thực hành bên máy móc niềm đam mê nghề cơ khí đã dần nhen nhóm trong anh ngày càng lớn hơn. Hai năm học, anh Tấn không ngừng học hỏi, nghiên cứu để rồi tốt nghiệp loại ưu với “chức danh” anh thợ máy bậc 3/7 và đã được giữ lại trường làm trợ giảng.
Khi đã có thể kiếm sống và phụ giúp gia đình bằng đồng lương do mình làm ra, năm 1987, anh Tấn nhận thấy muốn phát triển nghề thì phải học cao hơn nữa. Nói là làm, anh đăng ký thi vào Khoa cơ khí, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM. Năm 1992 tốt nghiệp Trường Bách khoa, anh “lên chức” thành giảng viên chính của Trường Kỹ thuật Cao Thắng TP.HCM. Đến năm 1999, anh trở thành Phó trưởng khoa Cơ khí. Anh Tấn khẳng định: “Muốn theo học nghề thì phải học thật giỏi. Giỏi nghề mới sống được với nghề và xã hội sẽ tôn trọng mình”.
Cũng xuất thân từ trường nghề như anh Tấn, anh Trần Thanh Hùng (Giám đốc Công ty tin học Thành Nghĩa, Gò vấp, TP.HCM) lại khởi nghiệp từ lớp trung cấp tin học. Xuất phát từ hai bàn tay trắng, đến nay anh Hùng đã sở hữu một doanh nghiệp cung cấp máy vi tính, linh kiện và phần mềm có doanh thu mỗi năm hàng tỷ đồng. Nhưng ít người biết rằng chàng thanh niên 33 tuổi này mà bạn bè thường gọi đùa là “Hùng tỷ phú” lại có tuổi thơ khốn khó. Quê ở Vĩnh Long, sau khi tốt nghiệp THPT gia đình không có tiền cho Hùng đi thi đại học. Không nản chí, Hùng lên Sài Gòn phụ bán cà phê. Sau 2 năm đi làm có tiền Hùng bắt đầu đăng ký học trung cấp tin học. Năm 2005, anh xin vào làm tại một công ty tin học với mức lương 1,8 triệu đồng/tháng. Nhận thấy không thể sống bằng tiền lương, cuối năm 2005 anh nghỉ làm mở cửa hàng và cơ sở không ngừng lớn mạnh như hôm nay. Thanh Hùng tâm sự: “Ông bà ta nói nhất nghệ tinh, nhất thân vinh không sai. Nếu tôi không theo học nghề chắc giờ này tôi chỉ là người đi bán cà phê mà thôi. Bạn tôi nhiều người cũng rất thành công với xuất phát điểm từ trường nghề”.
Người thợ được tôn vinh
“Tôi được bao toàn bộ chi phí ăn ở, đi lại và thi tài trong một khách sạn 4 sao. Và đặc biệt nhất là hiện nay xã hội đã nhìn nhận người thợ với sự trân trọng” – đây là tâm sự của anh Trần Phước Tuyền, người đạt giải nhất trong cuộc thi “Cà-lê vàng” (cuộc thi của những thợ sửa xe gắn máy trên toàn quốc) vừa qua. Anh Tuyền xuất thân từ người học trung cấp nghề sửa xe gắn máy, đến nay anh không chỉ là người thợ giỏi trong “làng” sửa xe gắn máy mà còn là chủ Doanh nghiệp xe gắn máy Phước Tuyền (Bình Dương). Theo anh Tuyền, người thợ hiện nay không còn là những người chân lấm tay bùn, thu nhập bấp bênh nữa mà đã có một vị trí quan trọng trong xã hội. Riêng Trần Tuấn Hùng – thợ hàn 6G – người được Công ty cổ phần Đào tạo kỹ thuật PVD Training đưa đi xuất khẩu lao động ở châu Âu với mức lương gần 5.000 USD/tháng, chia sẻ: “Trước kia những khâu hàn kỹ thuật cao phải thuê chuyên gia từ nước ngoài, nay thì chẳng những không phải thuê mà lao động Việt Nam còn có thể ra nước ngoài làm việc. Bây giờ nhiều người không gọi tôi là thợ mà gọi là chuyên gia…”.
Ông Lê Phước Vinh – Tổng giám đốc Công ty Cor-Cal nhấn mạnh: “Nếu tôi phải đánh đổi một người thợ giỏi với một người phụ trách ở vị trí khác của công ty thì tôi sẽ chọn người thợ dù cho người kia có là phó hay trưởng phòng đi chăng nữa. Vì người thợ là người trực tiếp làm ra sản phẩm, kiếm người thợ biết việc đã khó, còn kiếm người thợ giỏi thì rất trần ai”.
Anh Tấn khẳng định: “Muốn theo học nghề thì phải học thật giỏi. Giỏi nghề mới sống được với nghề và xã hội sẽ tôn trọng mình”.
 
Văn Mạnh

Bình luận (0)