Những ngày này TP.HCM đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, riêng Q.Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (Q.12) theo Chỉ thị 16. Theo đó, người dân hạn chế ra đường đến mức thấp nhất. Tuy nhiên không thể không đi mua lương thực, thực phẩm. Song vấn đề mà người dân lo ngại nhất thời điểm này là chợ, siêu thị có an toàn phòng dịch không; lương thực – thực phẩm có tăng giá không, có khan hiếm không?
Người dân thực hiện khai báo y tế trước khi vào chợ Tân Mỹ
Đi chợ cũng phải… khai báo y tế
Ghi nhận của chúng tôi tại một số chợ truyền thống cho thấy, thời gian này người dân lui tới mua hàng hóa không đông đúc như trước đây. Đặc biệt, việc tổ chức và thực hiện quy định phòng chống dịch Covid-19 của ban quản lý chợ, người dân hết sức nghiêm túc.
Điển hình như chợ Tân Mỹ (Q.7), trước khi vào chợ, người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn. Bên cạnh đó, người dân còn được khuyến khích thực hiện khai báo y tế trên giấy và cài đặt VHD, Bluezone, Ncovi trên thiết bị di động để quét mã QR khai báo y tế cho thuận tiện. Công việc này được bảo vệ, nhân viên ban quản lý chợ chốt chặn, giám sát thực hiện ngay 3 cổng ra vào từ sáng đến tối.
Theo bà Lưu Thị Bích Hợp – Phó Trưởng ban quản lý chợ Tân Mỹ, tổ chức chốt chặn được thực hiện trong những ngày gần đây khi dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn. Qua đó, người dân không chỉ được nhắc nhở thực hiện các biện pháp chống dịch mà ban quản lý chợ còn nắm cả số lượng người đi chợ, họ đến từ đâu để nâng cao công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng. Trong quá trình khai báo y tế, người dân sẽ cung cấp thông tin về dấu hiệu lâm sàng như sốt, ho, khó thở, đau bụng; yếu tố dịch tễ trong vòng 14 ngày có đi đến, ở hoặc trở về từ vùng dịch không; nếu có thì ghi rõ địa chỉ ngày rời khỏi vùng dịch…
“Nhìn chung ý thức phòng chống dịch của người dân rất cao, hợp tác tốt với ban quản lý chợ để thực hiện yêu cầu. Cũng có vài trường hợp kéo khẩu trang xuống cằm do thời tiết nắng nóng nhưng được nhắc nhở kịp thời”, bà Hợp cho biết.
Tại chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), ngay cổng ra vào (cả cổng chính và cổng phụ) đều có bảng thông báo bắt buộc phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, đo thân nhiệt và bảng khuyến khích cài đặt Bluezone để thực hiện quét mã QR khai báo y tế. Nhằm tăng cường giám sát phòng chống dịch, nhiều tiểu thương còn xung phong tham gia cùng ban quản lý.
Người dân mua thực phẩm tại siêu thị Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu, Q.3
Bà Nguyễn Phạm Mộng Hường – tiểu thương bán trái cây, thành viên trong đội giám sát – cho biết: “Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, việc chung tay hỗ trợ ban quản lý sẽ góp phần tăng cường giám sát, nhắc nhở người dân tham gia chống dịch, trước hết vì sức khỏe bản thân, gia đình, sau đó là cộng đồng. Cứ mỗi cổng ra vào chợ đều có tiểu thương giám sát nên người dân nào không chấp hành quy định là không được vào chợ. Nhìn chung ý thức phòng chống dịch của người dân cũng được nâng cao, rất hiếm người vi phạm”.
“Thượng đế” phải giãn cách 2m khi mua sắm
Đây là một trong những quy định bắt buộc tại một số siêu thị, trung tâm thương mại. Hiện tại, các siêu thị, trung tâm thương mại đều kích hoạt chế độ chống dịch và có phần nâng cao mức độ kiểm soát các quy định. Tại cổng ra vào luôn có bảo vệ đứng đo thân nhiệt cho khách hàng và nhắc nhở đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giãn cách mật độ tập trung.
Tại Trung tâm thương mại AEON Mall Tân Phú, khách vào mua sắm phải giãn cách mật độ, xếp hàng lần lượt đo thân nhiệt. Còn siêu thị Big C Miền Đông (Q.10), khách hàng nào thân nhiệt vượt quá cho phép trong lần đo đầu tiên bắt buộc phải ra ngoài chờ khoảng 5 phút. Sau lần đo thứ hai, nếu thân nhiệt ổn định mới được vào mua sắm, ngược lại sẽ không được vào.
