Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đi tìm gạo sạch

Tạp Chí Giáo Dục

Thật khó tin tưởng với gạo sạch khi không hề có bao bì nhãn mác
Đối với người tiêu dùng, nếu thịt cá, rau củ luôn được coi trọng chữ “an toàn vệ sinh thực phẩm” thì nguyên liệu để nấu cơm, cháo cũng phải là những hạt gạo sạch. Thế nhưng, hầu hết người tiêu dùng không thể phân biệt được thật giả khi đi mua gạo do thị trường lương thực này đang loạn về tên gọi, chất lượng và nguồn gốc.
Nhãn mác “loạn cào cào”
Tại một tiệm kinh doanh gạo trên góc đường Phan Văn Trị và Phạm Văn Đồng thuộc P.5, Q.Gò Vấp, TP.HCM các loại gạo được phân chia theo từng mức giá để người mua dễ lựa chọn. Mức giá trung bình từ 13 đến 13,5 ngàn đồng/kg là các loại Thơm Lài Sữa, Mỹ Thơm, Thơm Thái, Thơm Lài… Nếu các bà nội trợ quen dùng gạo ngon thì chọn Dẻo Ngon, Dẻo Xốp hay Nàng Thơm, Lài Sữa (14 đến 14,5 ngàn/kg). Ở đây, cũng phục vụ những người có túi tiền hạn hẹp như loại gạo Nở Mềm, Dẻo 64 chỉ 9 đến 10 ngàn/kg. Đây chính là điều khó khăn nhất cho các khách hàng khi đứng trước hàng trăm loại gạo “hữu danh hoặc vô danh”. Thế nhưng, hầu hết các chủ hàng gạo đều cam kết tên gọi các loại gạo này do các mối quen cung cấp nên luôn đảm bảo uy tín và bao “sạch”. Chị Lê Thị Hương – bán quán cóc ở đường Tầm Vu, Q.Bình Thạnh cho biết: “Tôi mua gạo chủ yếu tùy thuộc vào túi tiền của mình. Hôm nào có nhiều tiền thì mua gạo ngon về ăn còn tuần nào tiền ít thì mua loại gạo rẻ tiền hơn một chút”. Theo chị Hương, nhà đông con lại là dân lao động nên có gạo ăn là quý lắm rồi không cần ngon dở hay đắt rẻ như người ta. Trong khi đó bà Phạm Thị Thanh Liêm – nhà ở đường Trần Quốc Tuấn, P.8, Q.3 lại chuộng các loại gạo nhập từ nước ngoài về như Thơm Thái Lan, Đài Loan Dẻo dù giá cả cao hơn. Tuy nhiên, khi được hỏi về chất lượng và nguồn gốc thì bà Liêm trả lời “người bán nói sao thì mình nghe vậy”. Thực tế  này bắt gặp ở mọi nơi vì hiện nay người mua biết tên gọi các loại gạo bày bán trên thị trường chủ yếu nhìn vào biển tên và bảng giá do chủ cắm trên hộp gạo. Điều đó có nghĩa là xuất xứ hay nguồn gốc của mặt hàng này do người bán “phán xét” chứ người mua thì “mù tịt” thông tin. Đây chính là kẽ hở để các nhà kinh doanh pha trộn, giả danh, gắn mác thiệt vào hàng giả để “qua mặt” người mua. Vì thế chuyện gạo mốc, mất chất đã được “phù phép” ướp hương liệu biến thành gạo cao cấp để đánh lừa “thượng đế” là chuyện đã từng xảy ra trước đây.
Điều đáng ngờ vực nhất là dù mang danh rõ ràng các loại gạo nhưng hầu hết đều không có bao bì nhãn mác. Thế nhưng, khi được giới thiệu xuất xứ từ Đài Loan, Thái Lan hay Indonesia thì hầu hết khách hàng nào cũng “tin sái cổ” mặc dù giá cả rất bình dân. Trong lúc đó, tại các siêu thị giá một túi gạo thơm Nàng Yến, Hương Việt, Xiêm Hồng loại 5kg cũng đã lên tới 154,5 ngàn đồng hoặc thấp hơn một chút. Sự chênh lệch quá lớn giữa gạo có nhãn mác và gạo “tự phong nhãn mác” đã cho thấy sự lập lờ về chất lượng, giá cả.
Sức khỏe phải đặt lên hàng đầu

