Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đi lưới thúng chai

Tạp Chí Giáo Dục

Ngư dân chuẩn bị cho chuyến đi lưới bằng thúng chai

Với ngư dân miền Trung, thuyền thúng (thúng chai) không chỉ là phương tiện đi lại, trung chuyển hàng lên ghe mà còn là phương tiện đánh bắt. Vào mùa mưa bão, ghe nghề không thể ra khơi, cái ăn hàng ngày của gia đình ngư dân trông chờ vào những mẻ lưới đánh bắt bằng thúng chai. Khởi hành vào lúc trời hừng đông, chỉ vài giờ đã vào bờ. Hôm nào giăng lưới được nhiều cá, phần để ăn trong ngày, phần còn lại đem bán.
Thanh thiếu niên miền biển, hầu như ai cũng thành thạo sử dụng thúng chai. Có người di chuyển với quãng đường từ 1-2 hải lý không cần chèo mà chỉ lắc thúng, điệu nghệ lắm. Tay lắc càng đều, thúng rẽ nước di chuyển càng nhanh. Gần 50 năm sống ở làng biển thuộc huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, ước mơ đóng một chiếc ghe làm phương tiện mưu sinh nhưng không thể, anh Nguyễn Văn Tịnh bám biển với nghề lưới thúng chai. “Mưa bão ghe nằm bờ chứ thúng chai vẫn đi lưới gần bờ được. Có ngày thu nhập 200.000-300.000 đồng nhưng cũng có hôm chỉ kiếm được vài con, không đủ ăn”, anh Tịnh nói.
Chiếc thúng chai, hai đôi lưới thì một người có thể đi đánh bắt, nuôi sống cả gia đình mấy miệng ăn. Tuy nhiên, với ngư dân, đánh bắt bằng cách này là chẳng đặng đừng. “Không điều kiện sắm sửa ghe nghề mới làm thế này. Làm nghề biển thì phải ra khơi xa chứ quẩn quanh trong cửa biển, đủ sống là may phước”, anh Võ Đôn, bạn nghề với anh Tịnh tâm tư.
Hớp một ngụm trà, anh Tịnh chép chép cái miệng, tiếp: “Mà đi lưới bằng thúng chai không dễ đâu, lơ tơ mơ là khỏi về luôn”. Anh Tịnh nói mới nhớ, người có nghề bao năm, dạn dày kinh nghiệm điều khiển thúng chai nhưng tai nạn vẫn đến với mình. Ghe thuyền lật có thể còn sống chứ thúng chai mà lật úp thì hiếm có người sống sót. Anh Đôn cho biết: “Thúng chai lật úp, ba bốn thanh niên lực lưỡng nhấc không lên. Người nằm trong thúng chết ngộp là chuyện thường”. Thế mới nói, điều khiển thúng chai, dù lắc hay chèo phải có những kỹ năng, kỹ thuật đặc biệt mà ngư dân học được từ kinh nghiệm của người đi trước và từ những tình huống xảy ra với mình.
Gành Đỏ, vùng biển nằm ven quốc lộ 1A là ranh giới hành chính giữa hai huyện Sông Cầu và Tuy An nằm khuất bên rặng dừa sum sê. Ở đây, ngư dân đi lưới bằng thúng chai nhiều nhất tỉnh. Những năm 90, tai nạn chết người do lật thúng chai lên đến cả chục người. Anh Đôn cũng đã có trên dưới 10 năm đi thúng tại biển Gành Đỏ. “Thời điểm ấy sống được lắm nhưng tai nạn liên tiếp xảy ra, nhiều người sợ phải lên bờ hoặc chuyển đến vùng biển khác để làm. Người chết là những người có nghề nhưng có thể vì gặp luồng gió xoáy”, anh Đôn cho hay.
Bài, ảnh: Trần Anh

Bình luận (0)