Tục ngữ có câu “Tiếng chào cao hơn mâm cỗ” cho thấy việc chào hỏi luôn là sự lễ phép cần thiết của mọi người dành cho nhau. Từ thuở ấu thơ, bài học đầu đời dành cho trẻ chính là việc chào hỏi ông bà, cha mẹ và những người thân. Mỗi khi trẻ cất lên những tiếng “thưa ba”, “thưa mẹ”, “thưa ông”, “thưa bà”, các em sẽ đón nhận ánh mắt thân thương, sự vuốt ve âu yếm của ông bà, cha mẹ và chỉ cần có thế là bao nỗi khó nhọc của ông bà, cha mẹ như tan biến.
Tuy nhiên, thời nay, có lẽ vì quá tất bật với công việc mưu sinh mà nhiều bậc phụ huynh không còn quan tâm đến việc chào hỏi của con em mình. Có nhiều học sinh cho rằng khi đi học hay đi chơi, các em cứ tự tiện đi, không hề thưa gửi, vậy mà cha mẹ không hề la rầy. Nhiều phụ huynh còn thẳng thừng tuyên bố: “Hễ thấy nó không còn ở nhà là biết nó đi học rồi, thưa gửi chi cho mệt”. Vậy là bài học “Đi thưa về trình” kể như không còn đối với các gia đình này. Dần dần các bậc phụ huynh vô tình hình thành cho con thói quen gặp người lớn là các em không chào hỏi gì cả, xem đây là chuyện bình thường. Ta thử hình dung một học sinh khi ra đường gặp thầy cô, người lớn tuổi vẫn trơ mắt ngó thì các em có xứng đáng là người có văn hóa hay không?
Việc phụ huynh dạy con “Đi thưa về trình” có nhiều cái lợi. Trước hết là giúp trẻ hoàn thiện nhân cách, sự lễ phép dành cho người lớn theo tinh thần “Tiên học lễ, hậu học văn” mà thầy cô đã dạy trong nhà trường. Ngoài ra, việc xin phép phụ huynh đi học hay đi chơi giúp cha mẹ quản lý được con khi con vắng nhà. Nếu phụ huynh cứ để cho con em mình muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm rất dễ xảy ra những chuyện rủi ro đáng tiếc. Thực tế có nhiều học sinh tự ý rủ bạn đi tắm sông rồi rủi ro bị đuối nước, tử vong. Những cái chết thương tâm này là bài học cảnh tỉnh dành cho các bậc phụ huynh chỉ lo công việc mà không quan tâm đến việc quản lý con, nguyên nhân chính là vì phụ huynh không dạy con có thói quen “Đi thưa về trình”.
Như vậy, việc chào hỏi hay thói quen “Đi thưa về trình” luôn là việc mà mỗi người phải ghi nhớ và thực hiện dù ở lứa tuổi nào. Các bậc phụ huynh không được xem nhẹ một bài học đạo đức đơn giản nhưng lại thể hiện nhân cách của con người. Chính từ sự lễ phép này, trẻ sẽ hoàn thiện nhân cách của mình và mai sau các em mới trở thành những người cư xử, ăn nói có văn hóa, lịch sự. Đây là nền tảng để trẻ trở thành những người tài, đức vẹn toàn, làm việc giúp ích cho gia đình và xã hội.
Nguyễn Thanh Dũng
Bình luận (0)