Cụm tháp Hòa Lai nằm bên Quốc lộ 1A thuộc xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt vào cuối năm 2016. Tuy nhiên, hiện tại nhiều hạng mục của di tích đang bị xuống cấp và có nguy cơ bị phai mờ dấu tích xưa.
Cỏ dại mọc um tùm tại di tích Quốc gia đặc biệt tháp Hòa Lai. |
Hiện tại, toàn bộ khuôn viên của tháp bị cỏ dại mọc um tùm, che kín cả lối đi từ tháp Nam sang tháp Bắc. Dấu tích khảo cổ học được khai quật của tháp giữa cũng đang bị bao phủ bởi cỏ dại. Nhiều mảng tường gạch có các hoa văn điêu khắc bị mủn nát, bong rộp, kè quanh chân tháp bị lún nứt.
Dù có người trông coi, quản lý nhưng do không được dọn dẹp thường xuyên nên bên trong tháp trở thành nơi trú ngụ của côn trùng. Các dây điện dẫn vào thắp sáng các tháp sà xuống đất nằm lẫn với cỏ dại rất nguy hiểm.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, tác động khắc nghiệt của thời gian và khí hậu đã ảnh hưởng đến sự tồn tại và độ bền bỉ của tháp. Dù đã được tu bổ, gia cố nhiều đợt qua nhiều năm nhưng vì đã trải qua thời gian tồn tại cả nghìn năm nên một số hạng mục của tháp vẫn tiếp tục bị hư hỏng.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận đang nghiên cứu, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan xây dựng hồ sơ, lập quy hoạch tổng thể để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt tháp Hòa Lai và tháp Pô Klong Garai gắn với phát triển du lịch Ninh Thuận đến năm 2030.
Cỏ dại mọc trên nền tháp giữa, các mảng tường gạch có hoa văn điêu khắc rất đẹp đang bị mủn nát, bong rộp. |
Tháp Hòa Lai được xây dựng từ thế kỷ IX, là một trong những cụm tháp Chăm cổ nhất hiện còn. Quần thể tháp Hòa Lai gồm tháp phía Bắc, tháp phía Nam và tháp chính giữa, trong đó tháp giữa xây dựng dở dang và do tác động của con người qua các giai đoạn lịch sử nên hiện nay chỉ còn phần nền.
Tháp Hòa Lai chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, kiến trúc và điêu khắc được giới khoa học trong và nước đánh giá rất cao về kỹ thuật xây dựng và nghệ thuật chạm khắc tinh tế, độc đáo của nền văn hóa Chăm Pa.
Bình luận (0)