Gạo Hạt Ngọc Trời

Ông Võ Minh Khải – Giám đốc Công ty Viễn Phú (Cà Mau) cho biết, gạo sạch phải đủ các tiêu chuẩn như: Đảm bảo độ thuần chủng, đảm bảo được hương vị đặc trưng, không sử dụng hương vị tạo mùi, không sử dụng chất bảo vệ thực vật ngoài danh mục, bảo quản sản phẩm đúng kỹ thuật và không pha trộn các loại gạo với nhau. Cũng theo ông Khải, trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại gạo không rõ nguồn gốc có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người nên người tiêu dùng đừng  ham rẻ mà sáng suốt lựa chọn những thực phẩm an toàn cho bữa cơm gia đình. Chính vì thế mới có những hợp đồng xuất khẩu gạo từ quốc gia này sang quốc gia khác bị “cắt ngang” do nhiễm thạch tín hay dư lượng thuốc trừ sâu quá cao, sau khi đột xuất kiểm định chất lượng sản phẩm. Sức khỏe con người đối với họ luôn được đặt lên hàng đầu.
Với người bán hàng, để tạo ra sản phẩm lương thực mới vừa có độ dẻo độ thơm lại vừa hợp túi tiền khách hàng, họ đã “phù phép” bằng cách ướp hương liệu hay trộn thứ này với thứ khác. Đây là cách làm “sáng tạo” nhưng lại vi phạm nguyên tắc chất lượng gạo sạch như ông Khải đã nêu. Chị Mai nhà ở đường Kha Vạn Cân, P.Hiệp Bình Chánh đã từng mua gạo Thái Dẻo Thơm với giá 14 ngàn đồng/kg nhưng khi vo xong thì hầu như mùi thơm biến mất, còn lúc ăn thì có hạt dẻo hạt không. Chính vì thế, sau này khi nhà hết lương thực chị lại chịu khó vào siêu thị hoặc những đại lý có thương hiệu để mua gạo. “Nếu ăn thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, chắc chắn về sau khó tránh khỏi bệnh tật” – chị Mai chia sẻ.
Gạo đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Hiện nay, nhiều loại gạo sạch đang được lên ngôi đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có bao bì nhãn mác và có giấy chứng nhận quốc gia quốc tế như gạo Viet GAP, Global GAP, Organic.. của Công ty Viễn Phú (Cà Mau), 3 loại gạo Nosavina (Lài Đông Xuân, Sen Hè Thu và Cúc Thu Đông) của Công ty Cỏ May (Đồng Tháp). Riêng Công ty Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) đã sản xuất ra nhiều loại gạo chất lượng cao đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo vòng tròn khép kín từ khâu xây dựng vùng nguyên liệu đến bao tiêu sản phẩm nên nhiều năm nay đã thỏa mãn các điều kiện khắt khe của thị trường Nhật Bản vốn rất khó tính. Thương hiệu gạo xuất khẩu quốc tế VBRice của AGPPS đã chinh phục hơn 32 thị trường các nước trên thế giới. Ở trong nước gần đây, AGPPS đã tung ra loại gạo mới Hạt Ngọc Trời và Vibigaba. Là loại gạo mầm dành riêng cho người bệnh cao huyết áp và tiểu đường nên chúng còn được mệnh danh: “Chén cơm nên thuốc”. Ông Huỳnh Văn Thòn – Tổng giám đốc AGPPS cho biết: “Giải quyết được đầu ra cho nông dân nhưng quan trọng nhất là đáp ứng được nhu cầu khách hàng về tính thuần nhất và chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định mang lại thành công cho thương hiệu gạo Hạt Ngọc Trời – Vibigaba hướng tới  mục đích “Gạo sạch cơm ngon, vuông tròn hạnh phúc”.
Bài, ảnh: Quang Phan

Bình luận (0)