Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Di tích trọng điểm chưa được coi trọng

Tạp Chí Giáo Dục

Di tích Trụ sở phái đoàn liên lạc của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam bị đập phá (năm 2002) – Ảnh: tư liệu

Chiều 9.3, tại Hội nghị tổng kết hoạt động quản lý di sản văn hóa trên địa bàn TP.HCM, Sở VH-TT-DL đã nêu lên những di tích trọng điểm cần nhanh chóng giải quyết hiện trạng không tốt vẫn tồn tại lâu nay.

Trước hết là chùa Phụng Sơn, dựng từ thời vua Gia Long, hiện tọa lạc tại số 1408 đường 3.2, quận 11, TP.HCM, là một di tích quốc gia đã được công nhận từ cuối năm 1988, tức cách đây đã hơn 20 năm, song đến nay mặt bằng của cổ tự này vẫn chưa được thông thoáng, bị lấn chiếm, xây nhà ở. Vì thế việc triển khai dự án đền bù giải tỏa 132 hộ dân nằm trong khu vực bảo vệ di tích cần được thực hiện thỏa đáng và nhanh hơn.

Tiếp đó là chùa Giác Viên được công nhận di tích quốc gia từ năm 1993, cộng cả hai khu vực thuộc diện tích di tích là 22.765m2, nhưng trên thực tế đến nay diện tích ấy đã bị lấn chiếm và sử dụng không đúng với quy định. Đã có các đề xuất để giải quyết thực trạng trên, trong đó phương án giải tỏa thu hồi 4 thửa đất và nhà của người dân với 1.515m2, thu hồi một phần đất của di tích hiện đang do Công viên văn hóa Đầm Sen sử dụng rộng 1.199m2, đã được Cục Di sản văn hóa đồng ý. Một vài mắc mứu khác như việc đưa khu mộ tháp của chùa Giác Viên rộng khoảng hơn 638m2 vào khu vực bảo vệ vòng trong (khu vực I) cũng là một yêu cầu có ý nghĩa văn hóa tâm linh.

Di tích khác mang dấu ấn lịch sử là Trụ sở phái đoàn liên lạc của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam cạnh Phân ban quốc tế giám sát và kiểm soát đình chiến tại Sài Gòn (1955 – 1958) hiện ở số 87A Trần Kế Xương, phường 7, quận Phú Nhuận đã được quyết định xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1988 với diện tích (bao gồm khu vực cần bảo vệ) tổng cộng 7.485m2. Đến năm 2002, trụ sở này đã bị đập phá để sử dụng không đúng mục đích gây sửng sốt và bàng hoàng thật sự cho những người quan tâm đến di tích cách mạng. Sau đó, để sửa chữa, Bộ chỉ huy quân sự TP.HCM đã giao Ban quản lý khu di tích địa đạo Củ Chi trực tiếp quản lý di tích này và thực hiện dự án phục hồi, tôn tạo theo hướng dẫn chuyên môn của Sở VH-TT-DL.

Cạnh đó, một di tích khảo cổ học nổi tiếng nằm trên địa bàn TP.HCM ở phường 16, quận 8 là Lò gốm cổ Hưng Lợi với diện tích tổng thể là 50.000m2. Sở VH-TT-DL đang đề nghị UBND TP.HCM yêu cầu UBND quận 8 báo cáo về tình hình thanh tra quản lý đất tại khu vực di tích khảo cổ học này để giải quyết khiếu nại liên quan đến công tác quản lý đất để giải quyết đền bù giải tỏa các hộ dân trong phạm vi di tích và tiếp tục thực hiện dự án tu bổ và tôn tạo di tích này.

Ngoài ra, dư luận cũng rất quan tâm đến việc tu bổ và tôn tạo ngôi nhà cổ của cụ Vương Hồng Sển – một nhà văn hóa, nhà sưu tập cổ vật nổi tiếng trong và ngoài nước – đồng thời là người đầu tiên cống hiến nhiều cổ vật gốm nhất cho Nhà nước trước khi qua đời. Ngôi nhà ở gần chợ Bà Chiểu mang số 9/1 đường Nguyễn Thiện Thuật, quận Bình Thạnh, TP.HCM, theo tự bạch của cụ Vương nguyên là một “cái xác nhà xưa 5 căn 2 chái, chạm trổ khéo, cất theo khoa kiến trúc cổ Việt Nam”, được cụ tháo rời ra từng phần, để chở từ làng Phú Xuân Hội về địa chỉ trên ráp lại.

Giao Hưởng (theo TNO)

Bình luận (0)