Hầu hết quầy thanh toán ở những nơi này đều được bố trí tấm kính ngăn cách giữa khách hàng và nhân viên thu ngân để đảm bảo quy định phòng dịch. Cứ khoảng 10 phút, hệ thống loa sẽ lặp lại thông báo nhắc nhở mọi người phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Ông Nguyễn Đình Chiểu – bảo vệ siêu thị Big C Miền Đông – cho biết: “Mọi người đều thấy được sự nguy hiểm của dịch bệnh nên chấp hành tốt quy định phòng chống dịch mà siêu thị đưa ra”.
Hàng hóa dồi dào, giá không tăng
Ghi nhận của phóng viên Tạp chí Giáo dục TP tại một số chợ truyền thống như Vườn Chuối (Q.3), Thị Nghè (Q.Bình Thạnh), Thái Bình (Q.1) cho thấy, hàng hóa, nhu yếu phẩm phong phú, giá không tăng.
Tại chợ Vườn Chuối, giá các loại rau như bắp cải, cải thảo, cải thìa, mồng tơi dao động từ 15.000-18.000/kg; bí đỏ, bí xanh, dưa leo từ 12.000-17.000/kg. Mặt hàng tươi sống như cá thu 200.000/kg, cá ngân, bạc má 70.000-75.000/kg, tôm thẻ lớn 150.000 đồng/kg. Thịt bò từ 150.000-280.000 đồng/kg tùy loại nạm, bắp, gân…
Tương tự, hệ thống các siêu thị như Big C Miền Đông, Co.opmart, Co.opxtra, hàng hóa cũng đa dạng và giá cả bình ổn. Tại siêu thị Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, mặt hàng rau củ như bắp cải thảo giá 19.000 đồng/kg, dưa leo 29.500 đồng/kg, hành tây Đà Lạt 19.900 đồng/kg, cà rốt Đà Lạt 17.900 đồng/kg, khoai lang tím giống Nhật 5.900 đồng/kg… Giá mặt hàng thực phẩm tươi sống không cao so với ngày thường. Cá bạc má 82.000 đồng/kg, cá hường 72.000 đồng/kg, mình cá thu 230.000 đồng/kg, cá diêu hồng 68.000 đồng/kg. Riêng thịt heo thì giá khá mềm, vai 148.000 đồng/kg, nạc đùi 173.000 đồng/kg, cốt lết 144.000/kg, chân giò 132.000/kg. Các mặt hàng nhập khẩu như gân bò Úc cũng chỉ 240.000 đồng/kg, đùi bò Úc 330.000 đồng/kg, không cao so với thịt bò trong nước.
Nhìn chung, không có quận, huyện nào xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa. Sức mua của người dân cũng ổn định, không xô bồ. Tại siêu thị Co.opmart Cống Quỳnh, Q.1, người mua không quá đông, quá trình mua đều thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch…
Khách hàng đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn trước khi vào Trung tâm thương mại AEON Mall Tân Phú
Theo Sở Công thương TP.HCM, trong bối cảnh TP thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 15, riêng Q.Gò Vấp và P.Thạnh Lộc (Q.12) thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, ngành đã sớm chủ động kích hoạt liên kết 22 tỉnh, thành trong chương trình kết nối cung cầu và bình ổn thị trường hàng hóa. Mỗi ngày có khoảng 8.000 tấn rau củ quả được nhập và tiêu thụ tại 3 chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức với sản lượng này đáp ứng khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng của người dân TP. Bên cạnh đó các hệ thống siêu thị, doanh nghiệp phân phối lớn đều có phương án dự phòng, đảm nhiệm 30% còn lại. Mỗi ngày có hàng trăm tấn thịt heo, thủy hải sản, hàng ngàn con gia cầm đảm bảo cung ứng đủ thực phẩm thiết yếu cho TP.
Mới đây, sau khi đi thực tế khảo sát nguồn cung hàng hóa trong mùa dịch tại TP.HCM, ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công thương – đánh giá, TP.HCM đã điều tiết, cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khá tốt. TP đã động viên các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, phương án tăng cường nguồn cung; chủ động đẩy mạnh sản xuất và tăng năng suất từ 50-100% sản lượng. Đối với các địa điểm phân phối trên địa bàn, đều có kế hoạch, phương án tăng cường dự trữ hàng hóa từ 2-3 lần, góp phần đảm bảo nguồn cung đầy đủ cho người dân.
Phương Trinh
Bình luận (0)