Y tế - Văn hóaThư giãn

Di tích 200 tuổi có nguy cơ bị xóa sổ

Tạp Chí Giáo Dục

 Đơn vị thi công công trình đường bao phía Tây dự án tòa nhà Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng đã xâm hại nghiêm trọng di tích cấp quốc gia thành Điện Hải, công trình văn hóa lịch sử được xây dựng từ năm 1813.
Cây đa cổ thụ nơi thành Điện hải đang bị đào có nguy cơ bật gốc và cành lá úa vàng. (Ảnh: Lê Phong)
Ngay sau khi phát hiện di tích cấp quốc gia thành Điện hải bị xâm hại nghiêm trọng, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP. Đà Nẵng đã có văn bản yêu cầu đơn vị thi công Ban quản lý dự án tòa nhà Trung tâm hành chính thành phố dừng thi công công trình đường bao phía Tây để báo cáo UBND TP.
Điều đáng quan tâm là di tích cấp quốc gia này nằm giữa trung tâm TP. Đà Nẵng ngay sát tòa nhà Trung tâm hành chính Đà Nẵng sắp hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng cơ quan chức năng lại không hề hay biết, đến khi đơn vị thi công dào bới mới ngăn chặn.
Ông Hà Phước Mai, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết ngày 10/3, Bảo tàng Đà Nẵng phát hiện đơn vị thi công công trình đường bao phía Tây tòa nhà hành chính TP Đà Nẵng đã cho máy đào, máy ủi đào sát vách thành Điện Hải và cây đa cổ thụ. Việc đơn vị thi công cho máy đào đào sát gốc cây đa cổ thụ làm cây đa hàng trăm năm tuổi bị vàng lá và có nguy cơ chết.
Thành Điện Hải là di tích lịch sử cấp Quốc gia, được xây dựng năm 1813 (Gia Long thứ 12) gần cửa biển Đà Nẵng và dời vào đất liền vào năm 1823 (Minh Mạng thứ 4).
Thành Điện Hải là đồn lũy quan trọng góp phần đánh bại cuộc tấn công của thực dân Pháp vào Đà Nẵng những năm 1858 – 1860 gắn liền với tên tuổi của danh tướng Nguyễn Tri Phương.
Kể từ đó đến nay, Thành Điện hải gắn liền với tên tuổi Nguyễn Tri Phương và người dân Đà Nẵng xem như biểu tượng chí khí quật cường của cha ông đánh tan đội quân Pháp xâm lược. 

Theo VNN

Bình luận (0)