Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Di tích đền Bắc Hà

Tạp Chí Giáo Dục

Thị trấn Bắc Hà (huyện Bắc Hà, Lào Cai) là nơi thu hút nhiều khách tham quan với các sản phẩm du lịch là: Chợ phiên vào ngày Chủ nhật, Dinh thự Hoàng A Tưởng và đặc biệt là ngôi đền Bắc Hà đã được xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia vào ngày 29-10-2003.
Cổng đền Bắc Hà
Đền Bắc Hà được nhân dân địa phương góp công sức xây dựng từ thế kỷ XIX. Đền thờ Gia Quốc Công Vũ Văn Mật-người có công huy động các tộc người thiểu số địa phương trấn giữ một vùng biên ải rộng lớn phía Bắc Tổ quốc từ thời Lê Chiêu Tông (từ năm 1516) sang thời Nhà Mạc (từ năm 1527).
Thời Vua Lê Chiêu Tông, tại làng Ba Động, huyện Gia Phúc (nay là huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) có hai anh em nhà họ Vũ là Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật lên trấn Đại Đồng, phủ Tuyên Quang sinh sống. Tù trưởng trấn Đại Đồng tàn ác nên nhân dân oán giận, anh em họ Vũ đã tập hợp người dân địa phương nổi dậy, trở thành người cai trị trấn Đại Đồng. Lúc đó, chính sự rối ren, Vua Lê Chiêu Tông phong cho hai anh em làm Đô thống sứ trấn Tuyên Quang để yên một cõi. Anh em họ Vũ chọn vùng đất Phúc Khánh (phố Ràng, huyện Bảo Yên, Lào Cai ngày nay) xây dựng căn cứ. Người Kinh từ xuôi lên sát cánh cùng người Tày, người Nùng, người Dao… làm cho vùng đất theo triền sông Chảy lên tận tổng Ngọc Uyển (xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà ngày nay) phồn thịnh.
Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi Nhà Hậu Lê. Hai anh em họ Vũ giữ vững cả miền Tuyên Quang, Hưng Hóa, cát cứ một phương, không chịu theo Nhà Mạc. Năm 1551 thời Lê Trung Tông, hai anh em họ Vũ theo lệnh Vua Lê, mang quân phối hợp với tướng Nhà Mạc mới về hàng Nhà Lê là Lê Bá Ly tiến đánh Thăng Long. Hai anh em đem quân xuống lấy các phủ Tam Đái, Bắc Hà rồi sai người đi phủ dụ dân Thái Nguyên, Lạng Sơn. Quân Lê Bá Ly tiến sát kinh thành khiến Vua Mạc Tuyên Tông bỏ chạy, để Mạc Kính Điển ở lại chống giữ.
Năm 1556, Vua Lê Anh Tông lên ngôi, Phụ chính Trịnh Kiểm cất quân đánh Mạc tới Tuyên Quang, Vũ Văn Uyên ra đón. Trịnh Kiểm rất mừng, cho ông trấn giữ Đại Đồng và ban quyền thế tập trấn giữ Tuyên Quang. Vũ Văn Uyên chết không có con, em là Vũ Văn Mật nối quyền, xưng là Gia Quốc Công. Vũ Văn Mật dời căn cứ từ thành Nghị Lang sang xây thành đắp lũy trên gò Bầu. Từ đó, nhân dân thường gọi ông là Vua Bầu. Sau khi Vũ Văn Mật qua đời, họ Vũ còn truyền thêm 4 đời thay nhau hùng cứ một vùng rộng lớn biên giới phía Bắc gần 200 năm.
Tưởng nhớ công lao của Gia Quốc Công Vũ Văn Mật, nhân dân Bắc Hà lập đền thờ tại thị trấn Bắc Hà. Đền Bắc Hà trở thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng của không chỉ người Việt mà còn của các tộc người khác trên địa bàn huyện Bắc Hà. Vào ngày 10-2 âm lịch hằng năm, nhân dân Bắc Hà tổ chức lễ hội để nhân dân trong vùng và khách du lịch thập phương ngưỡng vọng người có công với đất nước.
Theo HÀM ĐAN
(QĐND)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)