Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Di tích bị… san bằng

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng loạt di sản đang chờ xếp hạng cũng nằm trong danh sách di dời, giải phóng mặt bằng để nhường đất cho dự án
17 năm sau chương trình bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị, năm 2010, UBND TPHCM giao Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) chủ trì, khảo sát, đánh giá hiện trạng, lập hồ sơ công nhận đối với 168 công trình, địa điểm đủ tiêu chí xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp TP hoặc cấp quốc gia.
Hầm bí mật của Huyện đội Bắc Thủ Đức chỉ còn đống đổ nát
Ảnh: THU SƯƠNG
 TP cũng thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch và chương trình hành động bảo tồn cảnh quan kiến trúc, có nhiệm vụ xây dựng chương trình tổng thể công tác bảo tồn, đồng thời chỉ đạo điều hành việc xây dựng  quy chế bảo tồn cho một số khu vực trọng điểm.
Tiếc cũng đành chịu
Thế nhưng, theo PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP, đến nay chương trình tổng thể cho công tác bảo tồn vẫn chưa được phê duyệt để làm cơ sở triển khai thực hiện. Và danh mục 168 công trình đang lặp lại tình trạng của danh mục 108 công trình trước đó.
Ngôi nhà cổ của ông Nguyễn Minh Chính (phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9) có tuổi đời khoảng 100 năm. Giữa um tùm cỏ hoang, ngôi nhà bằng gỗ, mái ngói âm dương vẫn lưu lại được vẻ bề thế, quyền lực của tư dinh một vị quan huyện. Nội thất đã bị tháo dỡ nhiều nhưng các chi tiết kiến trúc, chạm trổ còn lại khá đẹp cho thấy sự sang trọng một thời của ngôi nhà và cũng là nét tài hoa của những người thợ ngày ấy.
 Cách đó một con hẻm, ngôi nhà ông Huỳnh Hữu Thời có tuổi đời hơn 150 năm, loại nhà chữ đinh ba gian hai chái, kèo chạm trổ, thuộc loại kiến trúc hiếm còn sót lại.
 Nằm trong danh mục 168 công trình cần bảo tồn, theo Sở VH-TT-DL, cả 2 ngôi nhà này đều đủ tiêu chí xếp hạng di tích cấp TP và dự định thời gian lập lý lịch di tích là năm 2013. Tuy nhiên, vừa đón các đoàn khảo sát di tích, những người sống trong 2 ngôi nhà này cũng đồng thời đón Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng quận 9 đến làm hồ sơ giải phóng mặt bằng vì nằm trong quy hoạch khu công nghệ cao.
 Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng quận 9 đã đi nhanh hơn một bước vì 2 hộ này đã nhận tiền bồi thường và đang di chuyển đồ đạc để chuẩn bị bàn giao mặt bằng cho quận 9 trong năm nay. Dù luyến tiếc với ngôi nhà từ đường cụ kỵ để lại nhưng theo người nhà ông Huỳnh Hữu Thời, do ngôi nhà đã xuống cấp, vả lại, chuyển về khu tái định cư diện tích nhỏ không có nơi phục dựng nên có thể để nguyên trạng cho đơn vị thi công tháo dỡ và san ủi.  Thậm chí, nhiều cán bộ Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng quận 9 cũng tỏ ra tiếc nuối khi phải “xóa sổ” 2 căn nhà cổ đẹp này. 
Bên giữ, bên xóa
Quận Thủ Đức có 2 trong số ít công trình hầm bí mật còn sót lại của TP đang được đề nghị bảo tồn theo Luật Di sản. Hầm bí mật tại khu phố 2, phường Bình Chiểu là dạng hầm nổi, vốn là am thờ Phật của một ngôi chùa, cũng là trụ sở Huyện đội Bắc Thủ Đức từ năm 1961-1970.
 Ông từ giữ chùa tên  Nguyễn Văn Đắc năm nay đã ngoài 90 tuổi, cho biết căn hầm được xây dựng khoảng năm 1950, sau đó bị đánh bom sập một phần, phần còn lại vẫn được sử dụng đến ngày giải phóng năm 1975. Đến nay, căn hầm chỉ còn là một khối đổ nát và có lẽ cũng chỉ tồn tại được thời gian ngắn.
 Ngược lại, hầm bí mật tại khu phố 3 là hầm chìm nằm dưới nền nhà ông Tạ Kim Ba và còn khá nguyên vẹn. Hầm sâu khoảng 1,5 m, dài 2,5m, rộng 1,5 m, từng là văn phòng của Huyện ủy Bắc Thủ Đức từ năm 1966-1972, theo lời con trai ông Ba, lúc cao điểm có đến 6 cán bộ sống bên dưới. Thỉnh thoảng, có các đoàn học sinh, sinh viên đến thăm nhưng hiện nay do công trình đã xuống cấp, gây ảnh hưởng đến nền nhà và móng nhà, gia đình có ý lấp hầm bí mật này.  
 Không chỉ di tích TP mà di tích quốc gia cũng bị lăm le “xóa sổ”. Ụ tàu Ba Son (quận 1) đang được Sở VH-TT-DL lập hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia, bổ sung vào khu di tích xưởng cơ khí Ba Son. Đây là nơi Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã làm việc giai đoạn 1915-1928, cũng là nơi đầu tiên nổ ra cuộc đình công – lãn công của công nhân Ba Son dưới sự lãnh đạo của Bác Tôn.
 Tuy nhiên, việc bảo tồn ụ tàu này đang gây nhiều tranh cãi: Sở VH-TT-DL muốn bảo tồn vì ụ tàu này vẫn giữ nguyên vẹn kiến trúc và hoạt động bình thường trong khi Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (Bộ Quốc phòng) không muốn giữ lại vì cho rằng công trình đã xuống cấp, không còn giá trị nguyên vẹn của một di tích nên khu vực này sẽ quy hoạch lại để làm khu thương mại phức hợp.
Phải giữ gìn di sản
Theo kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, chúng ta phải nâng niu, gìn giữ di sản kiến trúc đô thị bởi nó làm đô thị có hồn, có sức sống để các thế hệ mai sau gắn bó, yêu quý, bảo vệ TP cũng như để làm điểm tựa cho phát triển kinh tế – xã hội.
theo NLĐ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)